Wednesday, May 29, 2013

TRUYỆN NGẮN

Bến Đợi



NGUYỄN KHUYẾN VÀ LÒNG YÊU NƯỚC 
 .                        Hoàng Nguyên Linh
    

     Nguyễn Khuyến sinh năm Ất Mùi,1835. Lúc nhỏ tên Nguyễn Thắng. Cha là  Nguyễn Tông Khởi và mẹ là Trần Thị Thoan. Nguyên quán Nghệ An sau chuyển về làng Yên Đỗ, huyện Lục Bình, tỉnh Hà Nam. Năm 17 tuổi  Nguyễn Khuyến cùng cha đi thi Hương nhưng không đậu. Nguyễn Khuyến được ông nghè Vũ Văn Lý đem về nuôi cho ăn học. Năm 30 tuổi Nguyễn Khuyến thi Hương đỗ giải nguyên. Đến năm 37 tuổi Nguyễn Khuyến  đỗ Hội Nguyên rồi Đình Nguyên.  Là người đỗ đầu 3 kỳ thi nên ông được vua Tự Đức tặng danh hiệu Tam Nguyên và người đời gọi  Nguyễn Khuyến là Tam Nguyên Yên Đổ.
     Nguyễn Khuyến bắt đầu ra làm quan và lần lượt giữ những chức vụ quan trọng như Đốc học Thanh Hoá, Án sát Quảng Bình, Bố chánh Quảng Nam, Thương biện Hà Nội, Sơn Hưng Tuyên Tổng đốc. Thế nhưng, sống trong một triều đại đã đến thời mục nát, tận mắt  chứng kiến cảnh nô lệ ngoại bang, ông sinh lòng chán nản và viện cớ đau mắt, Nguyễn Khuyến cáo quan vào năm 50 tuổi (1885) và về quê đạy học, vui thú điền viên. Đây cũng là một hành động chứng tỏ sự bất hợp tác của nhà thơ đối với triều đình và người Pháp. Ông mất năm 1909, thọ 75 tuổi.
Trong Việt Nam Van Học Sử Yếu, Giáo Sư Dương Quảng Hàm đã nhận xét ông là một người từng trải việc đời, lại có biệt tài về văn Nôm. Văn ông làm đủ lối: Thơ ca, hát nói, câu đối, văn tế v.v… Ông thích tự vịnh, tự trào, có vẻ ung dung, phóng khoáng. Ông cũng hay diễu cợt người đời, chỉ trích thói đời một cách nhẹ nhàng kín đáo, rõ ra một bậc Đaị nhân quân tử, muốn dùng lối văn trào phúng để khuyên răn người đời…

     Sống trong cảnh quốc phá gia vong, Nguyễn Khuyến đã ý thức được thân phận của một người dân mất nước, nhưng ông đành phải bất lực trước võ khí quân thù. Mang danh kẻ sĩ không giúp gì cho vua cho nước, nhiều khi ông tự trách mình, tự giận với chính mình. Lòng u uẩn đó đã được thổ lộ trong hai câu thơ trong bài di chúc:

Ơn vua chưa chút đền công
Cúi trông thẹn đất ngửa trông thẹn trời


     Để có thể hiểu được phần nào tâm sự cụ Tam Nguyên làng Yên Đổ, chúng ta sẽ lần lượt xét đến những nguyên nhân của tâm trạng ấy và hậu quả đối với quốc gia dân tộc.
   Nguyễn Khuyến cũng như bao nhà nho khác đã chịu ảnh hưởng sâu xa của Khổng giáo. Bổn phận của kẻ sĩ là phải bảo vệ và giữ gìn chế độ, “trung với vua, hiếu với nước”, vì nước thịnh hay suy là trách nhiệm của toàn dân: “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Kẻ thất phu còn có trách nhiệm huống hồ một nhà nho như Nguyễn Khuyến. Ông đã ba lần chiếm giữ khôi nguyên, một kỳ vọng mà nước và vua đặt tin tưởng nơi kẻ trung thần.
     Nhưng giữa quan lộ, cụ Tam Nguyên làng Yên Đổ phải bỏ giở công danh, bỏ giở con đường  phục vụ để cáo quan về hưu.  Nguyễn Khuyến ra đi, đã từ quan về ở ẩn một cách bất đắc dĩ. Lòng yêu nước nghẹn ngào, nhưng đối với cụ không còn con đường nào khác hơn. Chủ quyền quốc gia đã lọt vào tay ngoại nhân. Nhà nho Nguyễn Khuyến ý thức được rằng ra làm quan lúc đó tức là hợp tác với tân trào, mà “tôi trung không thờ hai chúa, gái tiết trinh không lấy hai chồng”. Trung thần bất sự nhị nhân, nên Nguyễn Khuyến không thể ra làm quan, không thể phục vụ cho kẻ xâm lăng tổ quốc mình. Nhưng với bản tính điềm đạm, tư cách của một “Đại nhân quân tử”, Nguyễn Khuyến lấy cớ đau mắt để từ quan và tránh bị lợi dụng. Tâm trạng của cụ lúc này đã được thể hiện trong bài “Mẹ Mốc”. Nếu Mẹ Mốc muốn được yên thân nên đã tự hủy nhan sắc mình để đi tìm chồng và thờ chồng thì  Nguyễn Khuyến từ quan về ở ẩn, để được yên thân giữ tròn tiết tháo, cụ chính là thứ  “Mẹ Mốc” của thời đại vậy:

     So danh gía ai bằng Mẹ Mốc,
     Ngoài hình hài, gấm vóc cũng thêm ra,
     Tấm hồng nhan đem bôi lấm xoá nhoà,
     Làm thế để cho qua mắt tục.
     Ngoại mạo bất cầu như mỹ ngọc,
     Tâm trung thường thủ tự kiên kim.
     Nhớ chồng con muôn dặm xa tìm ,
     Giữ son sắt cho tròn một tiết.
     Sạch như nước, trắng như ngà, trong như tuyết,
     Mảnh gương trinh vằng vặc quyết không nhơ;
     Đắp tai, ngoảnh mặt làm ngơ,
     Rằng khôn cũng kệ, rằng khờ cũng thây.
     Khôn em dễ bán dại này !       
  

     Nhưng dù có giả câm, giả điếc, Nguyễn Khuyến vẫn bị lương tâm dầy vò. Về ở ẩn nhưng ý thức trách nhiệm trước cuộc đời vẫn làm cụ thắc mắc không yên.     
     Không đền đáp được ơn mưa móc, nợ trần hoàn trả chưa xong, đầu còn đội trời, chân còn đạp đất, bổn phận kẻ sĩ theo Nho giáo, ngoài đối với vua còn nợ đối với trời đất nữa, nên nhà Nho thẹn với chính lòng mình:     
     
Cũng chẳng giàu mà cũng chẳng sang,
Chẳng gầy, chẳng béo chỉ làng nhàng.
Cờ đương dở cuộc không còn nước,
Bạc chửa thâu canh đã chạy làng.
Mở miệng nói ra gàn bát sách,
Mềm môi chén mãi tít cung thang.
Nghĩ mình lại gớm cho mình nhỉ,
Thế cũng bia xanh, cũng bảng vàng.

  Hoặc:
  
  “Sách vở ích gì cho buổi ấy
   Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già
    
Nguyễn khuyến mang nặng nỗi mặc cảm, tự thấy mình là kẻ “đào ngũ” khi quốc gia còn đang hữu sự, đang cần đến những khối óc thông minh, cần đến sự góp công, góp sức của mỗi công dân để “hợp quần gây sức mạnh”. Về hưu ở ẩn là “chạy làng"  là “chơi cờ giở cuộc”:

     Cờ đương dở  cuộc không còn nước
     Bạc chửa thâu canh đã chạy làng  

     Đã ý thức được trách nhiệm như thế, Nguyễn Khuyến vẫn không nhập cuộc, vẫn đứng bên lề, nhưng cụ không phải là khách bàng quan, cụ đã theo từng nhịp thở, từng biến chuyển của mỗi biến cố xẩy ra của quê hương:

     Cũng muốn sống thêm dăm tuổi nữa
    Thử xem trời mãi thế này ư ? 

    Nhưng rồi đất nước vẫn mờ mịt, Tổ quốc chưa tới ngày vinh quang, giải giang sơn gấm cóc bao giờ mới ra khỏi triền miên tăm tối ! Lòng yêu nước thương dân của cụ càng buồn khổ hơn khi giữa đêm khuya vắng miền thôn dã, lắng nghe tiếng chim cuốc kêu than:
 
     Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ
     Ấy hồn Thục Đế thác bao giờ ?
     Năm canh máu chảy đêm hè vắng
     Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ !
     Có phải tiếc Xuân mà đứng gọi
     Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ ?
     Ban đêm ròng rã kêu ai đó ?
     Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ!

    Với lòng ái quốc sâu xa như thế, nhưng Nguyễn Khuyến chưa đền ơn được gì cho vua, cho nước:  “Ơn vua chưa chút đền công” để rồi phải thẹn với chính lương tâm mình, thẹn với trời , với đất : “Cúi trông thẹn đất, ngửa trông thẹn trời”.
     Có người đã trách cụ chưa hết lòng yêu nước, “Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách”,  kẻ thất phu còn có trách nhiệm với quốc gia dân tộc, ở đây một nhà Nho đã ba lần chiếm giữ khôi nguyên, lại từ quan về hưu ở ẩn, tìm thanh nhàn cho chính mình, mặc cho thế sự xoay vần.  Nguyễn Khuyến đã không có được những hành động oanh liệt của một Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái học… Nhưng nếu ta nhìn lại hoàn cảnh lịch sử Nguyễn Khuyến đã sống, chúng ta sẽ dễ dàng cảm thông cho tâm trạng não nề cũa một nhà nho như cụ.
     Quốc gia mất chủ quyền, xã hội đảo điên, vua quan chỉ là lũ phường chèo ô nhục:
   
    Vua chèo còn chẳng ra gì
     Quan chèo chi nữa khác chi thằng hề
   
     Quan lại bỏ chạy theo tân trào, họ toàn là những hạng Tiến sĩ giấy, Nghè tháng tám… hữu danh vô thực:
   
     Ghế tréo lọng xanh ngồi bảnh choẹ
     Nghĩ rằng đồ thật hoá đồ chơi

     Và những viên quan tham nhũng, hiếp đáp dân lành:

    Ai bảo ông dại với ông điên
    Ông dại sao ông biết lấy tiền
 
     Hay:
 
     Chỉ cốt túi mình cho nặng chật
     Trăm năm mặc kệ tiếng chê khen    

    Hoặc:
 
     Có tiền việc ấy mà xong nhỉ
     Đời trước làm quan cũng thế a ?
   
 Từ những hoàn cảnh xã hội như thế, Nguyễn Khuyến không còn biết làm gì khác hơn là quay trở về với những người bình dân cùng cực nhất của xã hội:

     Chú đáo xóm đình lên với tớ
     Ông từ xóm chợ lại cùng ta

    Về hưu ở ẩn để gần gũi với thiên nhiên, vui với ao bèo, lều cỏ, ngày ngày bên chiếc thuyền con trên làn nước biếc, dưới bóng trăng loe trong bầu trời xanh ngắt, để uống rựu, câu cá rồi ca vịnh mùa Thu, an nghỉ tuổi già:

         Thu Điếu:

        Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
        Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
        Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
        Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
        Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
        Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
        Tựa gối ôm cần lâu chẳng đặng,
        Cá đâu đớp động dưới chân bèo.


       Thu Ẩm
:

        Năm gian nhà nhỏ thấp le te,
        Ngõ tối đêm khuya đóm lập lòe.
        Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt,
        Làn ao lóng lánh bóng trăng loe.
        Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt,
        Mắt lão không viền cũng đỏ hoe.
        Rượu tiếng rằng hay, hay chẳng mấy
        Độ năm ba chén đã say nhè.


     Thu Vịnh:

     Trời thu xanh ngắt mấy từng cao,
     Cần trúc lơ thơ gió hắt hiu.
     Nước biếc trông chừng như khói phủ,
     Song thưa để mặc bóng trăng vào.
     Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái,
     Một tiếng trên không ngỗng nước nào?
     Nhân hứng cũng vừa toan cất bút,
     Nghĩ ra sợ thẹn với ông Đào!
     
      Trước những biến cố liên tiếp của lịch sử và hoàn cảnh đổi thay của xã hội, tuổi đã già, sức đã yếu, nhà nho Nguyễn Khuyến không còn con đường nào khác hơn là từ quan về sống “Thanh bần lạc đạo” chốn thôn quê để giữ tròn tiết tháo. Nhưng lòng còn nặng chĩu với non sông  nên chân đã bước đi, mặt còn ngoảnh lại, tâm sự não nề vò xé khôn nguôi vì cụ nghĩ mình vẫn chưa trọn nghĩa báo đền…

Hoàng Nguyên Linh
6/17/2016






*  Bài Thi Đệ Thất
      Hoàng Nguyên Linh



   Trong đời học sinh đối với tôi có 2 lần đáng ghi nhớ là Buổi Học Đầu Tiên và Kỳ Thi Vào Đệ Thất.

     Buổi học đầu tiên không bài văn nào hay bằng “Tôi Đi Học” của Thanh Tịnh.

     “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đuờng rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu truờng.

     Tôi không thể nào quên đuợc những cảm giác trong sáng ấy nẩy nở trong lòng tôi như mấy cánh hoa tươi mỉm cuời giữa bầu trời quang đãng….

     Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi dẫn đi trên con đuờng làng dài và hẹp. Con đuờng này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.”…

     Lời văn nhẹ nhàng và trong sáng, đọc lên như một bài thơ trữ tình mà tất cả chúng ta ai cũng nhớ và yêu thích. Chỉ cần đọc mấy câu đầu: “Hằng năm cứ vào cuối thu…” là ai cũng biết bài “Tôi Đi Học” của nhà văn Thanh Tịnh.

