Wednesday, May 29, 2013

ĐIỂM SÁCH








                   MẸ VÀ NHỮNG MÙA XUÂN
 ( Bài điểm sách của nhà văn nữ Nguyễn Hoàng Yến , bút hiệu Hoàng Yến)

Tôi nhận được MẸ VÀ NHỮNG MÙA XUÂN vào một buổi sáng đầu tháng ba. Khi thời tiết tại Alabama có ít nhiều thay đổi. Những khóm hoa Azalea hồng cam, hồng phấn, màu xác pháo,… đang độ mãn khai. Các trường học chuẩn bị nghỉ Spring break. Bầu trời xanh trong hơn và trong gió chỉ còn một chút hơi lạnh. Tôi thấy ấm lòng!

Quyển sách dày 150 trang. Gồm 9 truyện ngắn. Với ngòi bút của một Giáo sư văn chương và triết học trước 1975 tại Việt Nam. Nay là một kỹ sư điện tử tại Hoa Kỳ. Hình bìa phía sau tác phẩm có bức tranh sơn dầu. Nghĩa là anh còn là một hoạ sĩ.
Truyện của Hoàng Nguyên Linh thật sự dẫn đưa tôi - một độc giả - bồi hồi theo từng nhân vật mà anh đã đặt tên.
* Truyện ngắn đầu tiên “MẸ TÔI” khiến lòng tôi không nguôi thổn thức cho đến dòng chữ cuối cùng.” Cám ơn Mẹ đã gửi bưu thiếp cho con để trong đời con được một lần gọi Mẹ”.
Ôi! Cuộc đời sao đầy dẫy trái oan. Những ngang trái trong tình yêu đã mang đến cho tình mẫu tử quá nhiều hệ luỵ: sợ hãi, lẫn tránh, chạy trốn… và ăn năn thì đã muộn rồi!
Đọc “Mẹ Tôi” để nhìn lại người nam - chủ gia đình- của thời xa xưa đó: Nhiều thê lắm thiếp. Vui và mau quên. Số phận của những người nữ sai lầm trong tình duyên hay vì thất thế sa chân. Khổ một đời! Buồn đến hết cuộc đời!
Cảm ơn tác giả cho chúng ta nhìn thấy tấm lòng của một người con. Tuổi thơ thiếu hiểu biết, lớn lên đầy mặc cảm và rồi tình mẫu tử vẫn hằn sâu trong óc, trong tim, trong tiếc nuối ngẩn ngơ vùng trời kỷ niệm.
* Đọc “ XUÂN VỀ TRONG MÙA HẠ” Tôi thật sự có được những hồi tưởng thật êm đềm trong những ngày còn vào ra giảng đường Đại Học. Thời sinh viên vui quá! Tình cảm thật rất nên thơ. Một bên sách vở. Một bên người yêu. Nhưng rồi nho phong lễ giáo của cái thời “nam nữ thọ thọ bất thân” đã làm cuộc tình chết yểu. Khi cô sinh viên trường luật hiểu ra thì thật hụt hẫng, bẽ bàng. Tôi cũng nhận ra tôi qua hìh ảnh của THU Mối tình đầu theo cơ hội qua đi không không bao giờ trở lại. Khi Mẹ tôi thận trọng giữ gìn con gái và tôi trẻ con trong tình trường. Truyện ngắn nầy dễ thương!
* MÙA XUÂN CON GÁI. Là một bức thư tình. Nội dung thư đưa tôi về một thời kỳ xa lơ xa lắc: Ngọt ngào xen lẫn đắng cay. Niềm vui và nỗi buồn. Yêu thương và chia cách. Gần rồi xa!Chừng đó biến thiên cũng đủ qua mùa Xuân con gái. Đọc mà tôi tưởng Hoàng Nguyên Linh là nữ.
*TÌNH MUỘN. Đọc đến năm chữ đầu tiên” Nơi tôi dạy ngày trước…” tôi như bị thu hút bởi một mãnh lực đáng yêu của trường lớp, học trò và kỷ niệm. Tôi càng muốn biết tác giả nói gì về “nghề dạy học”. Có người cho là cao quí. Cũng có người cười cợt ”Nghề bán cháo phổi”. Có người lên án” nghề gõ đầu trẻ” .
Truyện kể về một nữ Giáo sư Trung học có chồng đã sáu con phải ly dị vì nạn bạo hành trong gia đình. Cho đến biến cố 1975 bảy mẹ con qua Mỹ mang theo hình bóng một nam đồng nghiệp có mái gia đình ấm êm. Bà lại tiếp tục dạy học.
Ba mươi năm sau gặp lại nơi đất khách quê người. Hai cảnh đời đều dang dở …Đám cưới của vị nữ Giáo sư về hưu và nam đồng nghiệp làm tôi nao lòng không ít. Tình dẫu muộn màng vẫn thấp thoáng đâu đây luật thừa trừ của Thượng Đế.
*QUÊN ĐI NGÀY THÁNG CŨ. Tựa truyện khiến tôi nhớ lời bài hát ” Tình ngỡ đã quên đi nhưng tình bỗng lại về…” Nội dung truyện có nhiều tình tiết bất ngờ đến thú vị. Những phân biệt giai cấp sang hèn. Những trớ trêu của hoàn cảnh. Những uẩn khúc của cuộc tình vẫn không có gì là quá nặng nề khi tác giả sắp đặt một kết thúc thật đẹp. Nếu trong đời thường tình cảm và lòng người cứ đẹp như thế thì hạnh phúc con người kể sao cho hết!

* NHƯ MỘT ĐÁM MÂY ĐEN.
Đọc hết truyện ngắn nầy bên tai tôi còn văng vẳng một điệu nhạc reo vui. Tác giả viết truyện vừa như dàn trải một tâm tình vừa như một đôi lời cảnh cáo. Trong đời sống lứa đôi, ít lắm có một lần người ta dễ sống theo cảm tính với những phút giây ngoài chồng ngoài vợ như trường hợp của Ngân.
Điều quan trọng là “một mai qua cơn mê” nhờ thấy được lỗi lầm, sai phạm mà biết trân quý hạnh phúc trong tầm tay. Tác giả viết y như một nhà tâm lý học hay một nhà tư vấn cho tình yêu, hôn nhân, gia đình. Lời văn nhẹ nhàng, tự nhiên. Diễn tiến câu chuyện càng lúc càng đi gần đến cao điểm của tình người.
* SAU CUỘC CHIẾN.
Ai đã là người yêu của lính cần đọc câu chuyện nầy. Hãy đọc để cảm thương cho Vinh, Ngọc và Khánh. Để thấy rõ chiến tranh và hậu quả của nó trên từng than phận con người Việt Nam.
*CÔ GIÁO NGA. Gia đình trẻ thời loạn ly là thế. Gặp nhau. Yêu nhau. Kết hôn. Rồi chia xa. Tù đày và nước mắt. Cô đơn và vô vọng đợi chờ.
Không! Không phải chỉ có thế. Sau cơn dâu bể Nga và Tuấn lại gặp nhau. Được gặp lại nơi vùng đất Tự Do. Chao ơi! Hạnh phúc ơi là hạnh phúc. Quanh ta còn có bao gia đình trẻ. Một thời gian dài giữa mọi khó khăn vẫn thuỷ chung. Vẫn tôn thờ hình ảnh người bạn đời của thuở ban đầu?
Truyện sau cùng ĐƯỜNG VỀ QUÊ CŨ mới thật sự nói hết thực trạng của xã hội Việt Nam, con người Việt Nam. Tôi thấy hình như những bồi hồi, những cảm luỵ từ đáy tim tác giả đã gửi gắm vào hai chị em của NẾT NA. Ôi!Việt Nam! Quê hương, đất nước, con người là thế đó. Là mãi mãi làm cho lòng kẻ ly hương đau xót đến vô cùng!

Cảm ơn tác giả Hoàng Nguyên Linh và tập truyện ngắn thật dễ thương.
Xin thân ái chúc tác giả viết thật khoẻ và trân trọng gọi mời Anh Chị Em tìm đọc.

Cuối mùa Xuân 2008.
Hoàng Yến

Yen Nguyen  
____________________________________



Cuộc phỏng vấn tác giả " Mẹ Và Những Mùa Xuân" của đài truyền hình SBTN. Chương trình lâu 25 phút.  Thân mời quý vị và các bạn  xem.
Hoàng Nguyên Linh

Click vào link dưới đây để xem :



http://www.litrium.com/mov/interview/640x480.html
 




________________________________________________


 Hoàng Nguyên Linh đã cho phát hành Tập truyện ngắn “Mẹ Và Những Mùa Xuân  Tại Orange County mua ở Tự Lực   
Sách in rất đẹp, nội dung đứng đắn, lành mạnh. Có truyện vui, có truyện rất buồn, nhưng các nhân vật đều nhân hậu, xứng đáng làm quà tặng cho những ai còn Mẹ hay đã mất Mẹ và những ai đang là Mẹ, những người Mẹ Việt Nam…
Những ai ở xa và muốn tặng nhau  trong dịp Giáng Sinh và Mùa Xuân này,  nhà xuất bản sẽ gửi thẳng đến thân nhân quý vị, quý vị cũng có thể viết thư trong e-mail, chúng tôi sẽ copy kèm theo sách để gửi cho thân nhân quý vị  (để tiết kiệm thì giờ và cước phí bưu điện).

Chi phiếu đề:
Thinh Hoang, 9315 Bolsa Ave.Westminster CA. 92683. P. O. Box 62
Tel: (714) 839-9742

e-mail: thinhhoang@yahoo.com
 1-  Giá $15 bao gồm cước phí (tại Hoa Kỳ),
      Ngoài Hoa Kỳ xin tham khảo.
2- Những ai mua sách qua nhà xuất bản sẽ được tặng bài viết “Mua Nhà Coi Hướng  của tác gỉa Hoàng Văn Thịnh (nguyên Giáo Sư Triết học tại Việt Nam trước năm 75 ) 
    Bài viết rất dễ hiểu và dễ áp dụng 




MẸ VÀ NHỮNG MÙA XUÂN : Tòan Tập



1- Vào Truyện
2- Mẹ Tôi
3- Xuân Về Trong Mùa Hạ
4- Mùa Xuân Con Gái
5- Tình Muộn
6- Quên Đi Ngày Tháng Cũ
7- Như Một Đám Mây Đen
8- Sau Cuộc Chiến
9- Cô Giáo Nga
10- Đường Về Quê Cũ






VÀO TRUYỆN

     n hành tập truyện ngắn “ Mẹ Và Những Mùa Xuân” để tặng những ai còn mẹ hay đã mất mẹ và những ai đang là mẹ.

     Các nhân vật chính trong truyện đều xưng danh “Tôi”. Có truyện “tôi” đóng vai người con, có truyện “tôi” đóng vai người mẹ. Có truyện “tôi” là một cô sinh viên trường Luật, “tôi” là một cô giáo trẻ mới ra trường về dạy học nơi tỉnh nhỏ, hay “tôi” là một bà giáo già đã về hưu trí sống trên đất Mỹ, “tôi” là một Việt kiều về thăm quê hương, hoặc “tôi” là một người con gái con nhà nghèo, bố mất sớm mẹ phải đi ở đợ để nuôi con…

     “Tôi” có trong những mảnh đời xung quanh ta. Có những truyện là sự thật ở ngoài đời, có những truyện đuợc dựng lên từ những góc cạnh của đời sống.

     Giáo sư Nguyễn Văn Trung cựu Khoa Trưởng trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn và cũng là trưởng ban Triết học Tây Phương đã nhận định: “Tiểu thuyết là một tưởng tượng sáng tạo, như thể vừa đi từ thực tại thực tế vừa vượt thực tại thực tế…”.

      Hình bìa phía trước của tập truyện ngắn này là tranh vẽ  hoa lan Cattleya của Nguyễn Thị Ngọc Hà (bức tranh trúng giải nhất của hội Hoa Lan Việt Nam  năm 2005), hình bìa phía sau là tranh sơn dầu “ Núi và biển” của Hoàng Nguyên Linh.

    Tập truyện ngắn này đuợc hoàn thành do sự khuyến khích của thân hữu và đặc biệt của nguời bạn đời đã góp ý và bổ túc.

     Và bây giờ chúng ta đi vào “ Mẹ Và Những Mùa Xuân” …



Tác giả

Hoàng Nguyên Linh       

                                  

 