     Ngày nay đọc lại bài này tôi thấy thán phục ông Thanh Tịnh. Sao ông có thể nhớ đuợc những kỷ niệm đẹp như thế. Riêng tôi không còn nhớ gì nữa. Buổi học đầu tiên và những kinh nghiệm với những đứa trẻ chung quanh như con tôi và em trai út của tôi thì thật khác. Với chúng không phải là kỷ niệm đẹp mà là sự sợ hãi. Chúng khóc lóc suốt cả tuần lễ.

Làm sao không sợ đuợc khi đang ở nhà với gia đình thì phải đến một nơi xa lạ, nhìn ông thầy mặt nghiêm nghị luôn luôn cầm cái roi khi chúng mới 4, 5 tuổi.  Nhớ lại sự sợ hãi của những đứa trẻ chung quanh tôi càng  thán phục ông Thanh Tịnh, sao ngày đầu đi học ông không sợ  mà còn vui thích và nhớ đuợc những chi tiết của ngày đầu. Đôi lúc tôi tự hỏi đây có phải là cảm nghĩ thật sự của một đứa trẻ nhà quê 4, 5 tuổi không, hay là sản phẩm của trí tưởng tượng  nguời lớn rồi gán ghép cho đứa bé một cách tài tình…    

     Nhưng kỳ thi Đệ Thất vào truờng Trung Học Nguyễn Trãi tôi nhớ rất rõ. Lúc đi thi tôi đã khá lớn, lớn hơn những nguời cùng lớp 2,3 tuổi vì ở ngoài Bắc tôi đã học hết lớp nhất, khi vào Sài Gòn không xin đuợc vào lớp đệ thất, lớp nhất hết chỗ nên bố tôi xin cho học lớp nhì truờng tiểu học di chuyển Tôn Thọ Tuờng. Thế là phải học chậm lại 2 năm.

     Hồi đó ở trọ nhà bà cô trên đuờng Gia Long. Tôi chỉ biết có truờng Nguyễn Trãi và Chu Văn An vì những nguời quen, phía con trai học Nguyễn Trãi hoặc Chu Văn An, phía con gái học Trưng Vương. Truờng Chu Văn An quá xa, ở mãi bên Chợ Lớn nên tôi quyết định nộp đơn thi vào truờng Nguyễn Trãi (lúc đó còn học nhờ truờng tiểu học Lê Văn Duyệt ở  đuờng Phan Đinh Phùng, Đa Kao). Tôi tự nhủ nếu may mắn trúng tuyển vào truờng Nguyễn Trãi cũng là một điều hãnh diện. Cụ Nguyễn Trãi là một nhà chính trị, nhà quân sự, nhà văn, nhà thơ, 10 năm gíup vua Lê Lợi đánh đuổi quân Minh, “Bình Ngô Đại Cáo” là bản văn chuong rất có giá trị trong đời Lê. ( Cũng xin mở thêm dấu ngoặc ở đây: Từ năm 1980, cụ Nguyễn Trãi đã đuợc UNESCO công nhận là danh nhân thế giới. Mấy năm gần đây có một Giáo Sư Việt Nam dạy tại Đại học Lavel, Quebec đã dịch cuốn “Ức Trai Thi Tập” của cụ Nguyễn Trãi rồi đưa cho thị trưởng thành phố Quebec xem và thuyết phục  đuợc ông này cho phép xây dựng tuợng cụ Nguyễn Trãi tại công viên nghệ thuật ngay trung tâm thành phố. Ngày nay tại công viên Parc de L’artie Lerie, một công viên nổi danh của thành phố Quebec bên Canada đã có tuợng cụ Nguyễn Trãi. Trả lời báo chí, nguời có công dựng lên tuợng cụ Nguyễn trãi cho biết chính ông là di duệ của cụ Nguyễn Trãi…).

     Kỳ thi đệ thất quan trọng với tôi và có lẽ cũng quan trọng với khá nhiều nguời khác. Nó quan trọng vì nếu không đậu sẽ phải học truờng tư hay nghỉ học luôn. Khi di cư vào Nam gia đinh tôi phải bỏ lại tất cả tài sản ngoài Bắc, vào Nam trong những ngày cuối cùng của thời hạn di cư nên chúng tôi ra đi với hai bàn tay trắng, nếu không vào đuợc truờng công, bố mẹ tôi không đủ tiền cho đi học truờng tư . Năm đó tôi đuợc miễn thi Tiểu học nên khi học xong lớp nhất, 2 tháng hè tôi tập trung tất cả vào luyện thi đệ thất. Thầy Điềm dạy luyện thi đệ thất tại truờng Đông Tây Học Đuờng, thầy dạy rất hay, các học sinh học luyện thi với thầy đa số đều thi đậu. Thầy rất tốt và tính tình dễ dãi, một vài học sinh đã lợi dụng lòng tốt của thầy nên không đóng học phí, nhưng đa số thương thầy nên chúng tôi đã đặt ra câu hát để cảnh tỉnh những nguời lợi dụng lòng tốt của thầy: “ Học trò thầy Điềm, ai không đóng tiền, đi thi không đậu”, “Học trò thầy Điềm, ai không đóng tiền, đi thi không đậu”…  cứ thế chúng tôi hát, và hát đi, hát lại nhiều lần, nhờ vậy thầy đã thâu gần đủ số tiền.

     Đến ngày thi, tôi thức dậy thật sớm để sửa soạn. Ăn sáng qua loa vì lo sợ nên không thấy đói.  Tôi đi bộ đến truờng. Khi tới nơi sân truờng mới lác đác vài nguời nhưng nhìn trên nét mặt ai cũng có vẻ rụt rè, lo sợ.  Sân truờng mỗi lúc một đông nhưng đặc biệt là không có tiếng ồn ào dù số đông đã lên tới 6,7 trăm nguời, trái hẳn những giờ ra chơi, số học sinh chỉ trên duới 200 nhưng rất náo nhiệt. Một bà mẹ dẫn con đi thi đứng bên cạnh, bà ôm vai con nhắn nhủ: “ Con cứ bình tĩnh làm bài, đừng có sợ, con mẹ học giỏi thế nào cũng đậu.”…  Rồi không ai bảo ai, chúng tôi nhìn theo giấy huớng dẫn để đi tìm phòng thi và lần luợt vào lớp. Nhìn mấy thầy giám thị tôi vừa hồi hộp vừa lo, nhưng rồi giờ quan trọng đã đến và bài thi bắt đầu…

     Bài thi vào lớp Đệ Thất có 2 môn là toán và luận văn.  Toán có 2 bài tôi không nhớ đuợc bài toán như thế nào nhưng bài thi luận văn  thật là đặc biệt với đề thi Đệ Thất năm đó: “Tả mùa nắng năm nay. Trò thích hay không thích ? Tại sao ?”.  Đọc xong đầu đề bài thi tôi thấy lạnh cả nguời.  Mùa nắng có gì mà tả. Nó không có hình dáng, không kích thuớc, ngay cả màu sắc cũng không biết màu gì thì làm sao tả. Ngày đi học chúng tôi chỉ đuợc nghe lời thầy dạy là tả con vật gồm có đầu, mình và tứ chi, tả loài chim thì gồm có mỏ, lông, cánh, tả nguời sẽ gồm có đầu, tóc, mắt, mũi, tai, miệng, mình và chân tay, giọng nói, dáng điệu cao thấp, tả cảnh gồm có cây cối, màu sắc, trời mây, sông nuớc …

     Nhưng đề thi đã ra dù có thích hay không thì cũng phải làm, làm cho xong không đuợc mà phải làm cho hay vì là kỳ thi tuyển.

     Tôi nhớ như con vẹt, bài luận văn gồm có 3 phần: nhập đề, thân bài và kết luận.  Nhập đề có 2 cách là trực khởi và lung khởi. Tôi vẫn thích lối nhập đề trực khởi nên thuộc lòng mấy câu mẫu: Tả con gà, nhập đề: “Cục ta cục tác…”, tả đứa trẻ chăn trâu thì “Ngé ngọ nghé ơi. Thằng Tửu ngồi trên mình trâu…”. Đối với tôi phần nhập đề rất quan trọng, “đầu xuôi, đuôi lọt”. Nhưng tả mùa nắng nhập đề như thế nào? Tôi loay hoay khoảng 10 phút rồi bắt đầu nháp thử: “ Một năm có bốn mùa là Xuân, Hạ, Thu, Đông. Mỗi mùa có một đặc tính riêng, nhưng mùa nắng năm nay thật là khủng khiếp với cái nóng nung nguời …”. Nhưng đọc đi đọc lại câu nhập đề này tôi vẫn không cảm thấy thích vì nó không theo lối “trực khởi” như sở thích của tôi nên cố gắng tìm cách khác, rồi bất ngờ như có một tia sáng lóe lên và tôi viết đuợc câu nhập đề đúng ý: “ Con ơi vào trong nhà lấy cho mẹ cái quạt không em con nóng quá. Tôi vâng lời đi lấy quạt cho mẹ”. Thế là xong đuợc phần nhập đề, và tôi bằng lòng với lối nhập đề này, đến phần thân bài thì  dễ hơn, Tôi bắt đầu tả từ sáng sớm, trưa, chiều và tối. Nào là giàn muớp sau vuờn đã khô héo, con chó nằm thè luỡi truớc cửa mỗi ngày, rất nhiều nguời bị bệnh vì có dịch cúm. Hồi đó những khu nhà sàn vùng Khánh Hội bị  cháy hết, tôi theo báo chí và đài phát thanh nên cũng bắt chuớc để đả kích kẻ phá hoại: “ Mùa nắng đã làm ruộng vuờn khô héo, nguời dân bị bệnh truyền nhiễm, học sinh phải nghỉ học ở nhà, thế mà có những nguời thiếu lương tâm lợi dụng mùa nắng để đi đốt nhà của dân khiến bao nguời nghèo túng nơi Khánh Hội lâm vào cảnh màn trời chiếu đất”...

     Trong kỳ đại hội của nhóm Nguyễn Trãi 57 cũng có 2 bạn lên nói về kỷ niệm với bài thi này, có nguời nói rất thích mùa nắng này vì ở Sài Gòn nóng quá nên đuợc cha mẹ cho về quê chơi để tránh cái nóng và cậu bé đuợc sống thoải mái những ngày vui nơi thôn giã. Cậu mong có những mùa nắng như thế nữa để đuợc về quê chơi. Đây là ý nghĩ chân thật của một đứa trẻ, chứ không “ông cụ non” như bài của tôi, nhưng dù sao bài thi luận văn đặc biệt này đã ghi nhớ cho bao đứa trẻ thời đó. Bộ Quốc Gia Giáo Dục ra đề thi này cho tất cả các truờng trung học vùng Sài Gòn, Gia Định. Sở dĩ bộ giáo dục ra đề thi này vì năm đó nóng khủng khiếp, nên đã phát sinh ra bệnh cúm, rất nhiều nguời bị ốm, có gia đinh ốm cả nhà. Mùa nắng năm đó như là một thiên tai…

     Tôi may mắn đậu  trong số 35 học sinh đủ tiêu chuẩn xin học bổng. Tôi đuợc học bổng toàn phần 3 năm liên tiếp (thất, lục và ngũ) và dùng tiền học bổng này để học nhẩy. Học xong lớp đệ lục, 3 tháng hè tôi học toán lý hóa đệ ngũ, vào niên học truờng Nguyễn Trãi tôi học đệ ngũ, ngoài truờng tư tôi học đệ tứ.  Sau này tôi biết thời gian đó cũng có một số bạn học nhẩy như tôi. Chúng tôi học nhẩy là học lén không cho truờng công biết, nhưng ngày thứ hai tại truờng tư, đến giờ vạn vật, thầy Bùi Thái Trừu buớc vào lớp, tôi sợ quá nhưng không biết làm sao. Thầy Trừu nhìn tôi ngạc nhiên trong giây lát nhưng rồi thầy bắt đầu giảng bài như không có chuyện gì xẩy ra.  Buổi chiều về truờng Nguyễn Trãi gặp thầy Trừu tôi rất sợ, mấy lần định gặp riêng thầy để xin thầy đừng nói với thầy hiệu truởng Vũ Đức Thận, nếu thầy nói ra tôi sẽ bị đuổi, nhưng tôi vẫn chần chờ không dám ngỏ lời và rồi hết năm, truờng Nguyễn Trãi không ai nói gì cả và tôi đậu trung học phổ thông năm đó, rồi tôi bỏ đệ tam và học luôn đệ nhị, đệ nhất truờng tư. Tôi bị mất 2 năm nhưng lên Đại học sớm đuợc 2 năm, như vậy là không bị mất năm nào ...

     Cách nay hơn một năm lúc đến viếng linh cửu thầy Trừu tại miền nam California, tôi thầm cám ơn thầy đã giúp tôi giữ kín việc học nhẩy của tôi và cũng học thêm nơi thầy cách xử thế ở đời, ngoài môn vạn vật.

     Mới ngày nào còn là một đứa trẻ vào thi vào lớp đệ thất, nay chúng tôi tuổi đã nhiều, tóc đã bạc, đa số đã về hưu trí và một số bạn cũng đa ra đi. Các thầy dạy tôi giờ đây như thầy Quýnh, thầy Trừu, thầy Hiền, thầy Hoạch, thầy Chung Quân, thầy hiệu truởng Vũ Đức Thận, Cụ Tổng Giám Thị Phác… không còn nữa.