MẸ TÔI

        Viết theo tâm sự của người con một đời phải xa mẹ    

                              Hoàng Nguyên Linh

     Sách vở, báo chí, đài phát thanh và truyền hình người ta nói nhiều về mẹ. Đa số đều nhắc đến những kỷ niệm êm đềm bên người mẹ hiền, nhưng tôi thì khác. Tôi có mẹ mà như không có. Nỗi buồn này hầu như theo đuổi suốt cuộc đời tôi
     Mẹ tôi là người vợ thứ hai của bố tôi. Bố tôi là một địa chủ khá giầu, đã có vợ cả và nhiều con nhưng bố tôi lại là một người ham mê sắc đẹp nên ông đã lấy mẹ tôi. Tôi không nhớ rõ mẹ tôi đẹp thế nào, chỉ nhớ mẹ tôi có đôi môi hồng, làn da trắng, người cao cao, mặt trái xoan,  nhưng nghe bố tôi nói thì mẹ tôi đẹp lắm nên ông quyết lấy cho bằng được dù phải bỏ ra rất nhiều tiền.
     Gia đình bên ngoại không giầu bằng bên nội nhưng ông ngoại tôi có nhiều con, hình như có tới tất cả 11, 12 người, trong đó có 8 người con gái. Hai người chị của mẹ tôi đã lấy hai người em họ của bố tôi. Cũng vì bố tôi hai vợ nên tôi đã phải chịu những sự đau buồn, tủi nhục.
     Ở ngòai Bắc thời xưa, đa số các ông địa chủ có tiền đều thi nhau lấy nhiều vợ. Ông nội tôi có 3 vợ, bố tôi có 2, nhưng ông nội tôi là người có bổn phận và có trách nhiệm. Tuy có 3 vợ nhưng mỗi bà ở một nơi, mỗi bà một giang sơn riêng nên không có chuyện gì đáng tiếc xẩy ra, nếu có ghen tuông chắc không đến nỗi trầm trọng. Bố tôi không như ông nội tôi, bố tôi lấy vợ hai về song lại để hai bà ở chung với nhau nên mới gây ra nhiều chuyện phiền phức sau này, sự ghen tuông  hầu như đã xẩy ra hàng ngày, tôi nghe cô tôi nói vậy. Tôi ra đời một năm sau khi mẹ tôi lấy bố tôi. Cũng vì tôi là con trai nên sự ghen tuông càng đi đến chỗ quyết liệt hơn. Bà cả sau khi sanh người con trai đầu lòng thì sanh liên tiếp 4 người con gái. Bà đi xem bói, thầy bói nói rằng số của bố tôi chỉ có 2 người con trai thôi, bà cả nghĩ rằng bà không thể có con trai thêm nữa, vậy là tại mẹ tôi đã lấy đi phần con trai của bà. Như sợ mất thế lực với mẹ tôi nên sự ghen tuông càng tăng lên, bà cả bảo với bố tôi là một mình bà đẻ đủ rồi, lấy mẹ tôi về là để làm lụng chứ không phải để đẻ nên bà nghĩ cần phải loại trừ mẹ tôi ra khỏi nhà cho bằng được. Trời mùa Đông gía lạnh mà bà cả nhẩy xuống ao đòi tự tử. Bố tôi sống trong cảnh ghen tuông thì mệt quá, đáng lẽ làm như ông nội tôi tức là đưa bà hai ra ở riêng một nơi thì bố tôi lại không làm thế… Mẹ tôi sau khi sanh ra tôi vì không trưng diện, ăn mặc xuề xoà nên sắc đẹp không đủ để lôi cuốn bố tôi. Bố tôi một phần vì mệt với sự ghen tuông, một phần vì nhan sắc mẹ tôi không còn như xưa nữa nên ông đã thờ ơ, lạnh nhạt với mẹ tôi, để mặc mẹ tôi muốn làm gì thì làm.
      Mẹ tôi sống trong cảnh ghen tuông của bà cả và sự thờ ơ của chồng nên đã phải ra đi, chịu cảnh bơ vơ trong tay không có một đồng ! Tôi được giữ lại trong nhà để làm em một anh và bốn chị.
     Giai đọan này tôi còn bé nên không biết gì, lại nữa vì thầy bói nói số của bố tôi chỉ có hai con trai nên vai trò “con trai” của tôi đã giúp tôi đỡ khổ. Tôi thực sự khổ từ khi biết nhận thức, tức là lúc 6,7 tuổi trở đi.
     Khi tôi được 5 tuổi thì bà cả sanh thêm được người con trai nữa, thế là thầy bói đã nói sai và vai trò “con trai” của tôi không còn cần thiết, tôi như bị bỏ rơi. Hai người hành hạ tôi nhiều nhất là bà nội và người chị lớn. Bà nội rất mực yêu thương người con trai mới sanh sau này của bà cả. Bà nội yên tâm khi có được người cháu trai phòng hờ để sau này có người cúng giỗ và thờ phượng, chứ một người cháu lớn bà chưa yên tâm…
     Người ta nói đến mẹ, nói đến bà như một kỷ niệm đẹp, nào bà ôm cháu vào lòng, bà kể chuyện cổ tích cho cháu nghe, mẹ thì xoa lưng con, hát ù ơ ru con ngủ v.v.. nhưng tôi lại khác, tôi không có được cái kỷ niệm đó. Bà nội tôi và chị tôi thường hay đánh tôi vào đầu, hai người này thường dùng tay để  “cốc”  tôi. Cốc tức là cong ngược 4 ngón tay lại để chìa ra 4 đốt xương và đập vào đầu. Chỉ những ai đã bị cốc mới biết được cái đau buốt trong đầu, nhất là đầu của một đứa trẻ mới 6,7 tuổi. Tự điển Nguyễn Văn Khôn định nghiã  “cốc” ( knuckle) tức là đánh một vật gì bằng khớp xương của ngón tay, thực ra phải nói “cốc” tức là đánh vào đầu bằng khớp xương của ngón tay mới đúng, chứ nếu đánh vào tay, chân, lưng, bụng thì không đau và cũng không ai nói “cốc” vào lưng, vào bụng bao giờ.  Không những chỉ đánh mà còn chửi, mang tên mẹ tôi ra để chửi, gọi mẹ tôi là con này, con nọ, mang cả tên ông ngoại tôi ra chửi, gọi tôi là “ giống thằng cả Thiều ”  tức là tên ông ngoại tôi. Chị tôi có nét mặt thật ác, bố tôi bảo những đứa mà mắt nó có ve là ác lắm, tôi cũng không biết mắt có ve là mắt thế nào, chỉ nghe bố tôi nói vậy. Nhưng trái ngược với chị tôi, bà nội tôi ai cũng khen là bà cụ đẹp lão và phúc hậu, tóc bà bạc trắng hết cả đầu. Mỗi khi tôi thấy có người khen dù còn bé nhưng tôi cũng lấy làm ngạc nhiên, bà nội ác với tôi như thế mà họ khen bà phúc hậu kể cũng lạ. Ngày nay tôi mới hiểu ra là sở dĩ bà nội ghét tôi là để lấy lòng bà cả. Bà nội tưởng bà cả ghét mẹ tôi tức là ghét tôi nên bà nội muốn mọi người thấy rằng nay bà nội đứng về phía  bà cả và những người con bà cả. Ngoài tôi ra, bà nội chưa hề đánh hay chửi một người cháu nào bao giờ. Việc đánh chửi tôi nhiều quá đã khuấy động lương tâm bà cả. Chính bà cả đã than với nhiều người mà tôi nghe được  “Ngày xưa mẹ nó ở nhà thì bà bênh vực mẹ nó, về phe với mẹ nó, nay mẹ nó đi rồi sao bà lại ghét nó quá vậy !”.  Bà cả chỉ ghen với mẹ tôi nhưng tốt với tôi và cũng rất thương tôi, có lẽ bà tội nghiệp tôi, tội nghiệp cho một đứa trẻ cô thế. Tôi không hề oán trách bà về chuyện ghen tuông với mẹ tôi vì tôi hiểu đó chỉ là sự thường tình giữa hai người đàn bà có chung một chồng. Tôi vẫn thầm cám ơn bà đã không đối xử tệ với tôi như những người mẹ ghẻ khác. Trước khi chết bà còn căn dặn người chị kế tôi là lúc nào cũng phải nóí tôi là con trai của bà. Chỉ nói có thế rồi bà nhắm mắt. Có thể trong những giờ phút cuối cùng của cuộc đời bà đã có sự ân hận. Ngày nay tôi vẫn thờ cúng bà như mẹ ruột của tôi đúng như bà đã mong muốn.   
     Nỗi khổ thứ hai của tôi là bị chế diễu, trêu chọc bởi những đứa cùng lớp, cùng tuổi. Chúng gọi tôi là  “ thằng không có mẹ ”. Tôi rất xấu hổ khi có người biết tôi không có mẹ, biết tôi là con người vợ thứ hai của bố tôi. Đã thế tôi còn bị đặt tên là  “Thứ” (là con người vợ thứ) để khỏi lẫn với con người vợ cả. Cũng vì sợ có người biết và chế nhạo nên mỗi lần gặp mẹ là tôi sợ run lên. Nhưng mẹ tôi không biết tôi sợ nên bà hay đón tôi lúc tan trường. Mẹ tôi thường mặc áo nâu, yếm màu đỏ nhạt, trên đầu chít khăn mỏ quạ, miệng cười rất tươi mỗi khi gặp tôi. Mẹ tôi từ khi bỏ nhà ra đi , bà buôn bán hàng xén, gánh những đồ lặt vặt ra chợ bán như cái kim, sợi chỉ để sống qua ngày. Tôi không biết rõ mẹ ở đâu, hình như vừa ở nhà ông ngoại, vừa ở nhà họ hàng hay bạn bè gì đó. Tôi sợ bị chế diễu nên tuyệt đối không dám nghĩ tới mẹ và cũng không dám nói chuyện với ai về mẹ. Mỗi khi đi học về gặp mẹ là tôi chạy trốn để khỏi phải ở bên bà. Tôi chưa kịp trông thấy mẹ thì mấy đứa trẻ cùng lớp đã gọi  “Thứ kìa, bu của Thứ kìa !”  thế là tôi lại phải một phen sợ hãi.  Có lần đi ngược chiều với mẹ, tôi không thể chạy thoát được. Mẹ tôi nắm tay tôi và nói: “Thứ lại đây vơí bu, con của bu ngoan, bu thương con…”   Tôi giật tay ra khỏi mẹ và hét:  “Bỏ tay người ta ra, bỏ ra ! bỏ ra !”  rồi tôi vụt chạy. Cũng có lần mẹ  nắm được tay tôi lâu hơn và bỏ tiền vào túi tôi. Hôm ấy về nhà, bị bà chị lớn vặn hỏi, tôi sợ quá vất tiền vào gầm giường và thầm trách sao mẹ tôi lại cho tiền để tôi bị mắng. Tuy sợ hãi như vậy nhưng tôi lúc nào cũng mong mẹ tôi về với tôi, để tôi có mẹ ở bên như những đứa trẻ khác, tôi sẽ không bị mấy đứa trẻ chê cười là  “thằng không có mẹ” nữa. Sự khao khát có mẹ không phải chỉ trong lúc còn bé mà ngay cả khi tôi trưởng thành. Tôi  nhớ lúc đã là sinh viên ban Cao học,  tôi quen một cô nữ sinh Trưng Vương, tôi với nàng tình cảm chưa có gì đậm đà nhưng tôi quý bà mẹ của nàng, bà rất dịu dàng, ôn tồn, bà bảo tôi: “ cháu uống ly nước chanh cho mát ”, “ cháu uống ly nước trà cho ấm ” mỗi khi trời trở lạnh  hoặc “ cháu đợi một lát em ra bây giờ … ”.  Bà ngồi bên tôi, nụ cười của bà thật hiền hậu, bà hỏi han tôi những câu chân tình mà trong đời tôi chưa bao giờ có ai hỏi tôi như vậy. Mỗi lần đến chơi tôi mong được gặp bà, được nói chuyện với bà hơn là gặp người con gái út của bà. Ngày nay mỗi khi tôi nghe ai nói đến mẹ hiền là tôi liên tưởng tới bà.  Tôi cũng hay đi chơi với  người con trai thứ hai của cô tôi.  Cô tôi thương con trai rất mực, mỗi khi bọn tôi đi chơi về khuya cô tôi nhẹ nhàng trách con  “ Sao con đi chơi về khuya quá vậy? ”  hoặc “ Con nhớ về sớm không rồi lại ho ”.  Con trai cô muốn được tự do, không muốn bị gò bó, nhưng ngược lại tôi thèm có được người mẹ săn sóc như vậy mà tôi không có.  Tôi đã đọc  nhiều lần cuốn Bông Hồng Cài Áo.  Mỗi lần đọc càng khiến tôi thêm buồn, thêm tủi cho một người con có mẹ mà không được ở bên, có mẹ mà không dám nhận mẹ mình là mẹ.    
     Tôi sống trong sự khiếp sợ mọi người trong gia đình. Bản năng tự vệ của một đứa trẻ trong tôi thúc đẩy tôi phải thật ngoan, thật lễ phép cho bớt bị hành hạ. Tôi nghĩ rất đơn giản là mẹ tôi bị mọi người trong nhà ghét, tôi cần phải từ khước mẹ thì tôi mới là đứa trẻ ngoan, đứa trẻ có hiếu trong gia đình.   Nhưng mấy người thợ làm cho nhà tôi, họ không biết lại chửi tôi là đứa con bất hiếu, tệ bac, không nhìn nhận mẹ đẻ ra mình. Lúc đó tôi không hiểu và lấy làm lạ tại sao tôi là đứa trẻ ngoan ngoãn, không bao giờ dám cãi lại ai trong gia đình mà họ lại chửi tôi là đứa con bất hiếu. Tôi nghe người nhà nói mẹ tôi tranh để làm vợ cả không được nên bỏ nhà ra đi. Như vậy là mẹ tôi bỏ tôi, chứ tôi đâu có bỏ mẹ, còn tôi đến gần mẹ thì bị chế diễu, chê cười và nhất là sợ người nhà, tôi đâu có làm gì khác hơn được…  Sự ngoan ngoãn, sợ sệt của tôi chỉ được lòng bà cả và người anh lớn, còn đối với bà nội và người chị thì không lay chuyển được. Có lần chị lớn đánh tôi đau quá cũng động lòng bố tôi. Bố tôi không có một sự ngăn cản nào nhưng rủ tôi ra ngoài ruộng xem mấy người nông dân gặt lúa cho nhà tôi. Gió đồng thổi nhẹ làm lay động những bông lúa vàng tạo nên âm thanh êm dịu và bay lên mùi thơm của lúa mới. Tôi cảm thấy thật thoải mái, tôi chạy nhẩy tung tăng đi bắt những con cào cào, châu chấu và đã quên đi cái đau do chị tôi đánh lúc ban trưa. Nhưng tối về tôi bị người chị chửi một trận: “ Chỉ có một mình bố bênh mày, còn mọi người ghét mày, bố không làm gì được đâu ! ”. Gần đây tôi có đọc một truyện ngắn của một tác giả vô danh, đại ý câu chuyện nói về tâm sự của một người con có mẹ mù một mắt. Đứa trẻ bị bạn bè chế nhạo và gọi là  “ cái thằng có mẹ một mắt ”  nên rất xấu hổ khi đi với mẹ, không muốn ai biết về mẹ mình, không dám nhận mẹ mình là mẹ. Tôi hiểu được tâm trạng của tác giả lúc đó, tâm trạng của một đứa trẻ như tôi, nhưng tôi không hiểu được  khi tác giả của câu chuyện này lúc đã trưởng thành, đã có vợ con, mẹ từ nơi xa sang tận Singapore để thăm mà còn sợ bị vợ con chê cười để xua đuổi mẹ vì mẹ có một mắt. Điểm cảm động nhất của câu chuyện là sở dĩ mẹ có một mắt vì lúc còn nhỏ con bị tai nạn và hỏng một bên mắt người mẹ đã hy sinh để bác sĩ lấy mắt mình thay cho con nên mẹ chỉ còn một mắt. Khi người con biết được việc này thì mẹ đã chết…  Đọc xong chuyện tôi thấy bàng hoàng và gần gũi với tác giả. Nhưng tôi cầu mong đây không phải là chuyện thật, nếu có thật thì chỉ thật ở phần trên chứ không thể thật ở phần dưới, tức là phần người con đã trưởng thành, đã có đầy đủ lý trí mà còn trốn chạy mẹ, hất hủi mẹ thì không chấp nhận  được.   
     Cuộc di cư năm 1954 xẩy ra, bố tôi vào Nam,  tôi được cho đi theo để sau này săn sóc bố. Gia đình tôi ở miền quê, một vùng trước kia đã từng là nơi kháng chiến nên sự ra đi rất khó khăn, phải đi thành từng nhóm nhỏ. Bố tôi đi trước, tôi đi sau và giữ khoảng cách khá xa để không ai biết. Tôi phải gỉa làm đứa trẻ đi câu, chân đi đất, quần xắn đến đầu gối và đi tắt qua những cánh đồng lúa. Hai bố con đi bộ từ sáng sớm đến tối và nằm ở dưới thuyền bến đò Khuể chờ gần nửa đêm người lái đò mới dám chở sang đất Kiến An.  Sang được Kiến An rồi bố con tôi không biết ở đâu cho hết đêm. Ban đầu chúng tôi định ngồi ở gốc cây đa bên đường đợi sáng về sau nghĩ lại thấy tình trạng an ninh có vẻ nguy hiểm nếu ngồi đó nên đã cố gắng đi tìm một nơi khác trú ngụ cho an toàn hơn. Sao may đi được chừng nửa giờ thì gặp một ngôi chùa.  Chúng tôi vào xin tạm trú, mới đầu sư bà rất ngại vì là chùa nữ và đã quá khuya nhưng lòng từ bi đối với khách lỡ độ đường nên đã thuận cho chúng tôi ở tạm nơi gác chuông bên ngoài chứ không cho vào trong chùa. Sư bà sai người mang nước uống và cho mượn chăn đắp.  Tôi nghe tiếng cầu kinh và tiếng gõ mõ nho nhỏ biết là sư bà đã thức suốt đêm hôm đó như để cầu nguyện và canh chừng khách lạ. Sáng sớm hôm sau bố con tôi cám ơn sư bà rồi đáp xe đò đi Hải Phòng và ở trại tạm trú Lạch Chay, nơi đây cũng có rất nhiều gia đình trú ngụ để đợi chuyến tàu vào Nam. Khoảng hơn một tuần lễ hai bố con tôi xuống được tàu vào Sài Gòn.  Giai đoạn này thật là đen tối vì gia đình tôi ra đi với hai bàn tay trắng, mọi tài sản phải bỏ lại hết. Người chị lớn và bà nội bị kẹt lại ngoài Bắc không vào Nam được. Tôi được người cô, chị ruột của bố tôi ở Sài Gòn nuôi hai năm cho đi học. Cũng tại đây, cô tôi đã cho tôi biết sự thật về mẹ tôi, khác hẳn với những tin tức trước kia mà gia đình nói sai về bà.
     Tôi ý thức được và đã ngẩng đầu lên nhìn nhận mẹ đẻ ra mình chứ không như trước nữa, nhưng không có cách nào để gặp mẹ.  Khi tôi vào Nam rồi mẹ tôi vì nhớ con, đã đi khắp nơi dò hỏi, mãi sau mới biết được địa chỉ của tôi tại Saì Gòn do con trai lớn của cô tôi ở lại Hà Nội cung cấp nên đã viết bưu thiếp cho tôi. Bưu thiếp là một miếng bìa cứng to bằng nửa trang giấy học trò theo điều kiện của Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến chứ không được viết thư có phong bì dán kín để cho hai bên dễ kiểm soát. Đại ý mẹ tôi hỏi thăm tôi và mong tôi học giỏi, khỏe mạnh v. v. . Tôi rất cảm động về tấm lòng rộng lượng của mẹ vì đã nhiều lần tôi chạy trốn mà mẹ không bỏ rơi tôi, vẫn tìm tôi và vẫn muốn đến gần tôi. Lòng mẹ thật bao la như người ta đã nói.  Tôi viết hồi âm cho mẹ, lần đầu tiên tôi được gọi mẹ tôi là mẹ, xưng con, và an ủi mẹ tôi là vì chế độ phong kiến, lạc hậu nên hai mẹ con phải xa nhau và hứa với mẹ là sẽ chăm học rồi ký tên: “ Thứ, con trai của mẹ bên này vĩ tuyến”.  Viết xong nước mắt tôi tự nhiên chảy ra, nếu có mẹ ở bên chắc tôi đã gục đầu vào lòng mẹ để khóc thật to cho vơi đi nỗi buồn bao năm tôi phải ôm giữ. Sau này tôi được biết khi nhận được tin, mẹ tôi mừng lắm và mang tờ bưu thiếp đi khoe với mọi người là tôi không còn trốn chạy mẹ tôi. Mẹ con tôi đã nhận nhau, hiểu nhau và thương nhau tuy không còn cơ hội gần nhau nữa…
     Cuộc chiến mỗi ngày một khốc liệt, thư từ Nam-Bắc bị gián đoạn, tôi không sao liên lạc được với mẹ tôi thêm một lần nào nữa kể từ đấy.                                                   
     Rồi vận nước nổi trôi, tôi sang được Hoa Kỳ. Sau một thời gian đời sống nơi đây đã tạm ổn định, đường bưu điện giữa hai quốc gia Mỹ và Việt Nam được thiết lập, tôi cố gắng liên lạc về  Sài Gòn để nhờ tìm mẹ. Tiếc thay, tôi được tin mẹ tôi đã qua đời từ lâu tại vùng quê xứ Bắc. Mẹ tôi chết trong cô đơn, mang theo  xuống huyệt lạnh tất cả nỗi buồn khổ của một người đàn bà không chồng, không con bên cạnh…
     Hôm nay là ngày giỗ mẹ,  tôi viết những dòng này là tâm sự của một người con suốt đời không có mẹ ở bên và thành kính dâng lên hương hồn mẹ như một nén nhang thắp muộn.
     Cám ơn mẹ đã gửi bưu thiếp cho con để trong đời con được một lần gọi “ Mẹ ”...








 XUÂN VỀ TRONG MÙA HẠ

         Hoàng Nguyên Linh




Tôi gặp chàng trong kỳ thi viết cuối năm thứ hai của trường Luật. Thời gian tôi học,  trường Luật có rất nhiều sinh viên, hình như đông sinh viên nhất trong mấy phân khoa của Viện Đại Học Sài Gòn. Cũng vì vậy kỳ thi của năm thứ nhất và thứ hai được chia ra làm nhiều nhóm nhỏ và khác ngày nhau để có chỗ cho sinh viên thi.