      Đại Hôi Nguyễn Trãi Toàn Thế Giới lần đầu tại Houston, Texas năm 2012 để chúng ta gặp lại nhau sau mấy chục năm trời xa cách, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm vui buồn của một thời cắp sách đến truờng…

Cuộc đời như thể bể dâu,

Mai kia liệu có còn nhau mà tìm ?”...



  Hoàng Nguyên Linh


    






* DẤU THỜI GIAN

     Hoàng Nguyên Linh
   



   Tôi gặp Văn khi mới lên Đại học Luật khoa được 2 tháng.  Buổi  tối  hôm  đó chàng đi với bạn của chị Quỳnh và đến thăm chị em tôi. Gia đình tôi có 7 chị em gái, 2 người đã lập gia đình, một người đi ngoại quốc với bố mẹ, ở nhà còn 4 chị em. Chúng tôi tiếp chuyện chàng rất vui vẻ và tự nhiên, không ai để lộ một tình cảm đặc biệt nào.
   Gần đến ngày Giáng sinh Văn đến chơi.  Ngồi nói chuyện một lúc Văn ra chiếc xe Vespa Surper lấy cuốn sách vào đưa cho tôi và nói: “ Giáng sinh không có quà gì cho  Tuyết,  anh tặng Tuyết  cuốn sách này…”. Mấy chị em tôi xúm lại xem  sách,  ngoài bìa sách là cuốn “ Mùa Xuân Không Đến” của nhà văn Thái Phương. Tôi tò mò xem chàng đề tặng thế nào, thấy có hàng chữ của tác giả : “ Thân tặng anh Văn để anh Văn tặng người mà anh Văn yêu quý nhất…”. Tôi run lên và suýt làm rơi cuốn sách. Tôi cảm động và lí nhí nói cám ơn.
    Mấy năm ở Trung học tôi chưa hề quen một người con trai nào.  Đây là lần đầu có người để ý đến tôi và còn đặt tôi ở vị thế “Yêu quý nhất”.  Anh Thái Phương đã viết thay chàng, chỉ mấy chữ đó đã đủ ý nhĩa, không cần phải nói gì hơn. Hình như đoán được sự xúc động của tôi nên ngồi một lúc rồi Văn ra về.
   Ôm cuốn sách vào lòng, tôi hồi hộp sung sướng. Thế là tôi yêu chàng. Chúng tôi đến với nhau thật đơn giản, dễ dàng.  Tối 24 gần ngày Giáng Sinh chàng rủ chị em tôi đi dạo phố.  Chị tôi và cô em đi một xe, tôi ngồi sau xe Vespa Super của chàng. Chưa bao giờ chị em tôi đi dạo phố Sài Gòn vào đêm Giáng Sinh như vậy. Người ta đi lại  nhộn nhịp, tấp nập, tự nhiên tôi thấy vui vui, tôi tự hỏi  sao mấy năm trời chúng tôi không đi dạo phố vào ngày Giáng Sinh. Tôi thầm cám ơn chàng đã cho tôi một tối Giáng Sinh thật đẹp.  Chàng giắt tay tôi đi trên những con đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Tự Do. Tôi để nguyên cho chàng nắm tay tôi. Bàn tay chàng thật ấm và thật êm. Khi đã mỏi chân, chàng rủ chị em tôi vào tiệm kem và ra về gần nửa đêm cho kịp giờ giới nghiêm.
   Mấy tuần sau chàng rủ tôi đi dự văn nghệ ở trung tâm sinh viên Phật Tử đường Công Lý. Tôi bẽn lẽn đi bên chàng. Chàng giới thiệu tôi với những người bạn. Sao tôi thấy mình người lớn hẳn ra, tôi hãnh diện, không còn là cô nữ sinh bé nhỏ ngày xưa nữa.  Chúng tôi  ngồi vào ghế và bắt đầu nghe  văn nghệ. Tôi thích nhất mấy câu hát của nhạc sĩ  Trương Quốc Khánh  và đã thuộc lòng:
   “Nếu  là  chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng. Nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương.  Nếu là mây, tôi sẽ là một vầng mây ấm. Nếu là người, tôi sẽ chết cho quê hương tôi.…”.
  Rồi trường Luật của tôi cũng tổ chức tất niên. Tôi mua vé mời chàng đi dự với tôi. Tôi không nhớ những màn văn nghệ có những  gì, chỉ biết có cặp song ca Từ Dung và Từ Công Phụng đêm hôm đó, Từ Dung thật đẹp và hát rất hay …
   Ngày tháng  kế tiếp nhau, tình yêu tuyệt vời, chúng tôi đã đưa nhau đến đỉnh yêu đương. Rồi chúng tôi nói chuyện đám cưới. Chàng bảo chàng thích có con gái đầu lòng “để nó xinh như mẹ nó”.  Rồi chàng kể ngày xưa khi còn bé, lúc mới học lớp Nhất trường Tiểu học di chuyển Tôn Thọ Tường, chàng thích một cô bé học lớp Ba. Cô bé thật xinh, trang phục rất đẹp: Áo đầm trắng, mũ trắng, đôi vớ trắng,  giầy trắng… cô bé như một nàng tiên, nhìn cách trang phục đủ biết cô bé con  nhà sang trọng, chàng thì nghèo nên chỉ  “Kính nhi viễn chi” chứ không dám nghĩ  gì hơn,  đem mộng vào tương lai,  mong sau này có con gái sẽ cho trang phục như cô bé đó… Tôi không ngờ chàng lãng mạn và mơ mộng đến thế. Tôi nói đùa “ Anh viết văn đi.  Anh cũng giầu tưởng tượng và mơ mộng. Em nghĩ anh sẽ thành công…”.  Chàng mỉm cười : “ Người ta chỉ viết khi thật buồn, anh đang hạnh phúc có em, anh không thể viết được…”. Rồi chàng kể tiếp: “ Ngày xưa lúc còn học ở Nguyễn Trãi  tình cờ đến trước cổng trường Trưng Vương anh gặp một người con gái rất giống em, về nhà anh làm  bài thơ  “Vấn Vương” rồi chàng đọc nhỏ đủ cho tôi nghe:
   "Chừ em tóc xõa bờ vai,
Nghiêng nghiêng vành nón chờ ai cổng trường.
Gặp em hồn bỗng vấn vương,
Thấy em như thấy tình thương thuở  nào 
Mới nhìn lòng đã xôn xao
Bâng khuâng không biết làm sao bây giờ
Nghe đâu tiếng hát vu vơ,
Cho tôi gửi một bài thơ yêu nàng
Nhưng rồi không dám bước sang
Ngày ngày đứng đợi xem nàng cưới duyên
Xa xa có cặp chim khuyên
Hai con tống mái hàn huyên trên cành
Ước gì mình được bên mình
Như đôi chim nhỏ tỏ tình với nhau" …

   Nghe xong tôi bóp chặt tay chàng nói đùa: Đúng rồi, em đó chứ ai.  Em có nhớ anh lái chiếc xe Vespa Super màu xanh đứng đợi ở cổng trường. Vậy là em quen một thi sĩ và sẽ là môt văn sĩ nữa…Chàng bắt bẻ tôi:  “Lúc  học Nguyễn Trãi anh là một học sinh nghèo, đi xe đạp chứ làm gì có xe Vespa”…
    Chúng tôi tiếp tục xây “lâu đài tình ái”, nhưng rồi không may chuyện xẩy ra một cách một cách bất ngờ, nguyên nhân rất vu vơ.  Sau này tôi có người quen học Văn Khoa cùng ban Triết với chàng nên tôi mới hiểu rành rẽ.  Ban Triết có 2 loại Cử Nhân là Cử nhân Giáo khoa Triết học Đông Phương và Cử Nhân Giáo Khoa Triết học Tây Phương.  Cũng như Sử Địa  có 2 ban, Cử nhân Địa Lý và Cử nhân Sử học,  thường  sinh viên lấy cả 2 văn bằng cử nhân một lúc.  Chàng  đã có bằng cử nhân Triết Học Đông Phương nhưng muốn làm Tiểu luận cao học về Đông  và Tây  với chủ  đề  là  “ Phật Giáo và Maxism” nên chàng đã ghi học thêm  để lấy  bằng Cử nhân Triết Tây nữa  để được giáo sư trưởng ban Nguyễn Duy Cần bảo trợ.  Được Giáo sư trưởng ban Nguyễn Duy Cần nhận bảo trợ coi như cầm chắc bằng Cao học trong tay vì giáo sư trưởng ban rất bận,  ít  nhận bảo trợ cho sinh viên ban cao học. Đã có bằng cao học với giáo sư trưởng ban rất dễ được trở thành phụ khảo Văn Khoa. Nhưng rồi bất ngờ Hào, bạn trai của chị tôi đến trường Văn Khoa, gặp chàng đang  ghi danh chứng chỉ cuối cùng cho bằng cử nhân thứ hai. Thế là về nhà Hào hô hoán lên là chàng nói dối, còn đang học cử nhân mà dám nói là đã học xong. Cả nhà đều tin Hào, tôi thì nửa tin nửa không. Mấy chị em tôi bắt đầu đa nghi, vì chị tôi gặp một anh  sĩ quan huấn luyện viên ở Thủ Đức lừa. Đã có vợ nhưng  nói dối chị tôi là còn độc thân nên cả nhà rất sợ đàn ông lừa . Tôi nghe lời đàm tiếu ở nhà nên cũng lạnh nhạt dần với chàng.  Cái tệ nhất là không ai hỏi, chỉ hồ nghi nên làm chàng tức giận và chúng tôi xa nhau chỉ vì duyên cớ vu vơ đó. Tôi buồn và lấy anh của người bạn học luật với tôi 6 tháng sau đó cho bõ ghét chàng…
   Tôi đi lấy chồng được hơn một năm thì chàng mang cuốn truyện dài  “Dấu Thời Gian” do chàng sáng tác  đưa chị Quỳnh nhờ chuyển cho tôi.  Cầm cuốn sách của chàng tặng,  tôi hồi hộp hơn cả  lần đầu khi chàng tặng cuốn sách “Mùa Xuân Không Đến”. Tôi vào phòng đóng cửa lại rồi đọc sách:  Đại ý chàng tả một sĩ quan trẻ mới ra trường. Trong một cuộc hành quân có đại bác và phi cơ yểm trợ. Sau trận đánh người sĩ quan được báo cáo và dẫn đến xem  một gia đình chết hết cả nhà, chỉ còn lại một con bé đang mằm trên bụng mẹ. Động lòng thương, người sĩ quan này mang đứa bé về nuôi. Cô bé ngày một lớn và thật đẹp. Người sĩ quan này thương cô bé đó vì cô bé đó rất giống tôi, cũng rẽ đường ngôi bên mặt, cũng đôi môi mọng đỏ và cái miệng thật xinh... nhưng vì ý thức đạo đức người sĩ quan này chỉ thầm yêu, chứ không dám tỏ bày. Trong một lúc quá tuyệt vọng nhân vật này nhớ đến mối tình đầu. Chàng viết trong truyện:
    “Tuyết còn nhớ thứ Sáu 19 tháng 12, ngày anh gặp em. Bậy giờ anh mới biết thứ Sáu là một ngày tệ hại nhất trong tuần.  Nếu gặp em vào một ngày khác có lẽ anh đã có em một đời, anh đâu phải lang thang thế này. Sau đó em yêu anh. Tình yêu của em thật đẹp, dịu hiền và trong sáng. Em ngoan ngoãn vâng  lời anh như chưa một người nào nghe lời anh như thế. Buổi tối đầu tiên đi chơi, hình ảnh em thiên thần.  Hai tối sau em lại rủ anh đi dự tất niên ở trường em học,  em quên cả giờ về. Ở nhà chị Quỳnh lo sợ anh làm điều gì quấy, lúc đó chị chưa hiểu anh  nên cho người đi tìm. Ở nhà em sợ nhất chị Quỳnh và từ hôm đó trở đi làm điều gì em cũng sợ chị Qùynh. Chị Quỳnh bảo thế này, chị Quỳnh bảo thế khác. Sau này anh biết chị Quỳnh là người tốt. Chị rất thương em, chị không muốn chúng ta phải thương hận khóc thầm. Chị giàn hòa mỗi lần  anh nóng nẩy. Lâu không thấy anh đến nhà chị lo như chính chuyện của chị. Chị Quỳnh hỏi em có làm điều gì để anh phật lòng không, em nói không thì chị lại sợ anh đi với người con gái khác. Chị đâu biết rằng anh chỉ có em, yêu em, thương em trọn đời... Hơn một năm sau em vẫn hồn nhiên. Em hỏi:"Lấy nhau rồi còn đi học nữa không anh?" Em chăm học nhưng yêu anh và em hứa sẽ ở bên anh trong suốt cuộc đời. Đó, những ngày qua em dễ thương như thế, đáng yêu như thế, vậy mà chỉ vì sự hiểu lầm do Hào gây ra khìến em hiểu lầm anh, cả nhà hiểu lầm anh. Em quyết định lấy chồng 6 tháng sau. Cũng từ đó anh vào lính và hình ảnh em mãi mãi dõi theo. Những tưởng quên được em ai ngờ vẫn nhớ, em còn lẩn vẩn quanh đây"...
    Đọc xong những trang chàng viết, tôi ân hận và nước mắt tôi chảy ra. Cả nhà cũng  hối hận là đã nghe lời Hào để nghi ngờ chàng, nhưng tất cả đều đã muộn…
   Thời gian qua đi thật mau, tôi quên dần chuyện xưa và cũng không biết chàng còn ở lại Việt Nam hay đã qua Mỹ.  Rồi một hôm chị Hồng bạn với chị Quỳnh là cựu học sinh trường Nguyễn Trãi rủ chị em tôi đi Texas tham dự  Đại Hôi Nguyễn Trãi  toàn thế giới lần thứ nhất, tôi rất vui mừng vì đây là  lần đầu  tôi được biết thành phố Houston, biết được phố Belair nơi có nhiều cơ sở buôn bán của người Việt.
   Trong thời gian ở Texas chúng tôi đi khắp nơi cho biết như thăm căn cứ Nasa, đến thành Alamo  và thác nước Hamilton… Ban tổ chức có cả một căn phòng để triển lãm những tác phẩm của các cựu học sinh Nguyễn Trãi mà tôi chưa thấy mấy trường làm được điều đó. Nhưng rồi ngày Đại hội mới thật vui.  Nhà hàng Kim Sơn rộng lớn và thức ăn rất ngon. Các cựu học sinh Nguyễn Trãi từ khắp nơi trên thế giới  như Âu châu, Úc châu kéo về, có cả những cựu học sinh từ Việt Nam sang tham dự. Tiết mục văn nghệ rất nhiều, đủ mọi thể loại nhưng tôi thích nhất bài thơ “Khi tôi chết cờ vàng xin đừng phủ” của Ngọc Trân được phổ nhạc do Ngọc Châu  hát. Gần cuối chương trình là bài “Sáng rừng” do lớp Nguyễn Trãi 57 đồng ca, cả hội trường như bừng thức dậy đúng với nghĩa sáng rừng, có cả tiếng chim kêu, vượn hú. Tất cả mọi người ngừng ăn để nhìn lên sân khấu. Trong số gần 20 nam nữ hát, sao tôi thấy có một người cao nhất trong đám, vừa hát vừa nhìn về phía tôi. Đúng là Văn, cũng khoé mắt đó, cái miệng đó. Bàn tôi ngồi gần sân khấu nên nhìn rất rõ. Tôi muốn chạy lên ôm lấy Văn. Tôi thèm được chàng ôm tôi như ngày nào. Tôi  ngây ngất nhìn. Chị Quỳnh đập vai tôi:
-        Anh kia trông giống Văn quá.
-        “Vâng”.
Tôi trả lời cho xong rồi tiếp tục nhìn chàng. Bản nhạc chấm dứt, tôi muốn đến gặp chàng nhưng chân tôi như có ai níu lại và tôi vẫn ngồi bất động. Chị Hồng thấy sắc diện tôi thay đổi nên hỏi:
-       Em sao vậy ?
Tôi trả lời:
-       Không sao đâu chị
    Chị Quỳnh xen vào:
-       Nhìn thấy Văn trên sân khấu….
   Chị Hồng nhanh nhẩu:
-       Chị quen với anh trưởng ban văn nghệ để chị nhờ đưa Văn lại thăm em.
Tôi chưa kịp ngăn cản chị Hồng đã đi nhanh về phía khán đài. Một lúc sau chị quay trở lại lắc đầu:
-       Văn đi rồi. Sau bài hát Văn về luôn. Các bạn chàng đều ngạc nhiên không hiểu sao Văn lại  ra về sớm thế.  
Tại sao Văn  không muốn gặp tôi ? Văn còn giận tôi hay Văn đi với vợ? Bao nhiêu câu hỏi quay cuồng trong óc. Tôi nghĩ Văn đã nhận ra tôi và vẫn còn yêu tôi nên mới hành động như vậy. Lòng tôi như thót lại…
Thấy được bóng anh cũng đủ rồi
Em bây giờ  vẫn mãi đơn côi
Bao nhiêu kỷ niệm bao đau đớn
Và khóc âm thầm, khóc mãi thôi…
Đầu óc tôi rối mù. Tôi không  biết chương trình còn có những tiết mục gì nữa.
Rồi đèn bật sáng. Đêm văn nghệ chấm dứt. Tôi theo hai người chị ra về, chân bước đi lảo đảo như một kẻ say…

Hoàng Nguyên Linh






* ĐÁM CƯỚI BÊN GIƯỜNG BỆNH






      Viết theo tâm sự của một cựu quân nhân Mỹ
                   Hoàng Nguyên Linh


Khi vừa học xong đại học thì chiến trường Việt Nam bộc phát mạnh, tôi cũng như đa số thanh niên đều phải đi lính.
Sau một thời gian huấn luyện, tôi được gửi sang Việt Nam.
Ở đại học tôi theo ngành chính trị và báo chí nên chỉ biết về Việt Nam qua hình ảnh và sách vở, biết lờ mờ về xứ Việt Nam, nơi có chiến tranh triền miên, từ năm này đến năm khác, hết người Pháp và giờ đến Mỹ liên lụy vào. Những trận đánh như Điện Biên Phủ, Đồng Xoải, Bình Giả, Mậu Thân…mà báo chí, TV liên tiếp bình luận khen chê…
Sang Việt Nam người ta không cho tôi đi đánh nhau như tôi nghĩ mà cử tôi  lo về tâm lý chiến, có lẽ cấp chỉ huy biết tiểu sử của tôi trên đại học. Một thời gian sau tôi được chuyển về làm cố vấn cho chi khu Hàm Tân của tỉnh Bình Tuy, một ông cố vấn còn quá trẻ, tuổi chưa tới 25.  Từ trước cố vấn Mỹ chỉ tới tiểu khu tức cấp tỉnh, sau này tăng cường cố vấn Mỹ về đến chi khu tức cấp quận, có lẽ vì thế nên thiếu nhân sự. Tôi ăn ở ngay trong khu hàng rào quận.
Công việc hàng ngày của tôi là cung cấp tin tức chiến sự lên cấp trên, đệ đạt ý kiến mà nhu cầu địa phương đòi hỏi như xin tiếp liệu, yểm trợ…
Hàm Tân là một quận hạt nhỏ, sát với Phan Thiết, phía Đông là biển. Dân  đa số sống bằng nghề đánh cá. Đời sống ở đây rất buồn, sợ an ninh nên không bao giờ dám đi tắm biển hoặc đi chơi xa. Cô bạn gái của tôi ở Mỹ chắc giờ đã có người khác vì 2 lá thư tôi gửi đều không được hồi âm. Tôi sống trong quận như một nhà tu. Ông quận trưởng  là một Đại úy, khá lớn tuổi, đời sống rất mẫu mực, tôi nghe báo cáo từ ngày ông về làm quận trưởng Việt cộng không dám quấy rối và phá hoại nữa. Ông giải thích với tôi về chiến thuật của ông: Dưới quyền ông có 4 trung đội địa phương quân, hai trung đôi túc trực trong quận, trong các lô cốt, còn  hai trung đội luôn luôn ở bên ngoài. Ban đêm nằm phục ở các tuyến quan trọng dẫn vào quận, nếu Việt cộng vào là bị chặn đánh ngay nên Việt cộng không làm gì được nhờ vậy ban đêm rất an ninh. Tôi yên tâm nhưng rất buồn vì không có gì giải trí, thỉnh thoảng được về Sài Gòn nhưng rồi cũng phải trở lại nhiệm sở. ..
Cho tới một hôm tôi nhận được giấy mời của ông hiệu trưởng trường tiểu học Hàm Tân đến dự lễ khánh thành 2 lớp học mới hoàn tất do tiền viện trợ của Mỹ giúp. Tôi, ông quận trưởng và phó quận trưởng ngồi hàng ghế quan khách cùng với các vị xã trưởng như Văn Mỹ, Tam Tân và Hiệp Nghĩa. Sau bài diễn văn khai mạc ngắn gọn của ông Hiệu trưởng, một cô giáo lên nói bằng tiếng Anh, đại ý cám ơn chúng tôi đến dự và cám ơn chính phủ Hoa Kỳ đã giúp đỡ tài chánh để hoàn tất 2 lớp học mới này.
Cô nói tiếng Anh rất lưu loát. Nhan sắc thật đẹp. Lần đầu tiên tôi thấy một người con gái Việt Nam đẹp như thế. Dáng nàng thùy mỵ, da trắng hồng, mái tóc xõa ôm lấy bờ vai, áo dài màu nhạt, tha thướt như một nữ sinh chứ không giống một cô giáo. Tôi ngây ngất nhìn. Tôi như bị người con gái này hớp hồn.  Tôi muốn được quen cô nhưng chưa biết  làm cách nào. Đợi chương trình chấm dứt, tôi đi thăm phòng học rồi lân la đến gần cô. Tôi tự giới thiệu:
-        - Tôi tên Don. Rất hân hạnh được gặp cô.
-        - Cám ơn anh. Tôi tên Hạnh.
-        - Cô nói tiếng Anh hay lắm. Cô dạy ở đây lâu chưa ?
-        - Mới gần một tháng. Tôi tốt nghiệp trường sư phạm Sài Gòn và về đây.
Tôi nói với cô:
-        - Tôi về quận này được gần một năm rồi.
Tôi định nói: “Lần đầu tiên tôi thấy một người con gái đẹp như cô” nhưng không hiểu sao tôi lại thôi rồi đổi sang câu nói khác:
-        - Cô nói tiếng Anh không khác gì người Mỹ.
-        - Cám ơn anh đã quá khen.
Hạnh thay mặt ông Hiệu Trưởng mời chúng tôi ăn bánh và uống nước rồi mới ra về. Tôi bắt tay Hạnh và nói: “ Mong thỉnh thoảng được gặp cô”. Hạnh chỉ mỉm cười và không trả lới, nhưng nhìn khoé mắt tôi hiểu là Hạnh cũng có cảm tình với tôi.
Tôi biết chỗ ở của Hạnh. Nàng thuê một phòng trên lầu của một căn nhà đẹp nhất quận, muốn đến thăm nàng phải qua nhà chủ ở dưới nên hơi bất tiện, hơn nữa tôi lại là người Mỹ, đi đâu cũng bị dân địa phương dòm ngó nên thỉnh thoảng mới đến  thăm nàng. Hạnh không cho tôi lên phòng của nàng, chỉ tiếp tôi nơi phòng khách của chủ. Tôi muốn rủ Hạnh đi chơi nhưng rất khó vì an ninh trong quận nên không dám đi xa và có lẽ Hạnh cũng không nhận lời vì sợ dư luận.
Tôi mỗi ngày một yêu Hạnh hơn nhưng không biết làm sao. Lấy chồng tôi biết nàng chưa sẵn sàng vì nàng mới 21 tuổi. Nếu ở Sài Gòn chúng tôi sẽ dễ dàng hơn là ở quận nhỏ này, hơn nữa nàng lại là một cô giáo nên cần phải giữ gìn ý tứ…
Chiến trường ngày một sôi động và biến chuyển quá mau lẹ. Chính phủ Mỹ dự trù rút khỏi Việt Nam. Tôi được lệnh rời  Hàm Tân ngay để về Sài Gòn và có thể về Mỹ ở luôn. Tôi rất buồn vì phải xa Hạnh. Khi hành lý đã sẵn sàng tôi đến tìm Hạnh, rất may Hạnh mới đi dạy về. Chủ nhà đi vắng, tôi vào trong nhà và nói với Hạnh là khoảng 4 giờ chiều máy bay trực thăng đến đón và tôi phải đi ngay. Hạnh im lặng không nói gì. Lúc này sao tôi thấy Hạnh đẹp thế và thương nàng vô cùng. Tôi rủ Hạnh đi với tôi nhưng Hạnh lắc đầu từ chối. Tôi đến bên Hạnh rồi không hiểu sao tôi ôm chầm lấy nàng và hôn lên má, lên môi nàng. Môi Hạnh nóng và run run. Tôi chưa bao giờ được hôn người con gái có đôi môi mềm và ngọt ngào như vậy. Tôi có cảm giác tôi là người đầu tiên hôn nàng. Hạnh không chống đối nhưng cũng không ôm lại tôi, Hạnh hồi hộp và da mặt nóng bừng. Mãi lúc sau tôi mới buông Hạnh ra và nói lời xin lỗi: “Anh xin lỗi đã làm em bất ngờ nhưng anh yêu em quá và không biết đến bao giờ mới được gặp lại…”
Có tiếng máy bay trực thăng, tôi nói trong vội vàng: “Mong có một ngày anh trở lại đón em”. Hình như Hạnh khóc, tôi không dám quay lại nhìn. Rồi tôi về Mỹ và  giải ngũ. Chiến tranh Việt Nam chấm dứt. 
Người bạn gái của tôi ở Mỹ khi xưa đã đi lấy chồng. Tôi sống bơ vơ. Thời gian trở lại Việt Nam để thăm Hạnh thật xa vời. Tôi đi tìm việc làm,  kiếm việc rất khó vì rất nhiều quân nhân giải ngũ sau chiến tranh Việt Nam. Tôi làm đủ thứ nghề nhưng không có nghề nào là chính, bẩy tám năm sau nhờ có người giới thiệu đi làm QA Engineer cho một hãng lo về quốc phòng. Tuy gọi là Engineer nhưng không có liên hệ  nhiều với kỹ thuật nên rất dễ dàng. Công việc nặng về giấy tờ.  Hãng ký giao kèo để làm từng bộ phận cho một chiến hạm. Đầu tiên một nhóm engineer design phần hardware, họ họp và bàn luận, khi đã đến phần chung kết tôi được gọi đến như là một nhân chứng và ký vào biên bản cuộc họp rồi người ta viết cách thử bộ phận này như thế nào, sửa chữa cho đến khi hoàn tất rồi lại họp gọi là “review document”, mỗi đại diện đến họp được phát một quyển sách gọi là document để về xem lại và đề nghị sửa chữa nếu cần rồi in ra bản mới. Tôi, đại diện hải quân (Navy) và đại diện bộ quốc phòng  ký vào document rồi theo đó định ngày đem ra test thử. Mỗi lần làm như thế tôi lại được gọi đến như là nhân chứng. Hãng định ngày final test. Tôi, đại diện hải quân, đại diện bộ quốc phòng được mời đến chứng kiến và theo dõi xem họ làm có đúng như document không, nếu đúng thì chúng tôi ký vào biên bàn, nếu sai cần được sửa chữa thì lại họp rồi làm lại, hết product này làm đến product khác. Công việc hàng ngày của tôi chỉ có thế, không mấy hứng thú nhưng tôi cần có tiền để tiếp tục học luật trở lại.
Một hôm tới giờ ăn trưa, tôi đang đi trong hành lang để đến phòng ăn. Xa xa có một người con gái trông giáng dấp quen quen  nên đứng lại đợi và lên tiếng hỏi:
-        - Xin lỗi có phải cô Hạnh không ?
Người con gái mỉm cười thật tươi:
-        - Dạ. Ô kìa anh Don. Anh cũng làm ở đây hở?
-        - Anh làm ở đây được một năm rồi. Còn Hạnh ?
-        - Em ở Building bên kia, hôm nay mới thuyên chuyển sang đây.
 Tôi mừng quá rồi ôm chầm lấy nàng và chúng tôi vào ngồi ăn với nhau. Hạnh cho tôi biết nàng về Sài Gòn 2 tuần trước khi miền nam rơi vào tay cộng sản. Hạnh và cô em tên Liên theo đoàn người ra bến Bạch Đằng, lên được tàu rồi sang Phi Luật Tân, một năm sau vào được Hoa kỳ. Hạnh ghi tên học college, 2 năm sau nàng lấy được bằng AS và đi làm Electronic Technician.   
Tan sở ra về tôi không biết là mộng hay thực nữa. Tôi không ngờ có ngày gặp lại nàng. Hạnh vẫn đẹp như xưa nhưng hơi gầy và có vẻ không được khoẻ. Mới gặp tôi Hạnh mừng lắm nhưng chỉ một lúc sau Hạnh lộ vẻ buồn.
Tôi đến thăm Hạnh và được biết Hạnh và em gái sống vơí nhau. Mẹ Hạnh ở lại  Việt Nam đợi bố nên không đi nhưng rồi bố Hạnh là cựu Trung tá bị chết trong trại tù Cộng sản ngoài Bắc… Thỉnh thoảng chúng tôi đi chơi với nhau rồi tôi đề nghị làm đám cưới, Hạnh lắc đầu và nước mắt nàng chảy ra. Hạnh nói người đàn ông duy nhất Hạnh yêu là tôi và không có ai khác nữa nhưng đám cưới thì nàng không bằng lòng. Hạnh rủ tôi thỉnh thoảng đến ăn với nàng, Hạnh săn sóc tôi không khác nào người vợ săn sóc chồng.
Chúng tôi gặp lại nhau được gần một năm thì Hạnh phải vào nhà thương vì một căn bệnh hiểm nghèo đã bộc phát trở lại. Bác sĩ cho biết nàng chỉ có thể sống được thêm 6 tháng nữa. Tôi vào thăm thì lúc đó Hạnh đã hôn mê và không nói được nữa.
Liên, em gái của Hạnh biết chúng tôi thật tình yêu nhau nên nói với tôi: “ Chị Hạnh yêu anh lắm, anh là người đầu tiên chị yêu, rất muốn làm vợ anh nhưng vì chị bị bệnh nên không dám nhận lời lấy anh, sợ anh phải khổ…” , nói rồi Liên đưa cuốn nhật ký của Hạnh cho tôi. Đêm hôm đó tôi thức suốt đêm vì những trang nhật ký của nàng. Hạnh viết bằng 2 thứ tiếng: Việt và Mỹ;