     Chàng coi thi phòng tôi và chàng đã để ý đến tôi ngay từ đầu giờ. Tôi vì bận làm bài nên không chú ý mấy, tuy mỗi lần nhìn lên tôi lại bắt gặp đôi mắt chàng. Chàng ngồi bàn giáo sư, nhưng thỉnh thoảng đi lại trong lớp và đến bên tôi vài lần. Tôi thoáng có ý trong đầu là sao chàng còn trẻ thế mà đã là giáo sư Luật. Tôi chưa thấy chàng bao giờ và chàng dạy môn gì tôi cũng không biết. Đa số các giáo sư nổi danh trong trường đều dạy năm thứ nhất và thứ hai. Kinh tế là giáo sư  Vũ Quốc Thúc, Dân luật giáo sư Vũ Văn Mẫu, Quốc tế Công Pháp giáo sư Vũ quốc Thông … Hay chàng dạy năm thứ 3, thứ 4 ? Tôi vội xua đuổi những ý nghĩ này rồi tiếp tục làm bài cho đến hết giờ…
Tôi ra sau cùng và chàng đợi tôi ở cửa lớp. Tôi cúi đầu và mỉm cười chào chàng. Chàng cũng cười lại với tôi và hỏi:
- Sao Thu có làm kịp bài thi không?
Chàng đã nhớ tên tôi và gọi tên tôi rất tự nhiên. Tôi trả lời:            
- Thưa thầy làm kịp nhưng không được vừa ý.                                 
Chàng vội xua tay:
- Tôi không phải là giáo sư trường Luật. Tôi là giáo sư Trung học được bộ Quốc Gia Giáo Dục biệt phái về coi thi. Đông sinh viên quá, trường Luật không có đủ giám thị. Đừng gọi tôi là thầy nữa, tôi chỉ là thầy của các em học sinh Trung học thôi.
Tôi nhún vai:
- Thế gọi bằng gì ạ ?
- Thu gọi thế nào đúng ý của Thu và đúng ý của tôi thì gọi.
Tôi tinh nghịch:
- Bằng …“ông”. Được không ạ ?
Chàng cười:                
- Vậy là không đúng ý tôi và chắc Thu cũng không có ý đó.
Tôi cười đồng lõa:
- Anh đoán tài thật. Thôi xin phép cho Thu về.
Chàng vội hỏi:
- Hôm nào có thể tới thăm Thu được không?
- Không được đâu. Bố Thu khó lắm.
Chàng có vẻ không tin và nói:
- Cứ để tôi gặp. Các bác gặp tôi không ai còn khó nữa đâu .
Nghe chàng nói tôi thấy có vẻ cũng đúng vì vẻ mặt chàng rất đàng hoàng, chững chạc, người cao lớn, dáng dấp lịch sự, trí thức… Nhưng tôi chưa hẹn ai đến nhà bao giờ nên rất sợ bố, cuối cùng tôi phải đưa địa chỉ nhà anh tôi cho chàng. Chàng cũng đưa tôi tấm danh thiếp có tên và địa chỉ của chàng. Tôi cầm lấy rồi chào chàng ra về. Mấy hôm sau chàng đến nhà anh Khải tìm tôi. Anh tôi đi lính hải quân, ở nhà chỉ có chị dâu tôi. Chị dâu tôi tiếp chuyện chàng rất vui vẻ và hình như cũng thích nói chuyện với chàng. Chị dâu cũng cho chàng biết sự thật là bố tôi rất nghiêm khắc, các con ai cũng sợ ông cụ, còn Thu vì sợ bố nên không dám quen người con trai nào. Tuy là chị dâu nhưng cùng tuổi nên chị dâu với tôi coi nhau như bạn và hay tâm tình với nhau. Ở Việt Nam thời đó không có điện thoại nhà nên rất khó, tôi không biết lúc nào chàng tới thăm, có lúc chàng mới đi thì tôi tới, hoặc có khi tôi vừa rời nhà thì chàng đến thăm. Tôi chỉ gặp chàng có một lần và chị dâu đã tế nhị ra ngoài cho chúng tôi được tự do nói chuyện. Chàng tới nói chuyện với chị dâu tôi thêm vài lần nữa rồi như thấy bất tiện vì trong nhà chỉ có chị với chàng nên chàng bảo với chị tôi:
- Có lẽ đến nhiều lần làm mất thì giờ chị. Cám ơn chị và xin phép từ nay …
Chị dâu tôi đỡ lời chàng:
- Chỉ sợ mất thì giờ của anh thôi chứ tôi ở nhà có một mình, anh tới nói chuyện là vui rồi.
Như chợt nhớ ra, chị dâu tôi bảo chàng:
- Còn hai ngày nữa Thu dọn sang nhà mới bên Thị Nghè. Ông bà cụ đang ở nhà mới, chỉ có Thu ở lại coi nhà, anh tới đó chơi với Thu đi.
Rồi chị tôi đưa địa chỉ cho chàng.       
Hôm sau tôi mới ăn sáng xong thì chàng đến. Tôi giật mình không hiểu sao chàng biết tôi ở đây mà đến, chị dâu chưa kịp báo tin cho tôi biết. Chàng tới quá bất ngờ tôi chưa sửa soạn gì cả, hãy còn mặc nguyên đồ bộ mùa hè thật mỏng không mặc áo lót bên trong. Tôi mất tự nhiên, chàng đã nhìn rõ bộ ngực no tròn của tôi sau làn vải. Chị dâu vẫn khen tôi có bộ ngực đẹp và còn nói đùa là nếu anh chàng nào mà thấy chắc chết luôn. Tôi vì quá bất ngờ nên cũng phải mời chàng ngồi rồi đi lấy nước. Chàng nhìn theo tôi và hình như cũng mất bình tĩnh, hồi hộp. Tôi có cảm tưởng như chàng muốn ôm choàng lấy tôi. Tôi mời chàng uống nước rồi ngồi xuống ghế và ôm chặt cái gối che ngực, dù biết tôi có che thì chàng cũng thấy hết rồi. Nếu như ngày nay thì tôi đã bình tĩnh mời chàng ngồi rồi xin phép vào trong nhà thay áo, nhưng hồi đó tôi luống cuống không biết gì. Ngồi nói chuyện một lúc cả tôi và chàng trở lại bình thường và nói chuyện vui vẻ cho đến trưa, từ chuyện gia đình, chuyện dạy học và cả những chuyện lúc chàng còn là sinh viên đi biểu tình tranh đấu. Tôi nói với chàng là ngày mai là ngày cuối tôi ở đây. Chàng hỏi địa chỉ nhà mới tôi sợ bố nên không cho, chàng rủ đi ăn phở Quyền ở đường Chi Lăng Phú Nhuận ngay gần nhà nhưng tôi vẫn sợ bố nên không dám nhận lời. Thế rồi chàng ra về và không tỏ vẻ gì tức giận tôi, có lẽ chàng đã hiểu vì bố tôi khó chứ không phải tại tôi kiêu ngạo làm cao.
Thời gian thật lâu tôi không gặp chàng. Tôi mong cho chóng đến ngày thi để chàng về coi thi và tôi được gặp lại. Tôi cố gắng học để không bị rớt như lần trước và khoe chàng, nhưng ngày thi tới tôi không thấy chàng đến coi thi nữa. Tôi như mất mát một cái gì. Tôi đậu thi viết nhưng thi vấn đáp nhiều bài quá tôi học không kịp. Thi vấn đáp ở trường luật khó hơn thi viết vì có nhiều môn. Tôi muốn được thi vấn đáp khóa hai để có thì giờ học bài và tôi chợt nhớ đến chàng. Tôi hy vọng chàng sẽ giúp tôi. Tôi nghĩ chàng về coi thi chắc thế nào cũng quen với Khoa Trưởng nên tôi đành liều đến tìm chàng. Tôi tự nhủ là tôi đến nhà chàng để nhờ giúp chứ không phải đến vì nhớ chàng, cho bớt ngượng. Thực ra động lực đến vì nhớ chàng có lẽ mạnh hơn. Tôi xin phép và được bố đồng ý. Tôi hồi hộp nhưng vẫn phải ra đi. Tôi tới nhà không gặp chàng nhưng gặp cậu em. Tôi viết để lại lời nhắn: “ Thu muốn gặp anh. Có việc cần nhờ anh giúp… ”.  Rồi ghi địa chỉ của tôi kèm theo, nhờ cậu em đưa lại cho chàng.
Hôm sau chàng tới nhà và gặp bố tôi. Tôi sợ quá vì đây là lần đầu tiên có bạn trai tới nhà. Lấy nước cho chàng và bố rồi tôi lui vào trong nghe ngóng. Tim tôi đập liên hồi…
Đúng như lời chàng nói với tôi lúc ban đầu. Bố tôi gặp chàng thì ưa ngay. Chàng thích nói chuyện thời sự và chính trị như sở thích của bố. Chàng hỏi bố tôi: “Bác thấy giữa Nga và Tàu thì nước nào đáng sợ hơn? ”. Bố tôi bảo: “ Tàu. Tàu nó gần mình nguy hiểm hơn. Có một phóng viên ngoại quốc cũng hỏi ông Diệm câu đó như cháu và ông Diệm trả lời là Tàu nguy hiểm hơn Nga” . Chàng khôn khéo, luôn đặt câu hỏi cho bố tôi trả lời. Bố  ngay thật nên đã nói hết tư tưởng của mình ra. Bố tôi là nhân viên cũ trong văn phòng bí thư của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm nên thích tìm cách nói đến tên ông Diệm và hết lời ca ngợi ông Diệm, chàng thì ghét ông Diệm. Lúc còn là sinh viên chàng đã đi biểu tình chống độc tài, gia đình trị và đã từng bị bắt xuống Quang Trung nhưng chàng giữ gìn ý tứ không nói ra nên bố không biết.  Bố tôi từ ngày ông Diệm bị lật đổ thì buồn và không muốn làm việc gì nữa. Nay được chàng đến nói chuyện thời sự thì bố thích lắm, muốn nói chuyện mãi nhưng rồi bố cũng hiểu là chàng đến vì tôi chứ không phải vì bố nên bố đứng lên cầm cuốn Nhật Ký Đỗ Thọ đưa chàng mượn và nói: “ Tôi đã xem rồi, cháu không phải vội, lúc nào trả cũng được hoặc giữ luôn cũng không sao. Nếu có ai muốn đọc cháu đưa họ mượn. Cháu xem thì cháu thấy, tội nghiệp ông Diệm lắm …”.  Rồi bố tôi nói: “ Để Thu dẫn cháu ra bờ sông chơi, ngoài đó có nhiều cây đẹp và mát …”. Tôi rất ngạc nhiên, thường ngày bố tôi rất nghiêm khắc thế mà khi gặp chàng bố nói chuyện rất vui vẻ, ra chiều tương đắc và còn cho tôi đi chơi với chàng.
Trên đường ra bờ sông Thị Nghè tôi nói thật với chàng:
- Thu đậu thi viết nhưng vào vấn đáp Thu học không kịp vì bị ốm, nhờ anh xin với giáo sư Khoa trưởng cho Thu được đặc cách thi vấn đáp khóa hai. Anh muốn nói  thế nào tùy anh, miễn sao xin được thì thôi.
Chàng ngần ngại một lát rồi nhận lời:
- Anh cố gắng giúp Thu nhưng không biết có xin được không, anh không dám hứa. Giáo sư Khoa trưởng cũng là thầy anh ngày trước nhưng anh không quen thân.
Tôi đưa giấy tờ cho chàng rồi chúng tôi đi bộ ra bờ sông. Trời đã về chiều. Gió nhẹ thổi, thỉnh thoảng tóc tôi lại bay vào cổ và mặt chàng. Chàng không nói nhiều, hình như có điều gì nghĩ ngợi. Tôi không biết lại tưởng chàng suy nghĩ tìm cách giúp tôi.
Trái hẳn tôi nghĩ, chàng không nắm tay tôi, không vuốt tóc và cũng không ôm vai tôi. Chàng chỉ đi bên cạnh tôi một lúc rồi trở về.  Bố tôi thấy chúng tôi về sớm lại nói: “ Trời còn sớm sao con không ở đấy chơi với anh cho mát…”
Chàng vào trong nhà chào bố tôi. Khi chàng lên chiếc xe Vespa Super ra về, bố tôi như nói một mình “ Con quen với cậu này được ”. Tôi vừa mừng, vừa lo…
Ba hôm sau, chàng đến báo tin Giáo sư Khoa trưởng  đã đồng ý cho tôi thi vấn đáp khóa 2. Chàng đưa giấy chấp nhận của giáo sư Khoa trưởng cho tôi để nộp lên văn phòng nhà trường. Tôi đinh ninh thế nào chàng cũng rủ tôi đi chơi. Lần này, nếu chàng rủ, chắc tôi nhận lời vì vừa để cám ơn chàng vừa được bố chấp thuận.  Nhưng chàng không rủ tôi và chỉ nói chàng có việc bận nên phải về ngay. Chàng nhìn vào đôi mắt tôi và nắm thật chặt tay tôi rồi ra về. Tôi không ngờ đây là cái nắm tay lần cuối, để rồi sẽ chia tay nhau …
Tôi đợi ngày này qua ngày khác không thấy chàng tới, tôi không hiểu tại sao. Trước kia chàng xin tới nhà thì tôi sợ bố nên không cho, nay tôi được bố cho phép thì chàng lại không đến nữa. Bố tôi hình như cũng mong chàng và hỏi tôi: “ Lâu nay Văn có tới nhà chơi không con ? ”. Tôi lí nhí không biết trả lời bố ra sao. Bố tôi từ ngày Văn không tới và thấy tôi buồn nên ông cũng dễ dãi, không còn nghiêm khắc như trước nữa.
Hôm đi với chàng ở bờ sông, cảnh vật thật đẹp. Từng cặp trai gái sánh vai nhau dưới tàn cây bóng mát. Gió thổi nhẹ, đem theo hơi nước vào tận buồng phổi, con tim khiến người ta quên đi cái nóng bức của một ngày dài. Nhưng tôi không thấy chàng vui, chàng như có ý ái ngại nhìn tôi, có vẻ như chàng tội nghiệp tôi hơn là say mê tôi. Tôi nhớ lại hôm chàng đến nhà cũ chỉ có tôi với chàng, gặp tôi trong bộ đồ thật mỏng, chàng như cuồng nhiệt và muốn ôm chầm lấy tôi. Lúc đó tôi hốt hoảng chứ nếu tôi cứ để chàng ôm tôi, hôn tôi thì câu chuyện tôi với chàng đã tiến xa hơn chứ không đứng lại như ngày hôm nay. Tôi tự nhiên thấy tiếc và thèm nét mặt và cử chỉ của chàng hôm ấy. Tôi không còn tự ái nữa và liều đi đến tìm chàng. Tôi sẽ nói thật cho chàng biết là tôi nhớ chàng, tôi yêu chàng và tôi không thể xa chàng được rồi muốn đến đâu thì đến. Trên đường đi đến nhà chàng tim tôi đập liên hồi. Tôi cảm thấy mắc cở vì dường như ngoài đường phố, ai cũng biết ý định đó của tôi. Khi tới nơi không gặp chàng và lại gặp cậu em trai lần trước, không biết cậu em có nhớ tôi không nhưng cậu rất vui vẻ bảo tôi:  “Anh chị em đi Đà Lạt hưởng tuần trăng mật, hai ngày nữa mới về. Chị có cần nhắn gì không ?”. Tôi nghe muốn rụng rời chân tay. Trời đất bỗng tối sầm lại, tôi còn nhắn gì nữa bây giờ. Tôi cố gượng trả lời cậu em : “ Cám ơn em, thôi để khi khác chị tới”. Tôi vội gật đầu chào cậu bé rồi ra về…
Tôi không biết đi đâu bây giờ. Về nhà thì tôi không chịu đựng nổi với nỗi thất vọng này. Tôi bèn đến nhà chị dâu để tâm sự vì chị cũng biết chàng nên dễ nói chuyện hơn.
Tôi vừa đến cửa chị dâu thấy tôi đã lên tiếng:
- Thế nào chuyện của Thu với Văn tới đâu rồi ? Bố có vẻ thích Văn lắm. Ông cụ khó thế mà ông cụ thích là được rồi. Chị mừng cho em.
Tôi muốn nghẹn cổ: “ chị mừng cho em”, em buồn muốn chết mà chị còn mừng cho em. Không thấy tôi trả lời chị dâu nhìn vào hai mắt tôi đang muốn rưng rưng khóc. Chị nắm tay tôi kéo vào trong nhà. Chị hỏi:
- Sao thế, cho chị biết đi ?                                                 
Tôi nghẹn ngào:
- Văn lấy vợ rồi !
Chị dâu cũng ngạc nhiên:
- Lấy vợ lâu chưa ?
- Mới lấy. Đang đi hưởng tuần trăng mật ở Đà Lạt
Rồi tôi kể cho chị nghe câu chuyện từ đầu đến cuối :
- Sau hôm Văn đến lúc em sắp dọn nhà, Văn rủ em đi chơi em từ chối, Văn hỏi địa chỉ nhà mới em cũng không cho vì sợ bố, có lẽ Văn quyết định bỏ em từ hôm đó và chọn người khác vì thấy quen em khó khăn quá.
Chị dâu nghe xong hỏi lại:
- Sau này Văn có đến nhà và gặp bố, bố rất thích chàng và còn cho em và Văn ra bờ sông chơi cơ mà ?
Tôi giải thích thêm cho chị rõ:
- Sở dĩ Văn đến nhà là vì em nhờ, em nhắn anh ấy đến chứ đâu phải tự động anh  đến. Em nghĩ Văn là ngưòi tốt, tuy quết định bỏ em rồi nhưng em nhờ thì anh ấy vẫn giúp, giúp xong rồi thôi chứ không muốn lợi dụng em.
Chị dâu tôi hỏi tiếp:
- Thế hai người ra bờ sông chơi có vui không ?
- Cũng thường thôi chị. Văn ít nói và có vẻ tư lự. Hình như chàng tội nghiệp em. Văn chỉ đi bên chứ không giắt tay em nữa…
Chị dâu đập vai tôi nói :
- Thời buổi chiến tranh này con trai còn lại ở Sài Gòn đắt giá lắm.  Con trai mà như Văn thiếu gì người theo.
Chị dâu tôi tiếp:
- Thu “ bỏ rơi ” anh ấy cả gần năm trời sao người ta đợi được. Anh ấy với Thu lại không có kỷ niệm gì đáng để lưu luyến.
Tôi phân trần với chị:
- Em đâu có  “ bỏ rơi ” anh ấy. Em thích anh ấy ngay từ buổi đầu gặp gỡ và yêu anh ấy nữa nhưng vì sợ bố nên không dám cho đến nhà và cũng không dám đi chơi riêng với nhau thôi.
Chị như muốn dạy tôi:
- Chị với anh Khải đây này, anh ấy đến nhà chơi vài lần chị thấy được là chị nhận lời đi chơi. Phải đi chơi riêng với nhau tình yêu mới nẩy nở, nếu cứ ngồi uống nước và nói chuyện trên trời dưới đất, “ kính nhi viễn chi”  mãi thì làm sao mới mê nhau được.
Rồi chị an ủi tôi:
- Thôi lấy đó làm kinh nghiệm. Đừng bao giờ bỏ lỡ cơ hội. Cơ hội đến mình phải nắm lấy.
Tôi thầm phục chị và nghĩ chị khôn như thế anh tôi mê chị là phải.
Tôi bảo chị :
- Nếu em biết tin anh ấy lấy vợ em đỡ buồn, ở đây em được tin anh ấy đang đi hưởng tuần trăng mật trên Đà Lạt nên càng đau xót hơn …
Như sợ tôi buồn, chị dâu giữ tôi ở lại ăn cơm tối với chị.  Khi tôi ra về phố xá đã lên đèn. Tôi nói cho bố biết là tôi đã ăn cơm ở nhà chị dâu rồi vào trong phòng đóng cửa lại và lên giường nằm.
Căn phòng nóng nực càng khiến cho tôi nhớ đến Đà Lạt, nhớ đến chàng. Tôi miên man nghĩ ngợi. Giờ này chắc chàng đang nằm ôm vợ trong một khách sạn nào đó tại Đà Lạt, xứ thần tiên của những cặp vợ chồng mới cưới nhau.  Càng nghĩ, tôi càng nghẹn ngào. Tôi nghĩ tới vẻ mặt thèm muốn của chàng hôm đến nhà chỉ có tôi với chàng. Tôi không hiểu được tôi. Tại sao tôi lại cứ nghĩ đến vẻ mặt chàng hôm đó ? Hình như tôi đang ghen với vợ chàng. Tôi ôm ghì lấy gối và nước mắt tôi trào ra …  