Hàm Tân ngày…Người đàn ông đầu tiên hôn tôi lại là người Mỹ. Từ trước tới giờ tôi vẫn tâm niệm người hôn tôi đầu tiên là người tôi yêu và sẽ lấy ngưới ấy làm chồng. Thật oái oăm, anh hôn tôi rồi anh bỏ tôi để về Mỹ… Nhìn đôi mắt anh tôi thấy anh thành thật, anh đâu khác gì người Việt Nam. Anh cuồng nhiệt làm tôi điêu đứng. Tôi luống cuống và run rẩy trong tay anh. Tiếc quá sao hôm đó tôi không ôm chặt lấy anh rồi đi theo anh để bây giờ tôi không phải nhớ nhung. Mỗi buổi sáng soi gương tôi thấy môi tôi “kỳ kỳ” làm sao, cũng làn môi ấy nhưng sao tôi thấy hơi là lạ, tôi bậm môi rồi nuốt vào trong bụng như để giữ mãi môi anh trong tôi…
Cali ngày… Bao nhiêu mong ước được gặp lại anh và rồi cuối cùng được gặp anh trên đất Mỹ thật. Don, em yêu anh và rất muốn được làm vợ anh nhưng em không thể nghe lời anh được. Em không muốn làm khổ anh. Bác sĩ nói em chỉ sống được hơn 1 năm nữa. Em cố gắng đi làm để được gần anh. Em đi làm đến khi em gục xuống thì thôi…     

Hôm sau tan sở tôi đến thẳng bệnh viện thăm Hạnh. Ngồi một lúc thì Liên tới, tôi bàn với Liên là tôi phải làm một cái gì cho Hạnh vui, biết đâu nhờ tình yêu mà Hạnh khỏi bệnh. Rồi tôi nói với Liên: “Anh sẽ làm đám cưới với Hạnh”. Liên ngạc nhiên không hiểu sao tôi lại làm như thế. Đám cưới với một người đang rên la trên giường bệnh ? Nhưng thấy tôi nhật định nên Liên nghe theo. Tôi liên lạc với vị Mục Sư trong nhà thờ để định ngày, giờ đám cưới.  Liên mời 2 người bạn thân với Hạnh hồi còn học Trưng Vương và tôi mời 3 người bạn trong sở, có một người là xếp của Hạnh. Đám cưới hôm đó có 9 người. Liên cẩn thận mua cho tôi một bó hoa để trao cho Hạnh. Tôi xin phép bệnh viện và được chấp thuận. Thế là đám cươí bên giường bệnh được diễn ra. Vị Mục sư hỏi tôi đại khái; “Don, anh có bằng lòng lấy Hạnh làm vợ không? Thưa bằng lòng.”.  “Don, anh có bằng lòng săn sóc Hạnh suốt đời không ? Thưa Bằng lòng”. Mục sư quay ra hỏi Hạnh: “Hạnh, cô có bằng lòng lấy Don làm chồng không?”, Tất cả 7 người đứng đó im lặng chờ đợi không biết sao, Liên nhanh nhẹn ghé sát vào tai chị: “Nếu chị bằng lòng lấy anh Don thì chị chớp mắt nhá”. Mọi người nhìn về phía Hạnh thấy nàng chớp chớp mắt, chúng tôi vỗ tay mừng rỡ. Vị Mục sư cũng vui mừng và nói: “Lần đầu tiên trong đời tôi cử hành một đám cưới như thế này” .
Sau hôm đám cưới, Hạnh vui hơn và tỉnh lại dần. Rồi như một phép lạ, ba tuần sau nàng được xuất viện và mỗi tháng một lần phải trở lại tái khám.  Hạnh về nhà nhưng vẫn chưa thể tự túc được. Hàng ngày tôi và Liên thay nhau săn sóc Hạnh. Tám tháng sau Hạnh đi lại được trong nhà và tự ăn uống lấy. Tôi vui theo với sức khoẻ của Hạnh.
Tôi sống với Hạnh như thế được gần 6 năm. Rồi một hôm Hạnh mệt và không muốn ăn, tôi lấy sữa ensure cho Hạnh uống nhưng nàng chỉ uống chưa được nửa lon. Hôm sau Hạnh có hẹn với bác sĩ, tôi dự tính sẽ hỏi xem tình trạng như thế nào.  Rồi không hiểu sao Hạnh kéo tôi xuống nằm bên nàng. Hạnh hôn tôi và nói; “ Em cám ơn anh đã hy sinh cho em nhiều quá. Em yêu anh và mãi mãi yêu anh. Em biết bệnh tình của em. Em không thể sống được nữa và sắp phải xa anh…”.  Nói xong Hạnh nấc lên một tiếng rồi nằm im, hơi thở không đều. Tôi vội vàng gọi xe cứu thương. Xe cứu thương tới đưa Hạnh vào bệnh viện. Tôi lái xe theo sau. Người ta tiếp nước biển và đo tim mạch cho nàng. Hạnh được giữ lại trong nhà thương. Vì phải đợi kết quả thí nghiệm nên chưa biết bệnh tình ra sao. Tôi hồi hộp chờ đợi. Hạnh mỗi ngày một yếu đi, mắt nhắm lại. Ở trong bệnh viện đến tuần lễ thứ hai thì Hạnh hầu như không còn biết gì nữa, tim đập bất thường. Rồi bác sĩ  đến bên tôi và nói bệnh tình Hạnh tái phát và không thể chữa được nữa. Ông ngỏ lời chia buồn với tôi.  Lúc này Hạnh đã ngừng thở.  Ông ra lệnh cho y tá tháo giây nối nước biển và tim mạch ra khỏi người Hạnh. Tôi đến gần cúi xuống ôm lấy Hạnh. Tôi hôn lên trán nàng và nước mắt trào ra…

Hoàng Nguyên Linh    
    


   



 NHỮNG Ý NGHĨ RỜI

 


8/11/2013: Dr. Marilyn Rubin

Hôm qua tôi đang dùng computer để xem mấy cái e-mail thì vợ tôi ra lấy thư, một lát nàng mếu máo gọi tôi: “ Bà Marilyn chết rồi anh ơi !”. Nói xong nàng oà lên khóc.

Bà Marilyn là hội viên trong nhà thờ Peace Lutheran Church ở St. Louis, tiểu bang Missouri.

Peace Lutheran Church là nhà thờ bảo trợ gia đinh tôi khi chúng tôi mới vào đất Mỹ.

Hai nguời tình nguyện đứng ra lo cho chúng tôi là bà Lyn và bà Marilyn. Bà Lyn đã chết cách nay gần 5 năm, bây giờ tới bà Marilyn.

Bà Marilyn là giáo sư trong ngành y khoa trong trường Đại Học Washington ở  St. Louis.  Hôi viên nhà thờ thường gọi bà là Dr. Rubin.

Bà sống độc thân, không có chồng và cũng không có con. Khi vào đất Mỹ, con trai lớn của chúng tôi mới đuợc 13 tháng thì vợ tôi mang thai cháu thứ 2. Nếu không có bà thật chúng tôi không biết tính sao. Bà lấy xe chở chúng tôi đi chợ, đi học và đi khám bác sĩ… Sợ mất thì giờ của bà nên khi đi chợ chúng tôi mua vội vàng rồi ra xe, đi học thì bà chở đến truờng, lúc tan học bà mới đón, nhưng đi bác si thì thật là khủng khiếp, có lúc bà phải ngồi ngoài xe hơi đợi hơn 2 tiếng đồng hồ. Chúng tôi rất ái ngại, nói sorry nhưng bà vẫn vui vẻ, không lộ gì là bực tức vì phải đợi lâu. Bà còn nói đi khám bác sĩ thường phải đợi lâu như vậy… 

Bà nhận đỡ đầu 2 đứa con chúng tôi và là Godmother của chúng.

Ở St. Louis đuợc 2 năm chúng tôi chuyển vể California vì ở đó quá lạnh, có lúc nhiệt độ xuống -24 độ F. 

Từ khi về California năm nào chúng tôi cũng gửi thiệp Giáng sinh và chúc mừng năm mới cho bà. Ngày sinh nhật của bà mới thật là đặc biệt. Bà sinh ngày 29 tháng 2, thành ra cứ 4 năm bà mới có một lần sinh nhật. Vì ngày đặc biệt này nên dễ nhớ và chúng tôi vẫn liên lạc với bà hon 30 năm nay, hoặc bằng thư hoạc gọi điện thoại.

Giáng sinh năm nay chúng tôi gửi thiệp mà không đuợc hồi âm, gọi điện thoại không ai trả lời, lúc đó mới nghĩ chắc là bà yếu, rồi bất ngờ hôm qua đuợc thư của cháu bà mới biết bà đã ra đi (cháu bà ở xa, tình cờ lục giấy tờ mới có địa chỉ chúng tôi).

Hôm nay ngồi đây viết những dòng này để tuởng nhớ tới bà và tri ơn bà.

Nguyện cầu Dr. Marilyn Rubin sớm huởng nhan thánh chúa.

Hoàng Nguyên Linh 



8/13/2013: Nghề đi chợ

Từ hơn 4 năm nay từ ngày vợ tôi bị bệnh tôi đều phải đi chợ.  Các nghề khác thì càng lâu càng có kinh nghiệm và việc làm ngày càng dễ, nhưng nghề đi chợ thì càng có kinh nghiệm lại càng khó. Nấu cơm ở xứ này thì quá dễ, chỉ cần vo gạo cho sạch, đổ nước và cắm điện là xong. Các món ăn nấu cũng dễ, từ 45 phút tới 1 giờ là hoàn tất 2 món ăn.

Riêng nghề đi chợ rất khó vì không biết ăn món gì. Ăn một món mãi cũng chán,. Rau thì có 2 thứ là rau muống và bắp cải tương đối dễ hơn cả: luộc, xào, và làm nộm, làm dưa. Hai món nộm này thì dân nhậu thích nhất. Nộm bắp cải với thịt gà tươi, thêm rau răm và đậu phộng rắc lên thì chỉ cần một món cũng đủ. Nộm rau muống thì phải có mắm tôm mà lúc này ăn mắm tôm của Việt Nam hay của Tàu bị bà xếp chống đối vì nó thiếu vệ sinh. Các thứ rau khác như cải ngọt, cải làn, broccoli… cũng chỉ làm được 2 món là luộc và xào. Rau đay, rau mồng tơi, cà tím, khổ qua, bí dao, bầu… loay hoay cũng chỉ được 1,2 món. Thịt, cá cũng chỉ biết kho, xào, canh chua… Chung quy lại chừng hơn 20 món mà phải kéo dài năm này qua năm khác nên thực khách thấy ngán ! Nghề đi chợ khó là như vậy, “ai có qua cầu mới hay”…

Tôi đi chợ ròng rã trên 4 năm, không quen ai nhưng không hiểu sao có nhiều bà chặn tôi lại xin cố vấn. Có bà mua trái dưa hấu, đã bỏ vào xe rồi còn hỏi tôi: “Ông xem trái dưa này có đỏ và ngọt không ?”, tôi lại phải chỉ cho bà: “ Trái đó non, không ngọt đâu” Rồi lại phải dẫn bà lại hàng dưa tìm cho bà một trái ngon. Có lần tôi lấy 2 bao bánh phở tươi, một bà đứng bên hỏi: “Ông chọn như thế nào?” tôi lại phải giải thích cho bà: “ Gói cừng và chặt tức là không khí nó chưa vào, gói mềm tức là không khí đã vào sẽ chóng hỏng rồi nhiều câu hỏi khác nữa… Tôi đêm chuyện này về kể mấy bà chị và cô em cười chế nhạo “ Thôi, các bà thấy ông đi chợ nghĩ là ông độc thân nên hỏi chuyện làm quen”

Tôi chống đỡ: “Các bà trông đứng đắn lắm, không vẻ gì là quyến rũ tôi, hỏi xong nói cám ơn rồi đi, không một chút gì là quyến luyến…”

Cách nay 2 hôm có một bà ở chợ Sai Gon City cầm củ riềng rồi hỏi tôi: “Ông thấy củ riềng này có ngon không ?  “Tôi hỏi lại: “ Bà mua để làm gì?” Bà than: “ Khó quá ông ơi, riết rồi không biết ăn cái gì. Có bà bạn nói làm Chả Cá Thăng Long ăn cũng ngon lắm. Tôi bảo bà chả cá Thăng Long ngoài riềng ra cần nghệ để ướp cá cho cứng và rau thơm lá thì là… Ấy thế là tôi thêm được một món nữa mà đã lâu quên mất…  

Nghề đi chợ đơn giản mà khó lắm qúy vị a!  Các ông nên thông cảm cho mấy bà phải đi chợ.

Hoàng Nguyên Linh



      

Sept 13, 2013

Khi Người Yêu Tôi Khóc

Khi ngưòi yêu tôi khóc, câu này hình như tên của một bản nhạc hay một truyện ngắn nào đó tôi không nhớ.

Ban đầu định lấy đề tài “Phái mạnh, phái yếu” nhưng đổi lại “Khi người yêu tôi khóc” cho có vẻ hấp dẫn hơn.

Tôi là phái Nam, người ta thường gọi là phái Mạnh, khác với phái Yếu, nhưng sao tôi không thấy mình mạnh chút nào, nhất là đối với phụ nữ, phụ nữ “Khóc” thì tôi chịu thua và đầu hàng vô điều kiện. Nhìn phụ nữ, nhất là phụ nữ đẹp mà khóc sao tôi thấy bủn rủn cả chân tay, không thấy mình mạnh nữa mà yếu hẳn đi, cho nên 100% tôi không làm chính trị được, nếu làm chính trị chắc chắn mất nước ! Hai bố con Đổng Trác và Lã Bố mạnh như thế mà phải thua nước mắt Điêu Thuyền.

Ngày xưa lúc chưa lấy vợ bạn tôi hỏi ngoài những tiêu chuẩn thông thường như đẹp, ngoan, hiền bạn còn có tiêu chuẩn nào không, tôi trả lời liền “đàn bà phải biết khóc”. Tôi sợ nhất là người đàn bà không biết khóc. Người đàn bà khi tức không khóc, buồn không khóc, mặt đỏ lên hoặc xám đen lại. Hai loại người, một loại người tức mặt đỏ lên và tức mặt xám lại thì loại người mặt xám lại đáng sợ hơn. Mặt đỏ tía tai các cụ thường nói, thực ra họ thuộc máu nóng, hỏa bốc lên một lúc sẽ nguội xuống nhưng người mặt xám đen lại họ nguy hiểm lắm, khó làm cho họ hết giận được, chồng lộn xộn chắc sẽ bị “thiến”. Ở Santa Ana cách nay mấy tháng toà bắt bỏ tù người vợ vì tội “thiến” của chồng. Bà này chắc chắn không bao giờ biết khóc !

Người đàn bà biết khóc là người có nhiều tình cảm, dễ tha thứ. Nếu bạn có lỗi bạn có thể xin lỗi rồi năn nỉ sẽ dễ được tha thứ và bỏ qua, rồi huề cả làng. Không tin các ông cứ thử mà xem, cứ việc đi lăng nhăng rồi về xin lỗi vợ, thế nào cũng được tha thứ.

Nếu ai chưa bao giờ khóc cho tôi xin chữ “Đại Xá”. Vì các bà ở vào trường hợp đặc biệt mà tôi chưa biết, nên một lần nữa xin hai chữ “Đại Xá”. Thiếu đề tài nên nói lung tung vậy thôi chứ người đàn bà Việt Nam nào chả biết khóc, khóc là võ khí của qúy bà mà, có người “vừa khóc vừa chửi chồng” còn được.

khóc nữa đi em, khóc nữa đi em

“ Thương em những lúc u sầu

Mỗi khi em khóc làm đau lòng này

Thương em má đỏ hây hây

Hồn anh ấm lại, mộng đầy đêm Đông”…

HVT 



8/21/2013: HỘI NGT HẢI NGOẠI.

Buổi mai hôm ấy…tôi đi chùa Pháp Vân ở Pomona. Sau khi tan lễ, đang đứng ở cổng chùa thì một người con gái đứng gần bên mỉm cười rồi cúi đầu chào: “Thày”. Nhìn người con gái thấy quen quen nhưng không biết ai. Đoán được sự ngỡ ngàng của tôi, cô học trò lên tiếng: “Thầy còn nhớ em không?”, tôi ngập ngừng: “ Nhìn quen quen nhưng không nhớ được tên”. “ Em là Lệ Khanh đây…” Lúc đó hai thầy trò mới nhận ra nhau.

Lệ Khanh hỏi số điện thoại của tôi rồi đi. Tôi nghĩ trong bụng: “Ở cái xứ kim tiền, nặng về vật chất này có bao giờ học trò mất thì giờ đến thăm thầy…”.

Tôi đang làm QA Engineer cho hãng Northdrop ở Fullerton, công việc rất nhàn. Suốt ngày chơi, đợi product làm xong chúng tôi 4 người: đại diện Government, đại diện Navy, đại diện Lockheed và tôi đến xem họ test thử. Sau đó đợi hoàn tất sẽ test final. Sau final, chúng tôi ký giấy tờ Approved rồi lại đợi người ta làm product thứ 2, cứ như thế công việc kéo dài 4 năm… Rồi bất ngờ hãng đổi về gần phi trường LAX, đi xa quá nên tôi phải xin nghỉ và mở văn phòng địa ốc và thuế vụ ở Pomona. Income đại khái cũng như lúc làm Engineer nhưng mất thì giờ nhiều hơn, bù lại mình có cơ hôi đầu tư về địa ốc. Lệ Khanh có đến thăm và mang quà Giáng Sinh cho thầy. Khoảng 4 năm sau, hết hạn lease, tôi đóng cửa văn phòng và lai rai sống với mấy cái property cho thuê tới ngày nay…

Thế rồi Lệ Khanh, Trần Hoà, Trần Độ và Tích… đến nhà thăm tôi. Thật ngỡ ngàng và cảm động sao các em còn nặng tình “Thầy Trò” quá, tôi không ngờ ở xứ Mỹ này vẫn còn có những người học trò như vậy. Tình cảm phát sinh nơi tôi, tôi yêu trường Nguyễn Gia Thiều và yêu thương học trò của tôi từ đấy nhưng chưa biết làm sao ?

Bất ngờ đám cưới K.A, khoảng 9:30PM các em thi nhau gọi điện thoại cho tôi, như Kim Anh, Kim Lan, Kim Oanh, Mặc Lan, Lệ Khanh, Ngọc Duyên, Ngọc Lan, Ngọc Yến…Các em nói thầy đến đây, chúng em đợi thầy. Lúc đó tôi còn ở Rowland Heights, cách Bolsa 40 miles làm sao tôi có thể đến ngay được nên đành từ chối. Các em bèn hẹn tôi sáng hôm sau tại nhà hàng (tôi quên tên) tôi nhận lời và rủ cô Tần và chị Lang. Cô Tần bận không đến, chị Lang cũng bận tôi phải năn nì mãi anh chị Lang mới tới nhưng đến một lúc rồi anh chị phải đi.

Từ đó hàng năm các em đều họp mặt và mời thầy cô.  Tôi mặc nhiên coi như đại diện và mời thầy cô cho các em. Tôi không được quyền vắng mặt bất cứ lần nào như để khuyến khích tinh thần các em. Sau nhờ chị Lang, cô Tần, cô Mão tham gia nên các em lên tinh thần…

Lệ Khanh có trí nhớ tuyệt vời, về Việt Nam mà còn nhớ số điện thoại của tôi. Vũ thị Oanh có gọi cho tôi giữa lúc tôi đang dọn nhà nên mất lien lạc. Về sau nhờ Mặc Lan và Ngọc Yến, Trần Hoà, Vệ… tích cực hoạt động nên hội NGT đã lớn mạnh như ngày hôm nay.

Về phía Giáo Sư thì cô Tần là trụ cốt, nhờ có cô Tần các thầy cô mới liên lạc được với nhau. Cũng nhờ có cô Tần đám cưới con trai lớn của chúng tôi mới mời được các anh các chị: Tần Khôi, Diễm Phi, Lang Sang, chị Mão, chị Anh tham dự…

  

Diễn Đàn NGT-HaiNgoai ngày nay là mái trường thân yêu nơi hải ngoại, để thầy trò gặp nhau, cùng nhau trao đổi những kinh nghiệm sống. Chúng tôi tha thiết mong mỏi, mỗi người một tay để tạo cho diễn đàn ngày một phong phú và lành mạnh.

Cám ơn tất cả thầy cô đồng nghiệp và các học trò thân yêu của tôi.

Hoàng Văn Thịnh   
  

 

Setemper 2013: NHỮNG Ý NGHĨ RỜI

TÔI ĐI KHÁM TIM.

Mấy tháng trước bất ngờ tôi thấy nhói ở ngực bên trái nhiều lần nên đi khám bác sĩ gia đình, tim mạch cũng bình thường (128/78) nhưng khi đo EKG thì điện tâm đồ chỉ bất thường, bác sĩ đề nghị tôi nên đi bác sĩ chuyên về tim và tạm thời cho thuốc khi khẩn

cấp thì ngậm dưới lưỡi (thuốc Nitrostat 0.4 mg), nếu quá 2 lần mà còn đau ở ngực thì phải đi vào nhà thương gấp. Cũng may chưa bao giờ đau quá 2 lần nên đợi giấy phép của tổ hợp (khá lâu) để đi khám bác sĩ về tim. Gần 3 tuần chờ đợi tôi đến gặp bác sĩ 1 sau khi khám ông lại cho đi chụp hình về phổi, 10 ngày sau mới có kết quả bình thường, Bác sĩ 1 bắt đầu cho thử EKG và Ultrasound, kết quả không có gì chính xác lắm. bác sĩ 1 gửi tôi đi Fountain Valley Hospital để làm thêm vài cái test, đo EKG và X Ray. Một ngày sau họ gửi kết quả về cho bác sĩ 1 và ông gọi tôi đến gấp để thông tim ngay tuần sau đó. Tôi ngần ngại khi phải làm mấy chuyện này nên từ chối lấy lý do để tôi suy nghĩ. Bác sĩ bắt tôi ký vào tờ giấy là chưa muốn thông tim.

Về nhà khi biết tin, vợ và các con tôi đều lo lắng, hối thúc tôi phải đi thông tim ngay, tôi vẫn ngần ngại. Rồi vợ tôi tìm được trên internet bài nói chuyện của một Đông Y sĩ chỉ dẫn cách thông tim. Ông nói nguyên nhân phải thông tim là vì mỡ trong máu hoặc bị cục máu bầm làm nghẽn. Nếu thông tim nhiều khi cục máu bầm bị đẩy ngược về tim chứ không tan nên có lúc phải thông lại, tôi nghe có lý nên làm theo ông thử xem:

600 g tỏi, 600 g gừng xay ra rôi ép lấy nước, 1 cup nước chanh, 1 cup dấm táo (apple cider vinegar), tổng cộng khoảng chừng 4 cup, đun nhỏ lửa cho cạn còn lại một cup. Tất cả quấy đều với 3 cup mật ong rồi cất trong tủ lạnh uống trong 1 tuần (khỏang 2 muỗng trong một ngày) thì máu lưu thông. Uống xong tôi cảm thấy thoải mái nên làm lại lần thứ 2. Gần một tháng sau, tôi đi bác sĩ gia đình đề nghị ông khám lại tim, ông không khám, nói là phải đi thông tim theo đề nghị của bác sĩ 1, Tôi không biết tính sao nên xin đi bác sĩ thứ 2 xem sao. Bác sĩ gia đình chiều theo ý tôi nên xin phép tổ hợp, phải 3 tuần mới biết có được phép hay không nên tôi đổi bảo hiểm vào loại Medigap, loại bảo hiểm này được tự do, muốn đi BS nào cũng được (nhưng hàng tháng phải đóng thêm tiền), không cần phải xin phép tổ hợp HMO nữa. 