                                         *


Thời gian qua đi thật mau, tính đến nay đã gần 30 năm. Từ kinh nghiệm trong quá khứ, tôi không quá nghiêm khắc để con gái tôi phải lo sợ như tôi mỗi khi giao thiệp với bạn trai. Tôi chỉ khuyên nhủ  nhẹ nhàng và kín đáo hướng dẫn con.
Tôi rất vui mừng là con gái tôi đã tự chọn được người đúng như ý cháu và đúng như ý bố mẹ.
Bây giờ là mùa Hạ nhưng sao thấy trong tôi như mùa Xuân lại về. Tôi sửa soạn nhà cửa cả tuần nay để đón vợ chồng Văn đến bàn chuyện đính hôn cho con trai chàng với con gái tôi. Có lẽ Văn sẽ ngạc nhiên lắm khi nhận ra tôi.  Không biết Văn nghĩ sao nhưng tôi tin là chàng cũng vui như tôi vậy.
Có tiếng chuông reo ở cửa, chắc nhà trai đã đến. Tôi hồi hộp như chính chuyện của tôi năm nào…








MÙA XUÂN CON GÁI

Trích trong truyện dài Dấu Thời Gian
của Hoàng Nguyên Linh Xuất bản tại
Sài Gòn năm 1972 (trang 98-104)
Tác Gỉa


Anh Huy,
     Viết thư khó quá, khó gấp mấy lần lên trả bài, không biết nên xưng hô thế nào cho “phải đạo”. Thôi thì theo lời và ý của lá thư mới nhận được,“em” xin trả lời “anh” để khỏi mắc vào tội giả dối, câu nệ với ông thầy mình, nghe anh?
     Nhận được thư anh khiến em phải bối rối, buồn và lo nghĩ nhiều lắm. Bối rối vì không tìm được lối thoát, không biết mình phải làm sao để những ngườì chung quanh được vui, không phải buồn như mình. Em đã khổ và buồn nhiều nhiều nên em hiểu được tất cả những cái đau buốt cuả những kẻ ra đi vì thất bại. Lắm lúc em muốn la hét, đập phá khi đầu óc quá căng thẳng. Ngồi trên xe hơi như hôm anh lái ở Cấp về, tốc lực của xe có lúc lên tới 90 cây số thế mà em vẫn thấy chậm. Gió thổi vù vù mà thần kinh vẫn căng đầy, em chỉ mong sao cho xe lao vào gốc cây hoặc dụng phải chiếc xe nhà binh chạy ngược chiều, để chiếc xe trong đó có anh và em tan tành ra không còn một mảnh !
     Đấy, những ngày qua em đã điên rồ một cách tức cười như thế, nhưng em không hối hận. Bây giờ ngồi nghĩ lại, em chỉ thấy tiếc những ngày đã qua, tiếc mái trường thân yêu, tiếc những kỷ niệm thời đi học bên các bạn bè, tiếc những giờ học trong lớp với những bài hình học khó làm sao! Tuổi học trò không bao giờ tìm lại được nữa anh Huy nhỉ ? Mặc dầu những ngày qua là những ngày em đau khổ và thất bại. Nhưng có những kỷ niệm, dù là kỷ niệm đau buồn để lúc này ngồi nhớ lại còn hơn là sống không kỷ niệm, sống một cách êm đềm từ bé đến lớn phải không anh ?Chỉ tiếc rằng giá ngày đó có lá thư của anh như lúc này, cuộc đời em có lẽ được đầy đủ. Nhưng nói vậy thôi anh, chứ sự ham muốn của con người ta chẳng bao giờ ngừng, được cái này lại muốn thêm cái khác nữa. Em lúc đó muốn đọc thư anh, nhưng nếu có thư biết đâu em lại chẳng ước muốn được anh yêu, muốn anh là hoàn toàn của em và cứ thế mãi…
     Viết tới đây em chợt nhớ tới một đọan văn trong cuốn “Buddism answers the Marxist Challenge” cuả Francis Story đại ý kể câu chuyện thần thoại ở nước Nga ngày xưa. Một bác thuyền chài bắt được con cá thần. Con cá lạy van xin tha và nói nó là cá thần, nếu được thả ra nó sẽ cho bác thuyền chài bất cứ cái gì bác mong ước. Khi cá được thả ra, người thuyền chài sẽ có một căn nhà đẹp thay thế cho căn nhà lá khi xưa. Lúc trở về quả nhiên hai vợ chồng sung sướng bên nhau trong ngôi nhà đẹp và tưởng rằng họ sẽ tìm được hạnh phúc mà họ đã từng mong muốn nơi thế gian này. Nhưng rồi một hôm bà vợ thấy nhà thì đẹp nhưng thiếu đồ đạc, người chồng lại ra bờ sông xin với cá thần, cá thuận cho, hai vợ chồng lại xin có ngườì thu dọn và lau chùi, xin làm thêm nhà cho rộng, xin vườn cho nhiều, xin thêm tiền … Bất cứ lần nào xin hai vợ chồng kia đều được toại nguyện. Nhưng không hiểu sao một hôm hai vợ chồng đó thấy chán, vì của cải kiếm được dễ quá, họ không phải làm gì cả, họ cảm thấy chẳng có điều gì đáng mong ước nữa. Hai vợ chồng sinh ra cãi nhau, đánh nhau. Những điều mong ước ngày xưa bây giờ trở thành một gánh nặng và muốn trở lại sống cuộc đời nghèo nàn làm nghề chài lưới như xưa. Rồi một hôm người chồng ra bờ sông xin với cá thần một điều ước cuối cùng là xin cá thần lấy lại hết tất cả những gì cá đã cho vì được toại nguyện rồi vẫn không tìm được hạnh phúc. Khi trở về nhà người chồng lại thấy căn nhà lá nghèo nàn khi trước của mình và cũng từ đó hai vợ chồng kia sống hạnh phúc bên nhau.
     Xem tới đây chắc anh lại cười cho em là viễn vông, dài dòng, mang chuyện thần thọai ra kể, nhưng đọc thấy câu chuyện hay hay, nó lại lên hệ đến giữa anh và em lúc này nên kể cho anh nghe.
     Từ ngày bước chân vào trường sư phạm, mặc dầu vẫn còn phải đi học, em cảm thấy mình đã giã từ đèn sách để bước vào đời, em thấy em già đi không còn thích mơ mộng như những năm về trước nữa. Trong thư anh nói: “Anh có lỗi nhiều với em, giờ mong em nghĩ lại. Mọi người trong nhà đều qúy mến Nga và tin rằng với em anh sẽ tìm được hạnh phúc. Em đừng nghĩ tới Ngọc nữa, bây giờ nếu Ngọc đến với anh chưa chắc anh đã yêu Ngoc, không phải anh tìm ra một khuyết điểm nào nơi nàng, nhưng anh cảm thấy không thể gặp được. Người mà anh đặt hy vọng là em, mong em đừng từ chối”…
     Em tin những lời nói cuả anh là đúng và chính em cũng nghĩ thế, nhưng không phải anh có lỗi, không phaỉ em, không phải Ngọc. Lỗi không do ai cả, mà làm gì có lỗi ở những tâm hồn
 thành thực, bày tỏ tất cả những sự thật của lòng mình. Em đuổi theo anh trong khi biết anh say  mê Ngọc, cuối cùng không ai gặp ai cả, nó tạo nên cái vòng lẩn quẩn. Nhưng anh Huy ạ ! Tất cả đều đã muộn, không phải em đã có người yêu hoặc một hoàn cảnh éo le nào. Nhưng hoa nào  mà không tàn, tình nào mà không phai. Nói thế không có nghĩa là giữa Ngọc và anh hoặc em và  anh mọi tình cảm đã chết. Nhưng - lại nhưng- không biết tại sao em cảm thấy không thể gặp lại  anh được. Có phải vì mặc cảm, vì tự ái ? Nếu giờ cứ cố để mà gặp, em tin và tin một càch thành  thật rằng  -xin lỗi anh-  em khó có thể yêu anh mãi., hoặc nếu có cũng giảm sút quá nhiều so với  trước kia sau một lần đổ vỡ. Cũng như anh nói nếu bây giờ Ngọc đến với anh, anh khó có thể yêu lại nàng được, không hiểu tại sao ? Anh tự ái à ? Cũng chưa đúng; anh hết yêu Ngọc rồi, càng không đúng hơn. Con trai anh còn nghĩ vậy huống chi con gái như em, phải vậy không anh ? Nếu muốn mà được thì có khác nào bác thuyền chài trong câu chuyện thần thoại trên kia, làm sao có hạnh phúc anh nhỉ ? Được anh quý mến đã là đủ với em rồi, em không mong gì hơn nữa…
     Trên đây là những lời thành thật nhất tỏ bày cùng anh, mong anh hiểu lòng em và tha tội cho nếu đã phải làm phật ý anh lần cuối. Em chẳng còn mấy ngày nữa thi mãn khóa để rồi bước chân vào đời, giã từ đèn sách, bỏ Sài Gòn lại cho những người con gái cuả mộng, của mơ. Em  ra đi và xin dạy ở một miền thật xa, nơi đó sẽ có núi, có sông, hoặc có biển rộng bao la, rừng xanh bát ngát. Em sẽ tìm lại được quê hương xứ sở miền Bắc mà ngày xưa còn bé, em chưa biết 
quê hương đẹp thế nào, chỉ còn nhớ những hình ảnh mờ ảo trong trí óc …
     Anh Huy thân mến,
     Mới ngày nào còn là đứa học trò thơ dại, thời gian qua mau anh nhỉ ? chúng em sẽ theo anh để lần lượt bước chân vào đời, cũng sẽ làm cái nghề “gõ đầu trẻ” mà anh bảo là chán nản. Em chắc mình sẽ không đỗ thủ khoa để được ở Sài Gòn. Thôi em gửi thành phố này lại cho anh để mang đi theo hành trang là chuỗi những kỷ niệm daì …
     Em cầu Trời Phật độ trì cho anh và tất cả những người thân được vui sống. Còn em phận gái, nhất là thân gái dặm trường, mùa xuân con gái qua mau, thời gian sẽ không đợi chờ con gái, trước sau gì em cũng phải đi lấy chồng và em mong được tin anh lấy vợ trước khi em lên xe hoa, nghe anh ?
     Thư đã dài, trước khi ngừng bút em cầu mong anh được vui mạnh luôn.
                                                   Em
                                    Nguyễn thị Phương Nga     
     








             
TÌNH  MUỘN


 Hoàng Nguyên Linh.

                                                                      

                                                                              

      Nơi tôi dạy ngày trước là một trường nữ trung học nổi tiếng ở Thủ Đô. Thành phần ban giảng huấn đa số là phái nữ, nam giáo sư chỉ có vài vị. Hôm khai giảng năm đó có một nam giáo sư mới đổi về và hiện diện trong cuộc họp đầu tiên của hội đồng giáo sư.  Bà hiệu trưởng giới thiệu  chàng với mọi người. Đôn đứng lên cúi đầu chào. Hội đồng gíao sư vỗ tay mừng đón Đôn. Đôn cúi đầu một lần nữa như để cám ơn tràng vỗ tay của các bạn đồng nghiệp rồi mới ngồi xuống. Đôn ngồi bên tôi. Chàng người nhỏ bé, dáng dấp hiền lành và hơi nhút nhát trước trước các nữ đồng nghiệp. Đôn còn rất trẻ, có thể kém tôi cả mười tuổi, đó là ý nghĩ ban đầu của tôi về chàng. Đôn dạy toán còn tôi dạy môn Việt Văn. Tôi với chàng dạy cùng giờ và những lúc ra chơi Đôn hay đến ngồi bên tôi để nói chuyện. Tôi nghĩ sở dĩ Đôn hay ngồi bên tôi có lẽ vì ngày đầu Đôn đã ngồi bên tôi nên như là một thói quen? Ngày tháng kế tiếp nhau, Đôn vẫn nói chuyện với tôi bình thường nhưng thỉnh thoảng tôi bắt gặp đôi mắt chàng hơi khác lạ. Cái giác quan thứ sáu cho tôi biết là Đôn thích tôi nhưng chàng rất kín đáo theo cái kiểu “yêu trộm nhớ thầm”. Tôi đã lập gia đình và có một con. Có lẽ “gái một con trông mòn con mắt” nên chàng thích nói chuyện với tôi ? Nhưng cả Đôn và tôi không ai nói ra điều gì, vậy mà không hiểu tại sao một số đồng nghiệp đã bàn tán về  Đôn và tôi, có lẽ họ thấy Đôn hay ngồi nói chuyện với tôi chăng? Khi tôi sinh đứa con thứ ba thì Đôn lấy vợ, thế là bao nhiêu đồn đãi, xầm xì Đôn mê tôi được dẹp tắt. Ngày đám cưới của Đôn đa số đồng nghiệp trong trường đều đến dự, nhưng tôi chỉ gửi quà mừng và không tới. Tôi vất vả với 3 đứa con, không đi đâu được, còn chồng tôi từ ngày tôi sanh đứa con thứ hai thì không bao giờ đi chung với tôi nữa. Tôi không muốn nghe người ta hỏi  “Anh đâu hở chị ?”  hoặc “Anh có đi không ?”. Tôi không thích mọi người biết cái thiếu hạnh phúc của tôi… Tôi với chồng tôi luôn khác ý nhau, tôi cố gắng giữ gìn cho gia đình khỏi đổ vỡ và các con tôi khỏi buồn. Rồi tôi sinh đứa con thứ 4, thứ 5 và thứ 6, mỗi đứa chỉ cách nhau chưa đầy 18 tháng. Trong khi đó thì chồng tôi không để ý đến nỗi vất vả của tôi phải chăm sóc 6 đứa con. Chồng tôi hay tìm cách gây gổ với tôi, đôi khi còn dùng thói vũ phu đề đánh tôi nữa. Tôi cố gắng chịu đựng vì thời đó đâu mấy ai ly dị chồng, nhất là nghề “cô giáo” càng không cho phép tôi làm điều đó. Hình như chồng tôi đã có vợ hai và đã có con với người này. Tôi vì quá chán nản nên chẳng cần tìm hiểu và cũng chẳng ghen tuông làm gì, tôi chỉ mong sao cho chóng thoát ra khỏi cảnh này. Rồi một ngày phải đến đã đến, sức chịu đựng của tôi có giới hạn và tôi đã phải đi đến quyết định ly dị chồng. Cái tin tôi ly dị chồng đã làm rung động trường tôi dạy. Tất cả các giáo sư và nhân viên trong trường đều biết chuyện. Họ không hiểu tại sao một cô giáo đã một thời nổi danh là đẹp, có nước da trắng hồng và mịn màng, mái tóc lúc nào cũng óng mượt, đã có 6 mặt con mà còn ly dị chồng. Đa số nhìn tôi không mấy thiện cảm. Họ không hiểu được nỗi khổ của tôi. Họ chỉ nhìn bề ngoài, một nữ giáo sư đẹp, có 6 con chắc là phải có hạnh phúc lắm. Họ nghĩ tôi ly dị chồng là để cặp với một anh chàng nào khác chăng ? Cũng may là Đôn đã lấy vợ nếu không họ sẽ nghi ngờ Đôn với tôi. Tôi rất khổ tâm trước búa rìu của dư luận. Ban đầu tôi cũng buồn lắm, nhưng rồi tôi tự an ủi là tôi sống cho tôi, tôi sống theo lương tâm của tôi, tôi không làm điều gì sai trái với đạo đức. Lấy chồng được hơn 10 năm, tôi đã cố gắng chịu đụng để khỏi mang tiếng xấu, có hại cho thanh danh của tôi, thanh danh của một nữ gíao sư, nhưng tôi không còn con đường nào khác hơn nên đành phải đi đến quyết định ly dị chồng.