Thế là tôi được tự do đi Bác sĩ 2. Ban đầu tôi định không cho ông biết, nhưng các con tôi khuyên tôi cứ cho ông bác sĩ này biết để khỏi phải khám vòng vòng, tôi nghe theo và đưa kết quả thí nghiệm ở Fountain Valley Hospital cho ông xem, tôi nói bác sĩ 1 muốn thông tim nhưng tôi rất sợ. Nhưng khám, nếu bác sĩ thấy cần thông tim thì tôi nghe theo bác sĩ hoàn toàn. Sau một lúc suy nghĩ, bác sĩ 2 nói: “ Tôi làm lại cho chú từ đầu”. Tôi mừng quá, 3 ngày sau ông cho tôi hẹn liền. Nhìn cách làm việc của ông tôi vững tin: làm Ultrasound, ghi kết quả, cho chạy Treadmilll từ chậm tới nhanh tối đa, ông luôn luôn hỏi nếu thấy mệt thì cho ông biết và chạy lâu 9 phút. Y tá thì luôn luôn đo nhịp tim. Sau khi chạy Treadmill ông lại check Ultrasound một lần nữa. Sau khi biết kết quả bác sĩ 2 nói tim tôi hoàn toàn tốt, không phải thông tim và cũng không cần tái khám…

Tôi thở phào nhẹ nhõm…  

Tôi tự hỏi: Vậy là sao?  Bác sĩ trước nói phải thông tim, bác sĩ sau nói không cần. Tôi tin và thích cách làm việc của bác sĩ thứ 2 hơn và dự trù 1 năm sẽ đến khám ông 1 lần. Không biết có phải vì tôi uống toa thuốc Đông dược: Tỏi, gừng, chanh, dấm táo và mật ong mà máu lưu thông không? Tôi dự trù một năm sẽ uống theo cách này 2, 3 lần, miễn sao không phải đi thông tim là được…

Vài cảm nghĩ trên trong những ý nghĩ rời và chia sẻ cùng các bạn kinh nghiệm của riêng tôi chứ không dám khuyên hay đề nghị và có thể sẽ bị một số người chống đối.

H.V.Thịnh   





Oct 27, 2013: Những Ý Nghĩ Rời.

Tình Người Áo Trắng 

Mấy tuần vừa qua liên tiếp trên diễn đàn nói về bác sĩ y khoa: Tại Hà Nội (với tiêu đề:Ác qủy áo trắng) và tại Anh (với tiêu đề: Ác qủy áo blue trắng) và gần đây nhất là bác sĩ làm chết người rồi đem vất xuống sông…

Tại một bệnh viện về mắt ở Hà Nội khỏang hơn 3,000 người bị lấy tủy tinh thể đem bán và thay bằng thủy tinh thể giả. Một vị bác sĩ trong bệnh viện đi tố cáo việc làm bất chính của giám đốc bệnh viện nên bị sa thải và người này sau đó còn bị cho xe dụng gẫy chân. Giám đốc bệnh viện chỉ bị ghi là một sơ xuất nhỏ của nghề nghiệp, vẫn tại chức . 

Vụ thứ 2 tại bên Anh. Bác sĩ đã chích số lượng chất Morphine quá cao cho một bà và làm giấy di chúc giả tất cả tài sản để cho người thừa kế là là vị bác sĩ này. Kết quả điều tra: Ông bác sĩ này đả giết trên 200 người cũng bằng liều lượng thuốc morphine nên ông ta lo sợ và đã tự tử chết…

Cũng như một bạn đã nói kỳ trước: bác sĩ có người tốt, người xấu, người hay người dở.

Nhưng với kinh nghiệm của tôi thì bác sĩ tốt nhiều hơn xấu, bác sĩ hay nhiều hơn dở.

Những bác sĩ “Xấutôi đã gặp:  Tôi đi ông BS về nhiếp hộ tuyến, khi khám xong ông nói : “tuần tới trở lại” cô y tá thấy ông khám cẩu thả quá mới nói với ông BS :” Ông này trả bằng Insurance” thế là tôi được gọi lại vào phòng để BS làm mấy cái test nữa (trả bằng Insurance BS tính tiền cao hơn là medicare). Sau khi hết bảo hiểm của vợ tôi, tôi xin được medicare part B. Người bán bảo hiểm giới thiệu tôi với một ông BS gần nhà. Đến nơi nhân viên đòi thử máu, tôi đưa kết quả thử máu cách đó 1 tháng với BS trước, nhân viên đòi thử lại từ văn phòng, tôi không đồng ý (vì tốn tiền chính phủ, vô ích). Nhân viên phải chịu. Đến khi chích ngừa bệnh “giời leo” (Shingles),  thuốc này khá đắt tôi phải đóng co-pay $80 mua ngay tại tiệm thuốc bên cạnh. Khi tôi mang thuốc về manager hay vợ ông BS này, bà ra lệnh cho y tá đổi thuốc của tôi và lấy thuốc cũ chích cho tôi và giữ thuốc mới của tôi lại. Cô y tá nói thuốc đó hết hạn rồi, bà ta nói còn 1 tháng nữa mới hết hạn. Tôi nghe được họ đổi thuốc của tôi nên phản đối, họ phải thôi, thế là tôi phải bỏ ông BS này. Trường hợp nữa là tôi nghe quảng cáo suốt ngày ở radio về BS tai, mũi, họng… Tôi gọi lấy hẹn 10:00 AM. Tôi cẩn thận đến 9:45 AM, 15 phút làm giấy tờ. Khi đến nơi ông BS này không cho vào, nói phải đúng 10: 00 mới được vào. Tôi ra xe ngồi đợi. Đúng 10:00 tôi vào làm giấy rồi đưa cho ông BS.

Tôi phải đợi gần 2 giờ ông không nói gì cả (ông BS này không có y tá, không có thư ký, một mình ông lo hết mọi chuyện. Tôi nghe nói ông ta khó tính không ai làm được với ông ta). Mãi sau ông gọi tôi và nói: “Tôi không có thì giờ check với bảo hiểm của ông, thôi để khi khác tôi có thì giờ mới biết được” Tôi quá tức, ban đầu ông ta không cho tôi vào mặc dù văn phòng rất nhiều chỗ ngôi. Tôi mất hơn 2 giờ mà không được việc gì mặc dù trước khi lấy hẹn tôi đã nói với người nghe điện thoại về bảo hiểm của tôi, người nghe điện thoại nói bà ta đã check với hãng bảo hiểm rồi, mọi chuyện OK. Tôi đòi tờ đơn tôi ghi và xé ra trước mặt ông rồi nói “Không bao giờ tôi trở lại văn phòng ông nữa” rồi đi thẳng. Sau này tôi có hỏi thì được biết ông BS này tính tình bất thường và có vấn đề nên ông ta làm việc một mình, không có người giúp việc…

Những BS tốt tôi đã gặp: Ngày trước ở West Covina, tôi đi với BS DV trên 25 năm. Ông rất cẩn thận, từ khi đổi về Fountain Valley tôi chưa tìm được BS nào như thế. Khám tổng quát hàng năm ông check toàn diện, ông đeo bao tay mỏng rồi dùng ngón tay check hậu môn và gửi đi thử, năm nào ông cũng làm thế. Từ khi đổi về Orange County, các BS tôi tới đều khám qua loa rồi cho đi thử máu, thử phân hoặc thử nước tiểu. Không ai chịu khó như BS DV. Ông BS thứ hai và cũng là BS hiện tại của tôi. Sau khi tôi bỏ ông BS có bà vợ tráo thuốc của tôi, tôi ghi danh với ông này nhưng chưa khám bao giờ. Một hôm tôi bị cái đinh làm chảy máu, tôi sợ phải đi chích ngừa bệnh tetaraus. Khi gọi mới biết ông đi nghỉ hè. Y tá báo cho ông biết, thế là đêm hôm đó mặc dù ông đang đi nghỉ hè, ông gọi mấy lần cho tôi và giới thiệu với bạn ông sáng hôm sau chích ngay cho tôi.( Thuốc này phải chính tay BS mới được quyền chích.). Ông BS thứ 3 tôi mang ơn là BS về tim như tôi nói kỳ trước. Ông không ham tiền để làm mất thì giờ của bệnh nhân, không hẹn lên hẹn xuống như những người khác, khám thật kỹ, mặc dù ông rất bận. Tôi tin tưởng và rất thích cách làm việc cụa ông. Còn một vị Bs nữa tôi rất thích nhưng không dám đi vì mất rất nhiều thì giờ (khoảng 2, 3 tiếng một lần khám), tôi nói chuyện với một bà bệnh nhân, bà đã đi ông Bs này 20 năm và nói đây là ông Bs thứ 2 từ tâm tôi gặp, ông trước đã chết rồi. Ông đủng đỉnh vừa khám vừa nói chuyện, hình như ông vui khi làm việc chứ không như mấy ông Bs khác, nhiều khi khám không quá 3 phút. Có ông để ống nghe ngoài áo lạnh cho lấy lệ…

Bốn vị BS như tôi kể trên đúng là Lương Y như Từ mẫu.   

Hoàng Văn Thịnh

   

         

11/20/2013: NHỮNG Ý NGHĨ RỜI

BÃO HAIYAN.

Mấy tuần nay tôi khá bận với công việc riêng. Hôm qua nghe lời kêu gọi của đài VNCR và luật sư Trịnh Hội cứu giúp bão lụt bên Phi Luật Tân, tôi định mang check đến đài VNCR rồi về, nhưng sau khi đưa check cho cô thư kỳ quay ra thấy nhiều người xếp hàng vào xem văn nghệ gây qũy nên tôi cũng mua vé vào xem thử “Trước mua vui sau làm nghĩa”. Đã từ lâu lắm tôi không đi xem văn nghệ, không phải tôi không thích nghe hát nhưng sợ nhất phải nhìn những cảnh nhẩy múa, khoe lưng khoe bụng… rồi lại phải nghe những câu khôi hài, đùa cợt cũ rích và nhàm chán, chưa nghe đã biết họ sẽ nói đùa cái gì của các ông bà MC…với một ông già khó tính trên 70 tuổi như tôi thì thật khổ.

Chương trình văn nghệ bắt đầu lúc 6:30 PM. Các MC duyên dáng và lịch sự như Hoàng Trọng Thụy, Quỳnh Hương, Hồng Vân, nói đầy đủ và gẫy gọn nên không làm mất thì giờ của một chương trình khá dài và phong phú. Tôi không ngờ chương trình văn nghệ hay đến thế. Tôi không phải nhìn cái màn khoe lưng, khoe bụng, cũng không phải nghe những câu khôi hài nhàm chán của các MC.  Ca sĩ đến hát là những người nổi danh như Hương Lan, Ý Lan, Ngọc Hạ, Thái Châu, Bằng Kiều, Vũ Khanh, Nguyên Khang, Don Hồ…họ đến hát thiện nguyện, không lấy thù lao và hát với tất cả tấm lòng nên khán giả ngồi dưới đã không ngần ngại bỏ thêm rất nhiều tiền vào những hộp giấy do các ca sĩ đưa đến. 

Sau chương trình đơn ca và song ca hơn 2 giờ, ban tổ chức cho xem phim Bolinao 52.

Đạo diễn và tài tử chính đều có mặt. Phim kể một chiếc thuyền vượt biển tìm tự do của 110 người Việt Nam. Những ngày lênh đênh trên biển không một tầu nào cứu giúp, tất cả như đã được lệnh không cứu gíup người vượt biển nữa. 58 người đã phải chết đói và khát, còn lại 52 người. Sau 37 ngày lênh đênh trên biển, họ được thuyền đánh cá của người Phi Luật Tân cứu gíup đưa vào bờ biển Bolinao nên cuốn phim mang tên BOLINAO 52. Tài tử chính là người đi trong chuyến tàu này nên diễn tả rất thật, khi kể đứa bé đói quá đã ăn ngón tay của anh, người anh sắp chết nên không đau và để nguyên cho em ăn, đến đêm thì 2 anh em đều chết đói. Nước mắt tài tử chảy ra là nước mắt thật nên rất cảm động…

Gần cuối chương trình ban tổ chức vui mừng tuyên bố số tiền thu được cho đêm văn nghệ này là $75,000.00 !

Tôi về đến nhà gần 12 giờ đêm. Lòng thật vui. Cám ơn ban tổ chức rất chu đáo. Cám ơn các ca sĩ đã hát thật hay, các MC thật xuất sắc và cám ơn luật sư Trịnh Hội người đã làm thiện nguyện và làm được rất nhiều những việc có ý nghĩa.  

Hoàng Nguyên Linh    
       




Những ý nghĩ rời (8/13/2014)

Chuyện Đàn Ông

Xưa nay người ta thường nói “các bà lắm chuyện” nhưng công bằng mà nói, đàn ông cũng nhiều chuyện lắm.  Chuyện trên trời dưới đất, chuyện thời sự, chuyện tình ái, chuyện vợ con, thôi thì đủ cả…
Để dễ phân biệt tạm thời ta chia ra 3 giai đoạn thời gian: Thời trai tráng, thời trưởng thành và thời về hưu.
Thời trai tráng thì chuyện tán gái đứng số một. Những đêm 24 sát ngày Giáng sinh, rồi đi chợ hoa đường Nguyễn Huệ, tối giao thừa đi Lăng Ông Bà Chiểu là những dịp để làm quen mấy cô. Quen được ai thế nào cũng phải tìm mấy người bạn để “tâm tình”. Tôi là người tán gái dở nhất, suốt thời trai tráng hầu như không có “bồ” nhưng là “nạn nhân” của mấy người bạn. Mỗi khi quen được ai thế nào chúng cũng phải tìm tôi cho bằng được để tâm tình. Tôi vì tán gái dở nên rất phục mấy người bạn nên chúng thích nói chuyện vớí tôi có lẽ là nguyên nhân chính. Tôi học “hàm thụ” nhưng mỗi trường hợp mỗi khác nên không bao giờ áp dụng được. Dễ nhất là 2 nàng đi với nhau. Đi một mình thì họ nhát, đi đông thì không làm ăn gì được. Có đứa về khoe:
-Em hỏi tao: “ông” học ở đâu, mày biết tao trả lời sao không ?
-Thì nói trường mày học
-Không. Tao bảo em “Ông” thì phải đi làm chứ sao “Ông” còn học ở đâu. Thế là 2 em cười khúc khích và rồi quen nhau…
Có một anh chàng khác gặp tôi khoe:
“ Hôm nay đi phố gặp một em thật dễ thương, tao đi bên khá lâu và không biết mở đầu thế nào, bất ngờ em lên tiếng: Anh đi trước hoặc đi sau chứ sao cứ đi bên tôi mãi thế này !
Tao được dịp: Nếu tôi đi sau người ta nói tôi đi theo cô, nếu tôi đi trước người ta nói cô đi theo tôi, nên tôi đi bên sẽ không ai bị chê cả, thế là nàng cười và tao quen nhau…”
Đại khái những chuyện thời trai tráng là thế, nhưng thời trưởng thành thì khác hơn.
Chuyện chính trị và tôn giáo dễ gây nên tranh luận và xích mích nên chuyện về các nàng thì vô tội vạ. Trước hết là chuyện ngoại tình. Mà sao lạ họ đi ngoại tình mà lại muốn có người tâm sự, kể lể không thể nào giữ một mình được. Có người bạn bảo tôi: “Chuyện này tôi phải kể với ông mới được” tôi cũng không hiểu tại sao, có lẽ tại tôi chăm chú nghe rồi lâu lâu thêm mắm thêm muối vào nên các ông thích. Có người ngoại tình bị vợ biết chỉ vì cái cell phone. Tên vợ với tên bồ gần nhau: Kim Thu và Kim Thoa. Gọi cho bồ vô ý nhắn vào phone của vợ với giọng tình tứ, ngọt ngào: “Em đấy hở ? Em có khoẻ không ?Anh đây. Muốn gặp em để mình đi uống nước…” . Vợ ngạc nhiên sao lâu lắm chưa bao giờ chồng nói ngọt ngào với vợ như vậy nên nghi ngờ và truy ra nên biết được. Chồng phải thoái thác đó chỉ là bạn, nhưng bà vợ cũng là tay cao thủ, gọi thẳng cho bà kia xác định mình là vợ và anh Trung (tên người chồng) đã có chủ rồi, chỗ đàn bà với nhau tôi cho chị biết như vậy. Mong chị ngừng ngay! ( cũng lại chuyện cái cell phôn: Tôi có cô bạn đồng nghiệp, trước khi về Việt Nam cô gọi tôi hỏi có cần mua gì ở VN không, giữa lúc đang lái xe, nói chuyện một lúc thì phone bị ngắt vì máy hết pin, khi về nhà gọi lại cô nổi giân, gọi mãi mới chịu bắt máy và chỉ trả lời : “ Nãy đang gọi sao lại ngừng rồi cô tắt máy và không chụi nói chuyện với tôi nữa. Tôi không giận cô và cũng mừng vì như thế chứng tỏ cô còn trẻ, còn giận hờn chưa tới tuổi về hưu, đầu óc chưa bão hòa như tôi”… ). Còn nhiều chuyện lắm nhưng không nói ra hết sợ có người cho là vạch đường cho hươu chạy. Đại khái là như vậy…
Thời về hưu trí thì câu chuyện tình ái lăng nhăng hầu như không còn chỗ đứng mà nhường chỗ cho câu chuyện về sức khoẻ. Có ông chồng nói với vợ “Anh còn lăng nhăng thì em phải mừng chứ anh nằm một chỗ em còn phải lo nữa !”.Mà thật vậy:  Nào “Tam cao”: cao mỡ, cao máu, cao đường, “Nhị thấp”: Thấp khớp, thấp muối. Mỗi lần gặp nhau trong túi luôn có sẵn những viên thuốc. Thuốc cao mỡ. cao máu ưu tiên số một. Trước khi ăn luôn luôn lấy thuốc ra uống. Tôi hay thắc mắc, tìm tòi nên có khá nhiểu “thân chủ”. Bệnh cao mỡ nhờ uống tỏi, gừng, mật ong…  nay Total cholesterol còn 130, Triglycerides còn 72…bệnh đi tiểu vặt cũng là một cái khổ, có người phải mang tã như con nít, có người phải để sẵn cái lọ trong xe phòng khi hữu sự. Tôi đi 2 ông bác sĩ chuyên về Nhiếp hộ tuyến, có ông mới khám lần đầu đã đề nghị giải phẫu, ông này mặt mày nhìn rất hắc ám nên tôi bỏ, ông thứ 2 người gốc Hoa, được giới thiệu là khá hay cũng nói nếu uống thuốc không hết thì giải phẫu. Tôi đi bác sĩ (MD chính hiệu) nhưng biết về châm cứu, gần 3 tháng châm cứu và uống thuốc mà không bớt nên thôi. Tôi nói chuyện với bạn bên Việt Nam và được giới thiệu thuốc của VN tên CRILA, uống liên tiếp 3 tháng liền thì khỏi nhưng một tháng sau bị lại và được biết cứ phải uống liên tục bệnh mới ngừng. Tình cờ xem được một video của một ông chuyên bấm huyệt nên thử, mỗi ngày bấm 7 lần ở 2 má dưới môi, 2, 3 lần trong ngày rồi thở hết sức một tháng nay thấy khá, giữ lâu được 3 tiếng. Hy vọng bệnh không tái phát sẽ phổ biến cho các cụ gìa.
Chuyện về già khi về hưu còn dài dòng lắm, sẽ còn tiếp tục…
Thân chúc mọi người khoẻ mạnh và vui trong tuổi về hưu..
Hoàng Nguyên Linh      




July 22, 2014

VÔ CẢM

Mấy ngày nay tin tức dồn dập về vụ máy bay dân sự Mã Lai MH 17 bị bắn rớt ở khu vực do loạn quân thân Nga ở Ukraine nắm giữ.  
Nếu loạn quân bắn máy bay dân sự thì không đến nỗi phải ngạc nhiên vì họ như những kẻ điên, không còn tâm trí. Nhưng ở đây kẻ chủ mưu lại là Putin, lãnh tụ của một cường quốc khiến thế giới phải suy nghĩ và lo lắng.
Xem mặt mà bắt hình dong. Ông ta là loại ngưới Vô Cảm, Cold Blood, giết người vô tội như một trò chơi, không một xúc động, không một áy náy. Tôi nhớ đến những đứa trẻ thời tiểu học đi bắn chim. Những con chim thật đẹp, thật dễ thương nhưng đứa trẻ đi săn chim để bắn, không có mục đích gì cả, khi chim chết và rơi xuống đất chứng đi tìm con chim khác đẻ bắn, vậy thôi và không một chút thương tiếc. Có người so sánh Putin như Hitler của Đức năm nào, thực ra ông ta đáng ghét và nguy hiểm hơn Hitler nhiều. Hitler, Stalin, Mao Trạch Đông giết người vì mục đích và chủ trương của họ. Ở đây Putin cho người bắn rơi máy bay dân sự không có mục đích gì cả, bắn để chơi. Ghét Mỹ cấm vận nhưng không dám bắn vào toà đại sứ Mỹ mà bắn vào máy bay dân sự của Mã Lai. Thật là hành động điên rồ của một đứa con nít…
Thế vận Sochi Olympic đã thấy Putin giở trò tiểu nhân: Thiết lâp trung tâm Sex ngay tại trung tâm, các nam nữ tự do hành lạc lộ thiên. Dĩ nhiên khi thi sức khoẻ sẽ yếu đi và sẽ phải thua Nga, đó là mục đích hèn hạ của ông ta.
Mới chỉ cách nay trên 6 tháng báo chí đa số đều khen Putin giỏi hơn TT Obama nhiều.
Thật ra Putin lưu manh vặt hơn, tầm thường hơn, tiểu nhân hơn thì có. Đấu trí giữa Obama và Putin ta thấy TT Obama người lớn hơn, cao kiến hơn: Không chết một mạng người mà Nga phải lùi bước, Các nước Âu Châu đang lạnh nhạt với Mỹ nay phải liên
kết với Mỹ. Vụ máy bay MH17 lại khiến thế giới biết rõ mặt thực của Nga và tẩy chay Nga. 
Những trò xảo trá của Putin còn nhiều lắm và nhiều người đã biết…
Tôi nẩy ra viết về đề tài này vì mới đây xem hình ảnh một gia đình Việt Nam, một mẹ và 2 đứa con phải chết dưới tay của Putin trong vụ nổ máy bay MH 17. Một gia đình thật đẹp, người mẹ trẻ mới 37 tuổi và 2 người con: 17 và 13 tuổi, rồi một lá thư của một gia đình người Hoà Lan: “Mr. Putin, send my children home. Send them home, please”. Tiếng kêu thảm thiết: Ông Putin trả con tôi về nhà, làm ơn trả họ về nhà !! Nhưng ông Putin giả câm, giả điếc vì ông là loại người Vô Cảm…

Hoàng Nguyên Linh





Những ý nghĩ rời (11/20/2014)

PUTIN: CON NÍT RANH


Kỳ truớc chúng tôi có viết một bài về ông Putin, con nguời VÔ CẢM.
Hôm nay chúng tôi thấy ông ta không những vô cảm mà còn là một Đứa Con Nít Ranh. Không biết những nguời truớc đây khen ông ta tài giỏi, hơn hẳn ông Obama nay còn thán phục ông Putin nữa không ? Riêng tôi chỉ thấy ông ta là một đứa con nít ranh, không hơn, không kém.
1-  Cả thế giới biết ông mang quân và khí giới vào giúp cho phe ly khai của Ukraine mà miệng ông cứ lếu láo: Nga không mang quân sang Ukraine. Khi lính Nga bị bắt tại Ukraine thì ông ta nói lính Nga đi lạc vào đất Ukraine.
2-  Ông tuyên bố muốn có hoà bình thì Ukraine không đuợc gia nhập NATO (nghe tạm đuợc đi), nhưng rồi ông ta lại nói Nga quyết bảo vệ phe ly khai, không để phe ly khai bị tiêu diệt ? Thế nghĩa là sao ? Ông ta muốn một phần lãnh thổ Ukraine tiếp tục theo Nga, phần kia không đuợc đi với Tây Phương ! Đúng là muốn chơi cha thiên hạ.
3-  Hỏa tiễn của Nga và chính tay lính Nga bắn máy bay Malaysia làm chết 298 nguời. Quân ly khai không bắn đuợc vì họ chưa có thời giờ training. Hồi chiến tranh Việt Nam, Công sản khoe bắn rơi máy bay Mỹ, sau này mới đuợc tiết lộ chính lính Nga bắn chứ Việt cộng bắn không trúng, chỉ tốn đạn mà thôi vì họ chưa đuợc luyện tập kỹ.
4-  Sự tráo trở của ông Putin bị các cuờng quốc trên thế giới lên án và khinh miệt. Thủ tuớng Canada, ông Stephen Harper nói với ông Putin ” Tôi bắt tay ông nhưng có điều duy nhất để nói với ông: Ông phải rút ra khỏi Ukraine”. 
5- Đi họp hội nghị G-20 ở Úc nhưng lại mang tầu chiến đến gần bờ biển Úc để hăm dọa ? Thật là điên rồ !. Dân Úc đang căm hận về vụ bắn máy bay làm hành khách Úc bị chết, nay lại mang máy bay đến hăm doạ làm sao nuớc chủ nhà không ghét và khinh bỉ. Khi chụp hình ban nghi lễ đuợc lệnh xếp ông Putin đứng sát bên lề phía trái, không ai muốn nói chuyện và đứng bên ông ta. Putin sợ bữa ăn bế mạc hội nghị lại bị xếp ngồi góc phòng ăn, không ai thèm ngồi bên và nói chuyện với nên bỏ ra về sớm lấy lý do cần đuợc ngủ vì hôm sau phải đi làm. Putin không biết tiên liệu, tuởng cũng đuợc tiếp đãi như ở bên Tầu. Nếu biết đa số căm ghét thì không đi dự hội nghị nữa và cử đại diện đi thôi thì đỡ bẽ mặt.
6- Putin dở trò ga lăng với vợ ông Tập Cận Bình trong khi đi dự hội nghị APEC, lấy khăn đắp lên vai bà Bình, Bà này cởi ra gay và cận vệ lấy áo khác mặc cho bà ! Có báo gọi là “Coatgate”. TV của Tầu cắt bỏ đoạn phim này để dân Hoa lục không biết. Theo báo Nguời Việt thì tờ Sydney Morning Herad của Úc nêu lên tin “Ông Putin tán tỉnh bà Bình” !  ...
   Mấy điều nêu lên trên đây ta có thể gọi ông Putin là “Đứa con nít ranh”.

   Hoàng Nguyên Linh



    
          








No comments:

Post a Comment