     Từ khi ly dị, chồng tôi không ngó ngàng gì tới các con. Tòa án chỉ ra lệnh trừ một phần lương của chồng để chu cấp cho các con. Đời sống kinh tế thật vất vả. Tôi phải xin đi làm thêm việc thứ hai. Nhờ có kiến thức ngoại ngữ nên tôi xin được việc làm bán thời gian cho môt hãng thầu ngoại quốc. Các giờ dạy của tôi được xếp vào buổi sáng nên nguyên buổi chiều tôi đã đi làm thêm và mướn người trông coi các con và chợ búa, cơm nước, tối về tôi kèm các con học bài. Tôi sống trong cô đơn nhưng được tự do và từ nay không bị người chồng quấy rầy nữa.  Cuộc sống của tôi cứ thế trôi đi, các con tôi khôn lớn dần và học hành rất chăm chỉ. Họ hàng rồi đến bạn bè bắt đầu nể nang tôi và khâm phục tôi là người đảm đang. Thời gian này tôi ít gặp Đôn vì tôi với chàng dạy khác giờ nhau và mỗi người có một cuộc sống riêng…

     Biến cố tháng Tư năm 1975 xẩy ra, bẩy mẹ con tôi được hãng thầu Mỹ cho đi định cư tại Hoa Kỳ. Chính người xếp chở chúng tôi vào phi trường Tân Sơn Nhất rồi đưa lên máy bay C130 cùng với một số đồng bào Việt Nam khác. Máy bay tới thẳng đảo Guam ở Thái Bình Dương, hai tuần lễ sau mấy mẹ con tôi tới trại Fort Chaffee thuộc tiểu bang Arkansas miền trung nước Mỹ. Fort Chaffee là một căn cứ cũ của quân đội Mỹ cũng giống như trại Campleton ở California do chính phủ Mỹ dùng cho những người tỵ nạn tạm trú. Chúng tôi ở trại Fort Chaffee hơn một tháng thì được nhà thờ Peace Lutheran Church ở St. Louis thuộc tiểu bang Missouri bảo trợ. Hội viên nhà thờ luân phiên nhau săn sóc gia đình tôi. Họ đưa tôi đi chợ, đưa các con tôi đi học. Tôi được hội thiện nguyện Lutheran tìm cho một việc làm rất thích hợp với khả năng tôi đó là chương trình giới thiệu văn hoá Á Đông cho học sinh bản xứ. Đầu tiên tôi chỉ cho học trò cách viết của người Việt Nam và người Trung Hoa. Nét đặc biệt của chữ Việt là các dấu sắc, huyền, hỏi, ngã , nặng. Các dấu này mà thay đổi thì ý hoàn toàn khác. Tôi viết lên bảng năm chữ : HAY TRONG CAY VAO CHUA rồi thay đổi các dấu, câu này sẽ trở thành “ Hãy trông cậy vào Chúa”  hoặc “ hãy trồng cây vào chùa”, chữ VO DE sẽ trở thành “vợ đẻ” hay “vỡ đê” vân vân. Về chữ Tàu cũng vậy. Người Tàu hay dùng lối tượng hình để tạo nên chữ viết. Từ hình mặt trời người Tàu có chữ “Nhật”, từ chữ “nhật” thêm đám mây bay qua sẽ thành chữ “Nguyệt”, cao hơn “Đại”(lớn) là “Thiên” (trời). Hình hai cánh cửa là chữ “Môn” (cửa), để chữ “Thị” (chợ) vào chữ “môn” thành chữ “Náo” (ồn ào), để chữ “Nguyệt” (mặt trăng) vào chữ “môn” thành chữ “Nhàn” (nhàn hạ). Tôi liên tưởng tới câu thơ của cụ Nguyễn công Trứ “ Thị tại môn tiền náo, Nguyệt lai môn hạ nhàn” (chợ ở trước cửa thì ồn ào, mặt trăng đến trước cửa thì nhàn hạ), nhưng tôi chỉ nghĩ và mơ hồ về ngày xưa trong những giờ dạy Việt Văn chứ không dám nói nhiều sợ học trò không hiểu. Tôi nghĩ đến ngôi trường tôi dạy, nhớ đến bạn cũ, trường xưa, nhớ đến đám học sinh với áo dài trắng, tóc thề xõa bên vai:

“ Chừ em tóc xoã  bờ vai

Nghiêng nghiêng vành nón chờ ai cổng trường

Gặp em hồn bỗng vấn vương

Thấy em như thấy tình thương thuở nào

Mới nhìn lòng đã xôn xao

Bâng khuâng chưa  biết làm sao bây giờ

Nghe đâu tiếng hát vu vơ:

“Cho tôi gửi một bài thơ yêu nàng”

Nhưng rồi không dám bước sang

Ngày ngày đứng đợi xem nàng cười duyên”…


     Mấy câu thơ tôi đã đọc trong một tạp chí nào đó bây giờ tôi vẫn còn nhớ. Người ta thích các em, người ta mê các em là phải. Các em học sinh của tôi, không bao giờ tôi quên được hình ảnh các em. Các em bay lượn như bướm, lứu lo như chim. Tôi nay phiêu bạt ở phương trời này, tên  các em, nét mặt dễ thương của các em như Mặc Lan, Ngọc Lan, Ngọc Hà, Ngọc Huệ, Ngọc Duyên, Kim Oanh, Kim Anh, Tuyết Tường… tôi vẫn còn nhớ.  Nay tôi đứng ở đây, cũng bảng đen, phấn trắng nhưng thấy xa lạ làm sao. Tôi khẽ thở dài rồi cố gắng quay về với hiện tại… Các lớp tôi dạy, học sinh đều thích thú và nhà trưởng rất toại nguyện về việc làm của tôi nhưng công việc này chỉ có tính cách tạm thời và được ký từng năm một, không có bảo hiểm sức khỏe nên ông hiệu trưởng đề nghị tôi thi lấy bằng hành nghề giáo viên và ông đã hướng dẫn tôi.  Ba năm sau tôi trở thành giáo viên chính thức của School District tại St. Louis và hội nhập với đời sống mới. Lâu dần tôi cũng cảm thấy mến trường, mến bạn và thương yêu đám học trò và cũng có những học trò đến thăm tôi, thư từ cho tôi, gửi những thiệp Giáng Sinh, thiệp sinh nhật cho tôi. Trong khi đó các con tôi lần lượt tốt nghiệp đại học, đi làm và ra ở riêng. Hơn 25 năm sau tôi xin về hưu trí. Những giờ rảnh rỗi tôi tham gia làm những việc từ thiện trong nhà thờ như giúp họ điền những giấy tờ, hướng dẫn cách khai thuế cá nhân hoặc đưa đón những người không có phương tiện di chuyển. Tôi cũng bắt đầu liên lạc với hội cựu giáo sư và học sinh nơi trước kia tôi đã dạy ở Việt Nam. Các học trò cũ của tôi hàng năm vẫn tổ chức những cuộc họp mặt bạn bè và mời thầy cô tham dự. Tôi được Măc Lan, học trò cũ khẩn khoản mời về chơi. Mặc Lan giữ kín không cho biết những ai tham dự và chỉ nói đông lắm, cô đến cô sẽ thấy và Mặc Lan hẹn sẽ đón tôi ở phi trường LAX khi tôi về đến nơi. Ngày ra đi tôi hồi hộp gặp lại bạn bè và học trò. Tôi ra khỏi máy bay và đi qua chỗ thân nhân đứng đợi nhưng không thấy ai đón tôi. Tôi nghĩ có lẽ Mặc Lan bị kẹt xe nên đến trễ. Tôi định đi thẳng đến chỗ lấy hành lý rồi mới gọi điện thoại, bất ngờ tôi gặp Đôn. Chàng chạy lại ôm chầm lấy tôi. Chúng tôi ôm nhau, mừng mừng tủi tủi sau gần 30  năm trời không gặp. Đã lâu lắm rồi tình cảm tôi như đã nguội lạnh, bây giờ tôi mới được một người đàn ông ôm tôi. Vòng tay chàng thật chặt, hình như má chàng cũng chạm vào má tôi. Tôi như sống lại trong thời xuân sắc. Tim tôi rộn ràng, hồi hộp mà tôi tưởng chừng như đã chết từ lâu. Buông tôi ra rồi Đôn mới nói:

-        Rất vui mừng gặp lại chị. Sao chị có khỏe không ?

-        Cám ơn anh. Tôi cũng thường. Lâu quá rồi anh nhỉ ? Sao may lại gặp anh ở đây. 

-        Cô học trò tên Mặc Lan cho biết chị đến nên tôi xin ra đón chị.

Tôi xúc động:

-    Thì ra anh đi đón tôi. Cám ơn anh nhiều. Tôi lại tưởng anh đi chơi đâu về chứ.

 Chúng tôi vừa đi đến chỗ lấy hành lý vừa nói chuyện tiếp:

-        Các bạn đồng nghiệp anh có gặp ai không ?

-        Tôi có gặp một vài vị nhưng các chị ấy nghiêm trang quá, tôi sợ nên không dám quen thân.

-        Sao anh không sợ tôi, anh còn dám ôm tôi nữa ?

      -     Xin lỗi chị, tôi cũng không hiểu tại sao. Có lẽ tại mừng quá. Ngày xưa ở trong trường tôi cũng chỉ hay nói chuyện với chị thôi mà.

      -    Không sao đâu. Tôi cũng nghĩ vậy nên để nguyên cho anh ôm và không phản đối. Tôi cũng vui mừng và xúc động lắm khi gặp lại anh.

       -   Chị biết tính tôi. Lúc đầu tôi không muốn tham gia hội hè gì cả, sau Mặc Lan nói có chị về nên tôi mới tới dự. Tôi xin đi đón chị trước các cô ấy không cho đi, tính bắt bí, tôi phảỉ nằn nỉ mãi mới được đi đón đó.

Nghe Đôn nói tôi thấy chàng vẫn chân tình như ngày xưa nhưng bạo dạn hơn. Tôi mơ hồ như có chuyện gì sắp xẩy ra. Tôi vừa vui lại vừa lo. Tôi bảo Đôn:

-        Mải nói chuyện nên quên chưa hỏi thăm anh lúc này ra sao ?

-     Bà xã tôi mất cách nay bẩy năm rồi. Các con đã lập gia đình và ở riêng. Tôi bây giờ sống một mình…

     Sợ Đôn buồn nên tôi không hỏi thêm về gia đình chàng nữa. Đôn giúp tôi lấy hành lý rồi chúng tôi ra xe để về nhà Mặc Lan, học trò cũ của tôi và Đôn.

     Trên đường về, cả Đôn và tôi mỗi người như theo đuổi một ý nghĩ riêng. Hình ảnh trường xưa bạn cũ hiện ra nơi tôi.  Thời gian qua mau tôi tưởng như mới ngày nào… Xe dừng lại đánh thức tôi trở về với thực tại. Đôn phải khó khăn lắm mới tìm được chỗ đậu xe. Khi chúng tôi vào nhà  mọi người đã đông đủ. Tiếng vỗ tay vang lên xen lẫn với tiếng cười. Trong buổi họp mặt hình như chỉ có tôi từ xa đến còn đa số các gíáo sư khác đều ở Orange County hoặc Los Angeles County. Các bạn đồng nghiệp và học sinh cám ơn tôi đã đến họp mặt dù đường xá xa xôi. Người vui nhất và săn sóc tôi nhiều nhất là Đôn. Cả học trò và giáo sư thỉnh thoảng cũng xen vào những câu nói đùa tôi với Đôn. Tôi thấy thật vui khi gặp lại đông đủ mọi người. Bao kỷ niệm được gợi lại. Có học sinh đem khoe hình ảnh chụp với thầy cô ngày trước, có em đưa ra khoe cuốn lưu bút ngày xanh, Mặc Lan mang quyển Thông tín bạ ra khoe, có kèm theo lời phê và chữ ký của tôi trong đó: “Học hạnh song toàn, kết quả mỹ mãn”. Tháng trước Mặc Lan có gọi điện thoại cho tôi và nói em rất cảm động và biết ơn tôi về lời phê bình đó. “Lời phê bình này em chỉ có một lần trong đời và em luôn ghi nhớ, chính nhờ lời phê bình đó mà em đã cố gắng sao cho xứng đáng với nhận xét của cô về học vấn và đức hạnh, em đã mang theo cuốn học bạ này sang Mỹ và sẽ giữ mãi trong đời em…”. Những người học sinh Việt Nam có tình như thế, có lòng như thế tôi tin là họ phải thành công trên trường đời. Ngày nay Mặc Lan đã là một nữ bác sĩ nổi danh và nhiều em khác nữa cũng thành công không kém. Bữa tiệc họp mặt kéo dài đến gần nửa đêm mới chấm dứt mặc dù cuộc hành trình khá xa nhưng vì quá vui nên tôi vẫn không thấy mệt. Mặc Lan dành cho tôi phòng riêng và tôi ở lại chơi một tuần. Ngày nào Đôn và học trò cũng luân  phiên nhau đến đưa tôi đi chơi.

     Đôn và các học trò đề nghị tôi bỏ St. Louis về sống ở California.  St. Louis là một thành phố cổ kính, người dân ở đây rất mộ đạo. Nhà thờ san sát trong thành phố, cứ cách mấy con phố lại có một nhà thờ. Ngày Chủ nhật là ngày của Chúa. Chợ và các tiệm lớn đều đóng cửa để mọi người đi lễ nhà thờ. St. Louis mùa Đông rất lạnh và buồn, khó thích hợp với người về hưu trí như tôi. Các con tôi nay đã lớn và ở riêng,  nhưng tôi chỉ hứa để về suy nghĩ và bàn lại với các con chứ chưa có quyết định gì cả.

      Ngày vui qua mau. Tôi phải trở lại St. Louis. Đôn bịn rịn đưa tiễn tôi tận phi trường. Từ đó tuần nào Đôn cũng gọi điện thoại cho tôi. Rồi một hôm Đôn đến St. Louis thăm tôi và đề nghị tôi về chung sống với chàng. Tôi thật khó nghĩ, không biết tính sao, mấy chục năm nay tôi vẫn sống độc thân được thì nay cứ tiếp tục như vậy đâu có sao. Tôi gọi các con tôi về để giới thiệu Đôn và tôi hỏi ý kiến các con. Tất cả các con đều vui vẻ tán thành nhưng tôi vẫn thấy e ngại vì tôi nay đã lớn tuổi và đã có cháu nội, cháu ngoại. Các con tôi tán thành là một việc nhưng còn người thân và bè bạn nữa. Họ sẽ  ngạc nhiên lắm khi một bà giáo có 6 mặt con trước đã ly dị chồng, nay  từng này tuổi đầu mà còn tái giá. Làm sao tôi tránh khỏi miệng lưỡi người đời…

     Tôi đang chần chừ suy nghĩ thì nhận được thư của con trai lớn từ Washington DC gửi về. Đại ý con trai tôi viết:

Thưa mẹ,

Con đã hỏi ý kiến các em. Nay con viết thư này kính tin mẹ rõ. Tất cả chúng con không những chỉ yêu mẹ mà chúng con còn kính phục mẹ nữa. Một mình mẹ đã đảm đang, nuôi nấng và dạy dỗ chúng con nên người. Mẹ vất vả mà không hề kêu than, mẹ cô đơn mà không hề oán trách. Mẹ cố gắng vươn lên trong mọi tình huống khó khăn. Mẹ là tấm gương cho chúng con noi theo. Chúng con hiểu đời sống tình cảm của mẹ rất cô đơn nhưng mẹ lấy cái vui của chúng con làm nguồn vui của mẹ. Nay chúng con đã trưởng thành, đã đi làm và không được ở gần mẹ. Mẹ đã sống vì chúng con và sống cho chúng con. Chúng con không khỏi xúc động khi những việc hệ trọng, liên quan đến đời sống tình cảm của mẹ mà mẹ cũng đặt chúng con lên trên những quyết định của mẹ. Mẹ nói nếu một trong các con phản đối thì mẹ sẽ từ chối đề nghị của chú Đôn.

Chúng con đã gặp chú Đôn tháng trước, tất cả các em con đều vui mừng khi có người sẵn sàng cùng mẹ đi nốt quãng đường còn lại. Chú Đôn đã yêu mẹ từ lâu, chúng con mong mẹ nhận lời chú để mẹ và chú sống với nhau, an ủi nhau trong tuổi xế chiều. Tất cả chúng con đều yêu thương mẹ nhưng chúng con đều đã có gia đình và ở xa. Chúng con tin là chỉ có chú Đôn mới làm được việc này…

     Cuối thư tất cả các con cùng ký tên và viết thêm hàng chữ  “con yêu mẹ nhiều”.

Tôi như muốn trào nước mắt khi đọc xong lá thư của các con và cũng thầm phục con trai lớn đã cẩn thận lấy chữ ký của các em cho tôi yên tâm.

                                                       *



     Ngày đám cưới của Đôn với tôi được tổ chức đơn gỉản tại Peace Lutheran Church. Tôi không phải là tín đồ đạo Tin Lành nhưng nhà thờ này đã bảo trợ và giúp đỡ gia đình tôi nên tôi tổ chức ở đây như là một lời cám ơn đối với họ. Tất cả các con và các cháu tôi đều về tham dự. Ngoài một số hội viên nhà thờ, tôi không mời ai cả. Tôi chỉ gửi thiếp báo tin đến một số bạn bè và kèm theo thư cám ơn đến nữ Bác Sĩ Trần Nguyễn Mặc Lan, cô học trò đã cho tôi cơ hội gặp lại Đôn.

     Con gái và con dâu đã lo quần áo đám cưới và giúp tôi trang đìểm. Tôi soi bóng mình trong gương  thấy tôi đẹp và trẻ hẳn ra. Tôi hồi hộp sung sướng. Đôn giắt tay tôi ra xe để đi đến nhà thờ. Ngồi sau hàng ghế Đôn nói nhỏ bên tai tôi “anh yêu em ngay từ ngày đầu tiên đổi về trường nhưng hôm nay mới thật sự có em” . Tôi ngả đầu lên vai Đôn và nắm thật chặt tay chàng như muốn giữ chàng mãi bên tôi và nói nhỏ trong nghẹn ngào “ em cám ơn anh. Chúng mình sẽ ở bên nhau mãi nghe anh”.

     Tiếng chuông nhà thờ ngân vang như để đón mừng mối tình mới đang nồng nàn yêu thương nhau…

       

  

     





     QUÊN ĐI NGÀY THÁNG CŨ             


                  Hoàng Nguyên Linh

                                    

                                                         


     Tôi sinh ra là một người con gái con nhà nghèo. Bố tôi mất sớm lúc tôi chưa được 8 tuổi, mẹ tôi phải đi ở đợ cho một gia đình giầu có. Công việc hàng ngày của mẹ tôi là dọn dẹp nhà cửa, đi chợ và nấu ăn cho nhà bà Đạm, một thương gia, chồng chết, có 2 người con, một trai và một gái. Con gái bà tên Minh Thư bằng tuổi tôi, có lẽ vì lý do này mà bà Đạm đã mướn mẹ tôi để có người chơi với con gái bà. Con trai bà tên Thuấn hơn tôi 7 tuổi.

     Tôi được đi học cùng với Minh Thư, chúng tôi chơi thân với nhau khiến bà Đạm rất vui mừng và đối xử tử tế với mẹ con tôi. Tôi được biết trước đây bà Đạm có mướn một người làm nhưng Minh Thư không thích chơi với người con gái nên đã bị cho nghỉ việc.

     Thuấn thương em gái nên tôi được thương lây. Thuấn thường hay đưa chúng tôi đi chơi, đi coi hát và chỉ dẫn cho chúng tôi làm bài ở trường. Thuấn che chở cho tôi và bênh vực tôi mỗi khi bị những đứa trẻ khác bắt nạt. Có lần chơi ở sân tôi bị té ngã, Thuấn ôm tôi vào lòng và an ủi tôi: “Em bé ngoan đừng khóc nữa anh thương”. Tôi cảm động muốn trào nước mắt. Thuấn vuốt nhẹ  mái tóc tôi và lau nước mắt cho tôi . Chàng bảo “ Ngân Khánh phải cười trông mới đẹp”. Được Thuấn khen đẹp tôi thích và cười với chàng. Thuấn ôm chặt tôi một lần nữa rồi mới buông ra. Tuy mới 12 tuổi nhưng tôi mơ hồ hình như có một cảm giác là lạ, hay hay. Tôi mong té ngã một lần nữa để được Thuấn ôm tôi và lau nước mắt cho tôi… Tôi buồn nhất là ngày Thuấn phải ở nội trú trong trường Đại học. Tôi bắt đầu nhớ Thuấn. Mỗi cuối tuần tôi đứng ở cửa đợi Thuấn về và cứ như thế năm này qua năm khác rồi chúng tôi đã yêu nhau lúc nào tôi cũng không biết. Khi tôi học xong bậc Trung học thì Thuấn tốt nghiệp bác sĩ y khoa. Tôi yêu Thuấn, một tình yêu chân thật, trọn vẹn chứ không bao giờ dám có ý định làm vợ Thuấn vì hai gia đình quá cách biệt, mặc dù Thuấn có nói với tôi là Thuấn sẽ cưới tôi làm vợ. Tôi tin tưởng ở Thuấn nhưng làm sao bà Đạm có thể chấp nhận mẹ tôi thông gia với bà. Tuy biết như thế nhưng chúng tôi vẫn yêu nhau say đắm và không thể rời xa nhau được.

     Bà Đạm là một người đàn bà tốt nhưng rất cương quyết và thẳng thắn. Hình như bà đã biết được chuyện hai chúng tôi yêu nhau và chuyện Thuấn muốn cưới tôi làm vợ.  Một hôm đợi Thuấn và Minh Thư đi vắng bà Đạm gọi hai mẹ con tôi lại và nói rất ôn tồn: “ Con gái chi Tư đã lớn nên ở đây bất tiện. Mặc dù tôi và hai con tôi rất quý hai mẹ con chị nhưng tôi vẫn phải cho chị nghỉ việc. Trai gái không nên để chúng nó gần nhau. Trong vòng một tuần chị tìm nơi khác để dọn ra. Tôi cho chị 6 tháng đủ tiền ăn ở, sau đó mẹ con chị có thể tự túc được. Tôi chỉ yêu cầu chị và cháu hứa với tôi một điều là không cho hai con tôi biết gì hết và không bao giờ được liên lạc với chúng nữa. Chị cứ sẵn sàng rồi đợi hôm nào hai con tôi không ở nhà thì dọn ra…”.  Tôi quá bất ngờ và sửng sốt. Tim tôi ngừng đập, mặt tôi tái đi. Bà Đạm nhìn hai mẹ con tôi như ra lệnh. Tôi thấy bà thật nghiêm nghị. Gần 10 năm sống trong nhà bà, lần đầu tiên tôi thấy nơi bà đáng sợ như vậy. Mẹ tôi cũng sợ bà và nói trong nghẹn ngào: “ Tôi xin hứa và sẽ làm theo lời bà”. Bà Đạm gật đầu như để chấp nhận lời hứa của mẹ tôi. Bà nhìn sang phía tôi. Lúc này nước mắt tôi đã trào ra. Tôi nghĩ đến ngày phải xa Thuấn, xa Minh Thư, xa mái nhà thân yêu với bao kỷ niệm thời niên thiếu mà tôi đã quên đi tưởng như nhà mình. Không thấy tôi nói gì, mẹ tôi nắm chặt tay tôi và lắc nhẹ. Bà Đạm nhướng mắt lên ra lệnh. Tôi nói trong nghẹn ngào: “Cháu xin hứa sẽ làm theo lới bà ”.

     Bốn hôm sau Thuấn và Minh Thư đi vắng, mẹ con tôi dọn ra khỏi nhà bà Đạm. Trước khi lên xe tôi nhìn ngôi nhà một lần cuối lòng không khỏi bùi ngùi.  Nơi đây như một mái ấm gia đình trong thời niên thiếu, có bao nhiêu kỷ niệm, có mối tình đầu. Tôi bước đi nhưng đôi chân như hụt hẫng. Tôi thương tôi nhưng nhìn mẹ sụt sùi lau nước mắt tôi càng thương mẹ hơn. Thuấn ơi! Từ nay em sẽ phải xa anh, vĩnh viễn xa anh. Vì danh dự, vì giữ lời hứa với bà Đạm em không thể nào gặp lại anh được. Mối tình em với anh tưởng là thần tiên, bây giờ đây mỗi người một ngả. Anh biết gia đình em quá nghèo sao anh lại còn yêu em, sao anh lại muốn cưới em làm vợ để em phải xa anh… Đứng ở cửa tần ngần một lúc rồi mẹ con tôi lên xe để  đến ở chung nhà với bà bán rau muống ngoàì chợ mà mẹ tôi đã quen vì hay mua rau của bà. Cuộc sống của mẹ con tôi hoàn toàn thay đổi. Bao nhiêu mộng đẹp của thời con gái đã tan theo mây khói. Tôi đang dự định thi vào một trường chuyên nghịêp nào đó để giúp đỡ mẹ tôi, nhưng không may chuyện xẩy ra quá bất ngờ, tôi không kịp xoay xở gì nữa. Tôi phải xin đi làm thư ký cho một hãng bào chế thuốc Tây.  Nhìn những chuyên viên mặc áo trắng đi qua lại, tôi liên tưởng tới Thuấn trong bộ đồ bác sĩ y khoa, lòng tôi không khỏi xót xa. Tôi không bao giờ được gặp chàng nữa. 

     Mẹ tôi từ ngày dọn ra ngoài ở thì sức khỏe đã suy yếu nên không còn làm được gì nữa ngoài việc nấu ăn. Mẹ tôi nấu ăn ngon lắm. Nếu mẹ tôi còn trẻ bà đã mở một quán ăn. Gần 10 năm nấu ăn, cả nhà bà Đạm mọi người đều thích. Thuấn, con trai bà  Đạm đã nói với mẹ : “ Con đã đi ăn tiệc ở nhiều nơi nhưng không ăn ở đâu ngon bằng ăn ở nhà do bà Tư nấu” . Nào là món gỏi gà bắp cải thêm chút rau răm, đậu phộng rang rắc lên trên . Rau muống xào tỏi hoặc xào với thịt bò, rồi món rau muống trộn với mắm tôm vắt chanh, thêm ít ngò gai, kinh giới và đậu phộng rang, có khi mẹ tôi cho thêm tép hay thịt thái nhỏ. Món nộm hoa chuối mẹ tôi gọi là nham hoa chuối cũng rất ngon. Cuối tuần mẹ tôi hay nấu bún riêu, bún ốc hoặc canh chua… món nào cũng đặc biệt. Nay mẹ con tôi đi rồi Thuấn không được ăn những món mà chàng thích nữa. Càng nghĩ tôi lại càng thương chàng. Anh ơi mẹ em đi rồi ai nấu cho anh ăn những món mà anh thích. Em đã học ở mẹ một vài món, dự định sẽ nấu cho anh ăn nhưng em chưa kịp làm thì đã phải xa anh. Xa anh em không được nói câu từ giã. Anh có trách em vô tình em cũng xin đành mang.

              “Ngày đi lặng lẽ không từ giã

              Cất bước âm thầm thương nhớ thôi

     Hai câu thơ của một tác giả nào đó đã áp dụng với tôi bây giờ thấy đúng làm sao. Nếu một ngày kia tình cờ gặp lại anh hay Minh Thư em sẽ phải trả lời ra sao. Em có được nói sự thật là vì chúng mình yêu nhau  nên mẹ anh đuổi mẹ con em không? Đầu óc tôi rối loạn, tôi không tìm được câu tả lời. Chắc tôi không nói thế được. Tôi không oán trách gì bà Đạm, nếu là tôi liệu tôi có làm khác bà được không ? Bà Đạm là người đàn bà có thế lực, làm sao bà có thể thông gia với mẹ tôi, một tôi tớ trong nhà mà bạn bè, khách khứa ai cũng biết. Tuy buồn nhưng tôi cũng thông cảm với bà. Mẹ tôi cũng biết thân phận mình nên không hề oán trách bà Đạm. Đôi lúc tôi tự trách tôi, làm sao tôi dám với quá cao để giờ bị té đau, nhưng rồi tôi lại bênh vược cho chính tôi. Người con trai như Thuấn làm sao tôi không yêu được. Thuấn có đầy đủ mọi điều kiện, người con gái mới lớn như tôi sao không ngã lòng. Con tim có những lý do riêng của nó, người ta vẫn nói thế.      

     Nhưng nếu chỉ yêu nhau rồi xa nhau thì cũng là sự thường tình của thế nhân, hợp để rồi tan, Trên đời này có biết bao nhiêu mối tình chia ly bằng nước mắt. Nhưng tôi đã yếu đuối, không làm chủ được thân xác tôi và đã dâng hiến trọn vẹn đời con gái của tôi cho Thuấn. Hai tháng nay tôi không thấy có kinh nguyệt, cơ thể tôi bắt đầu thay đổi, ngực tôi căng phồng thêm, tôi bắt đầu lo sợ. Tôi đi thử nghiệm và được biết tôi đã mang thai. Tôi đắn đo nhưng rồi cũng phải thú nhận với mẹ. Mẹ tôi không la mắng như tôi nghĩ, bà chỉ khuyên tôi cố gắng giữ gìn sức khoẻ cho cái thai được tốt. Mẹ tôi cũng nghĩ như tôi là vì danh dự và giữ lời hứa nên không cho Thuấn biết tôi đã có thai với chàng. Tôi thấy mẹ tôi buồn, tôi hỏi là mẹ có trách vì tôi mà bà Đạm đuổi mẹ con tôi không thì mẹ tôi trả lời là bà không trách nhưng thương tôi, tội nghiệp cho tôi. Bà biết trai gái mà để sống chung với nhau trong nhà thì chuyện gì rồi cũng sẽ phải xẩy ra, nhưng bà chưa kịp khuyên bảo tôi.

     Tôi mang thai được gần 9 tháng thì mẹ tôi qua đời. Buổi tối mẹ tôi nói bà bị nhức đầu, tôi lấy thuốc cho mẹ uống và nửa đêm thì mẹ tôi ra đi. Bà ra đi bình yên, lặng lẽ, buồn thảm như cuộc đời mẹ,  Tôi không ngờ mẹ tôi chết dễ dàng quá. Tôi đau buồn và đã ngất xỉu đi, không còn biết gì nữa…

     Sau  năm ngày ở trong bệnh vịên, tôi tỉnh lại và đã nhận thức được. Sờ tay lên bụng thấy bụng  đã xẹp xuống biết là tôi đã sinh nhưng không biết đứa bé giờ ra sao. Đợi người y tá đến gần tôi hỏi thăm về con tôi. Người y tá trả lời: “ Bác sĩ thấy không có hy vọng cứu sống cô nên đã mổ để lấy cháu bé ra. Cháu rất khỏe mạnh. Không biết cô có đủ sức để nuôi nấng con không.  Cháu là con gái, mặt mày sáng sủa lắm. Rất mừng cô bình phục trở lại, đó cũng là nhờ 3 vị bác sĩ đã tận tình chữa trị, các vị ấy tử tế với cô lắm, coi cô như người nhà …”. Một giờ sau người y tá mang con đến đưa tôi bế và nói : “Cho cháu ở đây với cô một lúc rồi tôi đưa cháu trở lại phòng để cô nghỉ vì vết mổ chưa lành”. Nhìn thấy con, tôi hết sức vui mừng, sao tôi thấy nó thân thương gần gũi quá. Có nhà văn đã nói: “ Đứa con là tác phẩm vĩ đại nhất trong số những tác phẩm mà tôi có”. Nhưng vừa vui tôi chợt buồn ngay. Tôi chỉ có một thân một mình làm sao có thể nuôi được con. Tôi lại phải đi ở đợ như mẹ tôi ngày xưa. Nhưng mẹ tôi còn có người  mướn chứ tôi đứa con còn đỏ hoẻn ai chịu cho làm. Hay tôi nhờ người báo cho Thuấn biết. Tôi vội xua đuổi ý nghĩ này, vì tự trọng, vì danh dự của hai mẹ con, tôi không thể liên lạc với gia đình bà Đạm được nữa. Người y tá đến mang con tôi trở lại phòng dưỡng nhi, nước mắt tôi trào ra…    

     Tôi khai ở bệnh viện là chồng tôi đi lính chết bây giờ chỉ có mình tôi, không có thân nhân, không bạn bè, mẹ tôi mới chết hôm tôi vào đây. Hoàn cảnh của tôi đa số các nhân viên đều biết, họ nói chuyện với nhau tôi nghe được: “Cô ta còn trẻ và xinh đẹp quá, tội nghiệp chồng bị chết sớm”. Mấy hôm sau ông chủ sự phòng hành chánh của bệnh viện đến bên tôi và nói: “ Tôi xin lỗi đã đi vào đời tư của cô và có thể làm cô buồn, nhưng trong hồ sơ tôi thấy hoàn cảnh cô thật khó khăn. Chúng tôi rất aí ngại không biết khi xuất viện cô ở đâu và làm sao nuôi được con, lúc đó cô cũng phải đem cho hoặc bỏ vào viện mồ côi và người nhận nuôi con cô không biết họ thế nào, có được tốt không, rồi lại tội nghiệp đứa bé… Tôi có quen hai ông bà này rất giầu và tử tế, họ lấy nhau trên 16 năm mà không có con, đang có ý định tìm nuôi một đứa con nuôi, nếu cô đồng ý cho họ nuôi tôi sẽ nói với người ta. Cô suy nghĩ rồi cho tôi biết”. Tôi quá đau buồn, mới gặp con vài lần giờ sắp phải xa nhau. Ông chủ sự nói đúng, tôi không đủ phương tiện để nuôi con. Biết bao người hoàn cảnh như tôi đã phải bỏ con ngoài đường, bỏ  vào cổng chùa, viện mồ côi… Nếu con tôi có được người tử tế nuôi cũng là điều may cho nó. Đi ở với người ta cuộc đời nó có thể khá hơn là ở với tôi. Tôi đã làm khổ con tôi rồi, nó không có tội gì để phải khổ thêm nữa. Tôi không thể ích kỷ giữ mãi con bên tôi. Nghèo là khổ lắm. Tôi với Thuấn yêu nhau chỉ vì tôi nghèo mà phải xa nhau. Thuấn ơi! Chỉ vì nghèo mà em phải xa anh, chỉ vì em nghèo mà chúng ta phải xa con chúng ta.

     Tôi trả lời ông chủ sự là tôi muốn được gặp bố mẹ nuôi của con tôi. Hôm sau hai người này tới. Đúng như ông chủ sự nói, nhìn hai ông bà rất phúc hậu khiến tôi yên tâm. Người chồng hỏi tôi có yêu cầu đìều gì không, tôi nói tôi chỉ mong có con và đặt tên là Thuận Khanh (tức là gần tên Thuấn và tên tôi), nhưng nay tôi không còn cái quyền này nữa. Người chồng ôm vai vợ cười lớn: Em tên Thuận, cô ấy tên Khánh. Một bên mẹ nuôi, một bên mẹ đẻ, đúng là trời đã xếp đặt, sau này cháu bé sẽ gặp nhiều may mắn lắm. Chúng tôi bằng lòng với lời ước nguyện của cô. Cô còn yêu cầu điều gì nữa không? Tôi lắc đầu không nói ra lời… Buổi chiều ông chủ sự gặp tôi để cho biết lúc tôi xuất viện thì họ mang con tôi đi. Ông còn nói thêm là ông bà này rất mừng khi thấy tôi không đề cập đến tiền bạc, chỉ lo đặt tên cho con chứng tỏ tôi trọng tinh thần chứ không phải vật chất, như vậy gốc đứa bé rất tốt. Cô lại rất xinh đẹp, họ hy vọng con họ sau này cũng sẽ đẹp như cô. Ngày cuối cùng tôi được bế con tôi một giờ. Tôi ôm chặt con tôi trong lòng như giữ gìn một báu vật, tôi không muốn rời xa nó nữa, nhưng vì chữ tín tôi không thể nào đổi ý được. Nước mắt tôi trào ra, ai nhìn thấy cảnh chia ly này cũng phải ngậm ngùi. Dù đã quá giờ người y tá không nỡ lấy đứa bé ra khỏi tay tôi. Tôi ghì chặt con tôi vào lòng và đặt chiếc hôn lên má con rồi đưa cho người y tá. Đích thân ông chủ sự trao tôi một túi vải lớn, nói tôi nên giữ cẩn thận vì đây là số tiền khá nhiều do bố mẹ nuôi đứa bé đưa, đủ cho tôi ăn ở  4, 5 tháng như là để cám ơn tôi chứ không có ý mua bán gì đâu. Tôi nói lời cám ơn ông chủ sự cùng bác sĩ và các nhân viên trong nhà thương rồi ra về.  

     Tôi thuê xe đến thẳng nhà bà bán rau muống. Khi đến nơi tôi không gặp bà và thấy có người lạ ở trong. Tôi hỏi thì được biết vì có người chết nên bà bán rau sợ hãi và đã bỏ đi. Người thuê nhà mới con cái đông và giá thuê rẻ nên đã dọn vào. Tôi ra ngoài đường và phân vân không biết đi đâu, chợt một chiếc xe Honda dừng trước mặt, tôi nhận ra chị bạn làm chung hãng với tôi khi trước. Sau khi hỏi han chị biết chuyện nên đã thương tình rủ tôi về nhà ở chung với chị. Trong khi đó những người trong hãng họ không biết lại tưởng tôi đã theo chồng đi ngoại quốc.  

            “ Hãy cố yêu người mà sống, lâu rồi đời mình cũng qua…” 
         Lời ca của bản nhạc trong “Bài không tên số 5” đã thức tỉnh tôi phải can đảm và cố gắng chịu đựng.

     Mấy tháng sau nhờ có người chỉ dẫn tôi tìm được mộ mẹ và thắp nén hương lên mộ bà. Thời gian này tình hình Saì Gòn  ngày càng giao động và biến cố tháng Tư năm 1975 xẩy ra. Tôi theo đoàn người ra bến Bạch Đằng, sao may tôi lên được tàu và sang tới Hoa Kỳ, định cư tai tiểu bang California. Tôi cố gắng lập lại cuộc đời, vừa đi làm vừa đi học . Sau một năm bổ túc Anh văn tôi ghi danh vào Đại học, 4 năm tôi ra trường về ngành kỹ sư điện tử, rồi tôi lập gia đình với một nha sĩ giầu có. Tôi đi khám răng và gặp chồng tôi. Chồng tôi hơn tôi 11 tuổi, góa vợ và có một con trai.  Chúng tôi lấy nhau được gần 14 năm. Chồng tôi mới qua đời cách nay 3 năm. Tôi tiếp tục vừa làm chủ trung tâm nha khoa cũ của chồng tôi vừa đi làm cho công ty điện tử.  Đời sống tuy có bận rộn nhưng vật chất rất đầy đủ vì có hai nguồn lợi tức. Tôi nghĩ đến thời gian nghèo khổ khi xưa, nhớ đến mẹ và đứa con gái riêng lòng không khỏi xót xa. Tôi đã tìm kiếm khắp nơi nhưng không biết được con tôi bây giờ ra sao, còn ở lại Việt Nam hay đã qua Mỹ ? Tôi có nhờ hội Hồng Thập Tự tìm kiếm nhưng không ra. Tôi ngày đêm cầu nguyện để được gặp con gái tôi…

     Tôi đi khám định kỳ hàng năm và được giới thiệu đến bác sĩ Nguyễn Trọng Toản chuyên về tim mạch. Nghe tên bác sĩ tôi chợt nhớ ra vị bác sĩ đã cứu sống tôi ở bệnh viện Việt Nam khi xưa. Sau khi khám bệnh và cho thuốc, tôi nói với bác sĩ Toản chính tôi là người được bác sĩ  chữa trị gần 25 năm về trước.. Nhận ra tôi vị bác sĩ này mừng lắm. Cũng may tôi là người khách cuối cùng nên ông đã có nhiều thì giờ nói chuyện với tôi. Bác sĩ Toản cho tôi biết cách đây 2 năm trong cuộc họp mặt của hội y sĩ toàn quốc tại Texas ông có gặp Thuấn, người tình cũ của tôi. Nghe tên Thuấn tôi lặng người đi nhưng cố giữ bình tĩnh để nghe kể: “ Thuấn với tôi học cùng lớp với nhau nhưng không thân. Tôi có gặp chị đi chơi với Thuấn vài lần nên nhớ. Tôi chữa trị cho chị và nghĩ Thuấn bỏ rơi chị, nên tôi tránh không muốn nói gì với ai, ngay cả lúc chị sinh đẻ trong bệnh viện cũng vậy. Kỳ vừa qua gặp nhau ở Texas tự nhiên Thuấn tâm sự với tôi là Thuấn yêu chị lắm nhưng bị bà mẹ ngăn cản và không có cách nào gặp được chị. Sau khi chị đi rồi Thuấn giận mẹ nên không chịu lấy vợ, mãi  sau thấy bà cụ quá buồn nên Thuấn mới lập gia đình. Đến nay Thuấn vẫn không có con và vợ chồng đã ly dị vì không hợp nhau. Nghe tôi nói chị đã có thai với Thuấn và chính tôi chữa trị cho chị, Thuấn xúc động lắm. Thuấn thương chị và thương đứa con của anh chị phải đi làm con nuôi người ta, không biết giờ này ra sao. Mẹ Thuấn biết tin cũng buồn lắm,  bà đã hối hận cho hành động của bà để đứa cháu duy nhất bị bỏ rơi, nay bà đã trên 80 tuổi vẫn chưa có cháu bế…”.  Nghe lại chuyện xưa lòng tôi nặng chĩu và không cầm được nước mắt. Bác sĩ Toản hỏi tôi có đồng ý cho Thuấn biết đã gặp tôi không,  tôi dặn bác sĩ thôi đừng nói gì cả, chuyện xưa nên cho vào dĩ vãng, điều cần thiết là tìm được đứa con chúng tôi. Tôi chào bác sĩ Toản rồi ra về, lòng buồn mênh mang:



                 Biết được tin anh cũng đủ rồi

                 Tâm sự có nhiều vẫn thế thôi

                 Ra đi không nói câu từ giã

                 Em biết chuyện mình mãi cách đôi

                                        *

                 Cứ mỗi năm nhìn lá uá vàng

                 Chạnh lòng nhớ lại lúc Thu sang

                 Anh ơi! Thu đến mang sầu tới

                 Khơi dậy mối tình đã cách ngăn

                                       *

                 Một lần yêu đã quá khổ rồi

                 Nhắc làm chi chuyện cũ anh ơi

                Thân tuy gầy yếu tim băng gía

                Giữ mãi trong em bóng một người

                                  *

                Biết được tin anh đã đủ rồi

                Em bây giờ cũng vẫn đơn côi

                Bao nhiêu kỷ niệm, bao đau đớn

                Và khóc âm thầm, khóc mãi thôi…



      Nhưng thôi tôi không muốn tiếp tục làm thơ buồn nữa. Tôi trở về với đời sống hiện tại của tôi. Tôi không có con nên yêu con trai của chồng tôi như con đẻ. Tân (tên con trai của chồng tôi) rất quý tôi. Tuy đã ra hành nghề bác sĩ nhưng tất cả những chuyện riêng tư Tân đều mang ra hỏi ý kiến mẹ. Một hôm Tân khoe với tôi Tân quen một cô gái tên Thuận Khanh kém Tân 4 tuổi. Hiện nay Thuận Khanh là dược sĩ, trông nom tiệm thuốc Tây của gia đình. Tân và Thuận Khanh quen nhau qua dịch vụ thương mại. Nghe con trai nói đến Thuận Khanh tôi rất hồi hộp, liệu có sự trùng tên, trùng tuổi  được không? Thuận Khanh có phải là con gái tôi không? Tôi hỏi con trai xem gia đình Thuận Khanh ra sao, thì được biết bố Thuận Khanh đã mất chỉ còn mẹ già trên 70 tuổi. Nhà giầu lắm, tất cả tài sản sau này sẽ là của Thuận Khanh hết. Tôi hơi lạ, nếu là mẹ nuôi thì  đúng chứ mẹ đẻ có thể trùng tên. Tôi nói con trai tôi đưa Thuận Khanh về nhà tôi chơi. Gặp Thuận Khanh tôi linh cảm ngay người con gái này là con tôi. Nét mặt vừa giống tôi vừa giống Thuấn. Không cầm được lòng tôi ôm chầm lấy Thuận Khanh và thốt lên: “con ơi! mẹ đây”, nhưng rồi tôi chợt nhớ ra, chưa phải là lúc mẹ con thổ lộ tâm tình nên đã buông Thuận Khanh ra và nói lời xin lỗi: “ Bác xin lỗi con, tại bác thấy con dễ thương quá nên bác mến”. Thuận Khanh nói: “ Không sao đâu bác. Được bác yêu quý và cho đến nhà thăm bác con rất vui mừng. Trước khi đến con sợ lắm, nay thấy bác vui vẻ như mẹ con ở nhà, con thật có phước. Mới gặp bác lần đầu nhưng con có cảm tưởng như đã gặp bác từ lâu rồi ”. Lòng tôi dịu xuống, tôi thầm cám ơn ông bà mẹ nuôi đã dạy giỗ con gái tôi nên người, dạy cách ăn nói khôn khéo và lễ phép. Tân thấy mẹ yêu thích bạn thì mừng lắm, chàng mỉm cười nhìn Thuận Khanh. Tôi giữ Thuận Khanh ở lại ăn cơm. Lần đầu tiên tôi được nấu cơm cho con gái tôi ăn. Tôi hỏi thăm sơ qua về những ngày đã qua của Thuận Khanh, tôi tránh những chi tiết sợ con gái nghĩ tôi tò mò.  Cám ơn Trời Phật đã  giúp cho mẹ con tôi được gặp lại nhau…

     Khi Thuận Khanh ra về tôi hỏi con trai tôi chương trình dự trù như thế nào, Tân cho tôi biết tháng sau chúng định làm đám hỏi và 4 tháng nữa sẽ làm đám cưới. Thuận Khanh muốn lo sớm vì mẹ đã già, muốn cho mẹ được vui.

     Ngày đám hỏi qua đi một cách thuận lợi. Người mẹ nuôi của con gái tôi không nhận ra tôi. Có lẽ bà không ngờ một cô gái nghèo khổ ngày xưa nay là thông gia với bà. Tôi nhận ra bà Thuận nhưng vẫn giữ im lặng không cho ai biết chuyện tôi là mẹ đẻ của Thuận Khanh để cho các con tôi không phải bận tâm và tránh gây nên sự buồn phiền cho bà mẹ nuôi, một ân nhân của tôi. Tôi rất vui mừng sửa soạn đám cưới cho con. Tôi hồi hộp lo đến ngày đám cưới vừa cho con gái vừa cho   con chồng                                                                                    

     Bốn tháng qua đi thật mau. Đám cưới của các con tôi tổ chức rất trọng thể.  Gần 700 quan khách tham dự. Con gái tôi lộng lẫy trong bộ áo cưới. Có nhiều người đã nhận xét là mẹ chồng với con dâu trông rất giống nhau như hai mẹ con, chắc là sẽ hợp với nhau lắm. Tôi vui mừng nghĩ ngợi từ nay con gái tôi sẽ được ở chung nhà với tôi, và tôi sẽ dành hết thì giờ săn sóc con gái tôi. Văng vẳng bên tai như lúc nào cũng nghe thấy lời chúc mừng hạnh phúc…

     Đám cưới xong hai con đi hưởng tuần trăng mật, tôi ở nhà một mình. Vì quá lo lắng và bận rộn cho ngày đám cưới nên tôi thấy trong người hơi mệt. Tôi sợ có vấn đề về tim như trước nên đi khám bác sĩ gia đình nhưng khi đến nơi mới biết bác sĩ đã đi nghỉ hè và ông nhờ người khác tạm thay thế vài ngày. Vì đến trễ và không có hẹn trước nên tôi là người được khám sau cùng. Cô y tá cân đo và thử nhiệt độ. Nhịp tim và nhiệt độ của tôi bình thường. Tôi ngồi trong phòng đợi một lúc thì Thuấn mở cửa bước vào. Bất ngờ gặp Thuấn tôi kêu lên: “Anh!”. Thuấn cũng ngạc nhiên, ôm chầm lấy tôi: “Em ! Không ngờ gặp em ở đây, anh mừng quá !”. Thuấn kể lể những sự nhớ nhung và xin tôi tha lỗi. Thuấn nói : “Anh không ngờ mình đã có con với nhau. Từ ngày nghe bác sĩ Toản nói chuyện về em anh buồn và ân hận quá. Khi đẻ chỉ có một mình em làm sao xoay xở…”. Tôi bảo Thuấn : “ Hãy quên đi ngày tháng cũ”. Bây giờ mỗi người có một cuộc sống riêng, còn gặp nhau và quý nhau là đủ rồi. Tôi không oán hận ai cả, chỉ mong mọi chuyện cho qua đi. Thuấn hỏi tôi về con gái chúng tôi, tôi nói Thuận Khanh bây giờ rất hạnh phúc nhưng chuyện hơi dài, sẽ nói cho Thuấn sau. Thuấn rất mừng khi thấy tên con gái là tên Thuấn và tên Khánh hợp lại. Biết tôi bây giờ vẫn còn độc thân nên Thuấn đề nghị cùng chàng tái hợp. Mặc dù vẫn còn yêu Thuấn nhưng tôi rất ngại, một lần chia tay đã quá khổ rồi, bây giờ tôi đang sống yên ổn và hạnh phúc với con gái mới tìm được, tôi không muốn có sự xáo trộn trong đời sống nên đã từ chối.  Không được tôi chấp thuận Thuấn có vẻ thất vọng. Một lúc sau Thuấn hỏi thăm về mẹ tôi, khi biết mẹ tôi đã qua đời chàng cúi đầu xuống che dấu sự xúc động rồi cho biết bà Đạm bây giờ bệnh tình rất nặng, sức khoẻ được tính từng ngày. Bà đang nằm trong bệnh viện, nếu được tôi bỏ qua chuyện cũ thì bà mừng lắm. Thuấn gợi ý muốn tôi đến bệnh viện thăm bà Đạm, tôi nhận lời.

     Hôm sau tôi đến bệnh viện thấy Thuấn và vợ chồng Minh Thư đã ở đó. Minh Thư gặp tôi rất mừng . Minh Thư hỏi thăm tôi và cho địa chỉ mời đến nhà chơi.  Hàn huyên một lúc, Thuấn và vợ chồng Minh Thư ra ngoài cho tôi nói chuyện với bà Đạm. Tôi cầm bàn tay gầy yếu của bà và hỏi:

-        Bà còn nhớ cháu không, cháu là Ngân Khánh đây ?

Bà Đạm thều thào:

 -   Ngân Khánh ! Làm sao tôi quên được cháu. Mong cháu tha lỗi cho tôi. Vì tôi quá nghiêm khắc mà mẹ  con cháu phải khổ. Tôi cũng nghe tin bà Tư đã qua đời. Tội nghiệp bà Tư. Thôi tôi sẽ gặp bà ở bên kia thế giới để xin lỗi bà vậy.

     Bà Đạm tiếp:

 -  Ông trời đã phạt tôi. Có đứa cháu duy nhất thì hất hủi nó, bây giờ tôi không có cháu  nào ở bên cả. Vợ chồng Minh Thư lấy nhau lâu rồi vẫn chưa có con.  

     Nói xong nước mắt bà trào ra vì ân hận khiến tôi cũng buồn lây. Giọng bà run run tiếp :

 -   Tôi không sống được nữa và sắp phải ra đi. Tôi xin cháu một điều không biết cháu có thể giúp tôi không ?

     Tôi lắc tay bà Đạm:

-        Xin bà cứ nói.

     Bà Đạm cố lấy sức lực còn lại nói ngắt quãng từng câu:

 -   Bác mong cháu nhận lời tái hợp với con trai bác, có như vậy bác mới yên tâm ra đi. Thuấn yêu cháu lắm. Thuấn đã lấy vợ nhưng lúc nào cũng nghĩ đến cháu nên hai vợ chồng đã bỏ nhau. 

Đôi mắt bà Đạm yếu đuối nhìn tôi như cầu xin. Tôi thấy thương bà như mẹ.  Gần 10 năm ở với nhau tình cảm dù sao cũng đã sâu đậm, thật khó có thể từ chối lời yêu cầu của một người sắp lìa đời như bà. Tôi im lặng suy nghĩ giây lát rồi nói trong xúc động:

-        Vâng, con xin nghe lời bác.

     Bà Đạm mỉm cười, mắt bà mở hé ra như thầm cám ơn tôi. Giữa lúc đó Thuấn  và vợ chồng Minh Thư đi vào. Bà Đạm cầm bàn tay Thuấn để lên bàn tay tôi, một lúc sau mắt bà nhắm lại và hơi thở yếu dần. Y tá vội vàng gọi bác sĩ. Tôi và Thuấn đứng cách ra xa cho y tá làm việc. Tôi lau nước mắt cho Thuấn rồi nắm chặt tay chàng, nghẹn ngào nhìn bà Đạm từ từ lịm đi…            













NHƯ MỘT ĐÁM MÂY ĐEN
           Hoàng Nguyên Linh


Theo chương trình du lịch tôi ghé thăm Thái Lan 3 ngày trước khi về Việt Nam. Ngày đầu tiên tới Thái Lan, vợ chồng tôi cùng hai cặp vợ chồng người bạn tất cả 6 người đi chung một chuyến.
Chúng tôi tới Thái Lan trời đã tối. Người hướng dẫn của công ty du lịch nói với chúng tôi là còn 4 người Việt Nam nữa cùng đến Thái Lan nhưng máy bay bị trễ một giờ và ngỏ ý muốn chúng tôi đợi vì đường từ phi trường về đến khách sạn Royal River rất xa, phải mất hơn một giờ lái xe. Vì quá mệt và muốn về nghỉ nên chúng tôi hối thúc hướng dẫn viên cho chúng tôi về khách sạn trước để nghỉ, nhân viên hãng du lịch buộc lòng phải chiều theo ý đa số. Đợi chúng tôi làm thủ tục giấy tờ và nhận chìa khoá xong chiếc xe của hãng du lịch mới trở lại phi trường đón 4 người Việt Nam kia. Chúng tôi vào được phòng ngủ nơi khách sạn vì quá mệt với cuộc hành trình dài nên chỉ kịp tắm qua loa rồi lên giừng nằm ngủ và đã thiếp đi cho tới sáng.
     Gần 8 giờ sáng chúng tôi đang ăn điểm tâm tại khách sạn thì có mấy người Việt Nam đi đến và ngồi gần bàn chúng tôi.  Nghe họ nói chuyện với nhau tôi biết là những người này phải ngồi đợi ở phi trường gần 3 tiếng đồng hồ. Tôi chợt thấy ân hận. Nếu chúng tôi đồng ý đợi thêm 1 giờ nữa thì họ không phải chờ đợi ở một nơi xa lạ lâu như vậy. Chồng tôi và những người bạn đi cùng hình như không ai bận tâm gì cả. Cũng vì áy náy và ân hận nên tôi chú ý đến những người đồng hương này. Họ gồm có 2 vợ chồng tuổi trên dưới 50, một người con gái chừng 20 và một người đàn ông trông rất quen hình như tôi đã gặp ở đâu rồi thì phải. Chàng đi một mình, bạn của gia đình kia. Tự nhiên tôi thấy tò mò muốn biết tại sao chàng lại đi một mình. Tất cả mọi người chúng tôi đều có vợ có chồng đi với nhau. Chàng người cao lớn, mặt mày sáng sủa, đẹp trai, hơn tôi khoảng 3, 4 tuổi. Chàng nói chuyện rất vui vẻ với mọi người, mấy bạn trong nhóm  ai cũng thích. Thế là nguyên một ngày đầu đi chơi tôi luôn luôn để ý đến chàng. Chàng còn độc thân hay đã ly dị ? Câu hỏi này cứ xoáy mãi trong đầu óc tôi.
     Ăn sáng xong cả đoàn chúng tôi bây giờ là 10 người dưới sự hướng dẫn của một hướng dẫn viên người Việt Nam tên Trực. Trực tuổi chừng 30, là người tị nạn sống trong trại tạm trú ở Thái Lan, đợi mãi không có nước nào cho đi định cư nên đã trốn ra ngoài và nhờ được một gia đình người Thái giúp đỡ nên nay đã là công dân Thái. Vì biết tiếng Việt và tiếng Thái nên công ty du lịch tuyển vào làm hướng dẫn viên. Trực rất lanh lợi và hiểu biết nên được lòng du khách.
     Ngày đầu chúng tôi đi tàu trên sông, con tàu khá lớn nhưng chỉ có 10 người trong nhóm chúng tôi ở trong. Tôi không nhớ được tên sông, nhưng người hướng dẫn cho biết nơi này trước kia là chợ nổi, nay đã bị dẹp vì không giữ được vệ sinh trên sông. Thuyền đi được chừng 20 phút chúng tôi nhìn xuống dòng sông có cá rất nhiều, cá bơi lội từng đàn chen lấn nhau. Một chiếc thuyền nhỏ đi theo bán những ổ bánh mì để khách trên thuyền ném xuống cho cá ăn, nhìn cảnh cá chen nhau ăn mồi thật vui mắt. Chừng nửa giờ sau thuyền đi hết đọan sông có nhiều cá, tôi ngồi ngay ngắn trở lại và bắt đầu để ý đến cảnh vật chung quanh bờ sông. Khi quay sang bên trái phía dưới tôi nhận ra người ngồi gần là chàng. Tôi mải mê ném mồi cho cá ăn và vô tình không để ý. Tôi tự nhiên thấy tiếc, nếu tôi nhận ra chàng trước và chúng tôi chia nhau miếng bánh mì và cùng vất xuống cho cá ăn thì vui biết mấy. Tôi bước lại ngồi bên chàng và gợi chuyện:
     - Cá nhiều ghê anh há ?
     - Vâng. Lần đầu tiên tôi thấy cá trên sông nhiều như vậy.
     - Hôm qua anh về đến khách sạn lúc mấy giờ ?
     - Khoảng 2 giờ sáng.
     - Phải đợi lâu và lại ngủ ít chắc là mệt lắm ?
     - Cũng khá mệt. Nếu họ cho biết trước là phải đợi thì không sao. Chúng tôi chỉ sợ hãng du lịch họ quên không ra đón. Chúng tôi có nhờ nhân viên phi trường liên lạc về công ty du lịch nhưng vì đã khuya nên không có người nghe điện thoại. Trực (hướng dẫn viên) có giải thích lý do về sự chậm trễ. Lý do được nêu lên cũng có thể hiểu được. Đó là viêc ngoài ý muốn. Nghe xong tôi rất mừng vì như vậy là chàng không oán giận gì chúng tôi nữa.
     Nói xong chàng lơ đãng nhìn ra hai bên bờ sông như nghĩ ngợi một điều gì. Tôi thấy có thiện
cảm với người đàn ông này và muốn ngồi bên để nói chuyện với chàng mãi. 
      “Đưa người, ta không đưa qua sông,
        Sao có tiếng sóng ở trong lòng ?
        Bóng chiều không thắm, không vàng vọt.
        Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong ?
       Đưa người, ta chỉ đưa người ấy
      Một giã gia đình, một dửng dưng…     
                                        
   Đọc xong mấy câu thơ trong bài Tống Biệt Hành của Thâm Tâm rồi chàng hỏi tôi:
     - Chị có nhớ bài thơ  Tràng Giang của Huy Cận không, cũng nói về cảnh sông nước, bài thơ này hay lắm?
     - Anh cứ gọi em là Ngân. Ngân có biết bài này nhưng không thuộc. Em cũng mới thích thơ văn mấy năm nay thôi. Ngày xưa bận quá, bây giờ em mới có nhiều thì giờ. Anh ngâm thơ cho Ngân nghe được không ?
     - Tôi thích đọc thơ chứ không thích ngâm thơ. Đọc thơ người nghe thấy rõ được lời và ý của bài thơ, còn ngâm thơ người nghe mải chú ý đến âm thanh và tiết điệu nên đã bỏ quên ý và lời.
     Rồi chàng đọc nhỏ đủ cho tôi nghe:          
 
       “ Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
          Con thuyền xuôi mái nước song song
          Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
          Củi một cành khô lạc mấy dòng…
        
                        *                                 
         
          Không bóng hoàng hôn cũng nhớ nhà.”

     Chàng vừa đọc xong bài thơ của Huy Cận thì thuyền cập bến. Đoàn chúng tôi lên bờ để đến cung điện Hoàng Gia Thái Lan. Tôi muốn được đi tiếp bên chàng để nói chuyện, nhưng giữ ý, chàng tách ra rồi đi với người bạn của chàng. Tôi hiểu là chàng không muốn có sự  hiểu lầm với chồng tôi. Riêng tôi thì không ngại. Tôi với chồng tôi bây giờ chỉ còn coi nhau như bạn. Chúng tôi đã thỏa thuận với nhau đi chơi lần này về sẽ hoàn tất thủ tục ly dị nhưng vẫn cố gắng giữ giao hảo tốt với nhau. Căn nhà ở bờ biển San Diego đang rao bán. Chúng tôi lấy nhau đã gần 25 năm từ khi tôi 18 tuổi lúc còn ở Việt Nam. Mẹ tôi bảo lấy chồng thì tôi lấy. Tôi lấy chồng rất tự nhiên như tôi phải ăn phải uống vậy. Tôi sống ở vùng quê, đa số các cô gái đều như thế. Có người đến hỏi và bố mẹ bằng lòng là xong.  Tôi không quen và không yêu chồng trước khi lấy. Lấy nhau xong chồng tôi cùng mấy người trong xóm đóng tàu vượt biên và đến được Thái Lan rồi vào Hoa Kỳ. Cũng có thể mẹ tôi thấy chồng tôi sắp đi Mỹ nên vội cho tôi đi lấy chồng. Tôi không yêu chồng và chồng tôi hình như cũng không yêu tôi nhưng chúng tôi vẫn ăn ở với nhau để đợi con tôi lớn. Nay con tôi đã lập gia đình và ra ở riêng. Tôi chưa bao giờ thích một người đàn ông nào khác. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi để ý đến một người đàn ông lạ. Tôi như bị người đàn ông này cuốn hút, tôi cảm thấy bị lao theo hấp lực của chàng. Tôi không hiểu được tôi, từng này tuổi đầu mà còn quá ư lãng mạn. Có thể từ trước đến giờ tôi không có tình yêu chăng ? Mải nghĩ ngợi nên phái đoàn chúng tôi vào đến cung điện Hoàng Gia lúc nào không hay.
    Cung điện Hoàng Gia Thái thật đẹp. Dân chúng Thái Lan rất tôn sùng và quý trọng nhà vua,  vua là biểu tượng của vương quyền, của linh hồn và sự đoàn kết quốc gia. Trong khi 3 quốc gia là Việt, Miên, Lào bị cảnh chiến tranh, bị ngoại bang xâm lược thì nước láng giềng Thái Lan vẫn luôn giữ được hoà bình và độc lập. Buổi tối chúng tôi được đưa đến một nhà hàng sang trọng, có vũ và xiếc, đặc biệt có những nữ ca sĩ mặc áo dài rất đẹp lên hát, họ là những người con trai được giải phẫu thành gái. Khi chúng tôi ngồi ăn họ đến từng bàn đưa nước và cũng là để chúng tôi thấy tận mặt.
     Sáng hôm sau tôi đến ngồi ăn với chàng và gia đình người bạn của chàng. Vì ngồi chung đám đông nên chàng vui vẻ nói chuyện với tôi rất tự nhiên, không e ngại như trước. Ăn sáng xong chúng tôi ra bờ biển Pattaya để đi tàu ra một hòn đảo ngoài khơi. Tôi sợ chóng mặt nên xuống trước và ngồi ghế ở mui tàu. Một lát chàng đến ngồi bên tôi. Chàng giải thích:
     - Ngồi ở dưới hay bị chóng mặt, ngồi đây đỡ hơn.
     - Ngân cũng vậy. Ngân hay bị chóng mặt nên phải nhận chỗ này trước.
     Trời hôm đó có gió lớn nên sóng biển rất mạnh, con tàu lắc lư khiến tôi nhiều lần phải vồ lấy chàng cho khỏi ngã. Chàng bảo tôi:
     - Ngân không sợ, tôi ngồi bên ngoài nếu Ngân ngã đã có tôi
     Tôi húng hắng ho, chàng lấy ở trong túi quần hai viên kẹo ho đưa tôi:
     - Kẹo ho này hay lắm, Ngân ngậm là hết ho ngay. Nhớ là ngậm chứ đừng nhai.
     Tôi nhận kẹo ho và nói cám ơn chàng. Kẹo ho của chàng hay thật, tôi ngậm và hết ho ngay. Lòng tôi như chùng xuống. Đã lâu lắm bây giờ tôi mới được người đàn ông xa lạ săn sóc. Tôi mong được ngồi như thế này mãi nhưng rồi tàu đã tới bến. Đoàn chúng tôi đi bộ ra bãi tắm. Biển thật đẹp, khách du lịch ra đây tắm rất đông. Người hướng dẫn nói chúng tôi chơi ở đây khoảng 3 giờ rồi trờ vào bờ. Nơi đây bán đủ thứ đồ biển như tôm, cua, sò, bắp luộc, dừa tươi… Tôi dạo quanh để tìm chàng nhưng không thấy. Tôi ngồi với chồng nhưng không có chuyện gì để nói nên lơ đãng nhìn ra ngoài biển xem du khách tắm. Toán chúng tôi không ai tắm cả. Khoảng nửa giờ sau chàng đến và đưa chúng tôi chiếc bánh. Tôi chỉ chiếc ghế bên cạnh mời chàng ngồi nhưng chàng từ chối và nói chàng đã thuê ghế và ngồi với bạn chàng ở ngoài kia rồi. Tôi bóc bánh ăn và thấy nó ngon làm sao. Bên ngoài sóng vẫn dâng cao, những ngọn sóng bạc đầu tung toé trên mặt nước.   
     Rồi ngày tiếp theo chúng tôi đi cỡi voi, đi xem những con thú làm trò như người chui vào miệng cá sấu, con voi quỳ lạy khách, con hổ nhẩy qua lửa…nhưng tôi không mấy thích vì không được đi riêng với chàng. Bữa ăn tối cuối cùng đoàn chúng tôi được dẫn đến  nhà hàng sang trọng, trên tầng lầu cao nhất của thủ đô Bangkok. Chàng ngồi đối diện với tôi, không biết tôi lúng túng  hay vô ý, tay tôi hất mạnh vào ly nước và bắn vào quần áo chàng. Tôi nói lời xin lỗi, chàng trách tôi nhẹ nhàng, tình tứ:
     - Đang lạnh bên trong bây giờ lại lạnh thêm bên ngoài nữa.
     Tôi thấy ân hận và thương chàng quá. Trong lòng chàng đang buồn hay chàng đã yêu tôi nên mới nói câu đó. Tôi muốn được lau chỗ ướt trên quần áo chàng nhưng không dám. Tôi dự định sẽ nói cho chàng biết tình trạng của tôi hiện tại cho chàng bớt ngại nhưng không có dịp. Khi ăn uống đã no tôi ra ngoài sân thượng của nhà hàng nhìn xem Thủ đô Bangkok về đêm. Cảnh trí thật nên thơ, đêm nay là đêm cuối cùng, mai phải chia tay, về Việt Nam mỗi người đi một hướng. Tôi liều vào gọi chàng ra đứng nói chuyện và ngắm phong cảnh với tôi. Bên ngoài trời đầy sao. Tôi thèm được nghe lại một câu đã trở thành sáo ngữ của nhiều người: “ Nếu em đếm trên trời có mấy vì sao thì anh còn yêu em nhiều hơn thế nữa”. Tôi muốn nói hết mọi chuyện cho chàng biết thì bất ngờ bạn chàng theo ra, tôi đứng sát bên chàng và nhờ chụp cho tôi với chàng một tấm hình. Tôi muốn được chàng ôm tôi và đứng sát bên tôi, nhưng chàng chỉ mỉm cười và chiều ý tôi để cho người bạn chụp hình. Đêm hôm đó về tôi ngủ rất ít và mong cho đến sáng. Tôi đự định bữa ăn điểm tâm buổi sáng ở Chaophaya Park Hotel tôi sẽ săn sóc chàng, tôi sẽ lấy thức ăn cho chàng để cho chàng biết là tôi đã yêu chàng. Buổi sáng tôi dậy thật sớm để trang điểm và đến nhà ăn mong được gặp chàng. Nhưng tôi ngồi đợi mãi không thấy chàng tới ăn. Ăn xong tới giờ để lên xe ra phi trường về Việt Nam vẫn không thấy chàng. Tôi hỏi người bạn của chàng thì được trả lời là chàng đã xuống ăn từ trước không hiểu sao không thấy. Khi chúng tôi đi ra chàng đã đứng ở bãi đậu xe, tôi mừng quá nhưng thấy thương chàng vì chàng không được ăn sáng. Tôi đi lại bên chàng và hỏi: “Anh quên không ăn sáng ?”. Chàng trả lời là chàng đã ăn sáng ở phòng ăn bên cạnh vì khách sạn có 2 phòng ăn, chàng quên không nhớ lời dặn là ăn ở phòng ăn nào. 
     Ra tới phi trường tôi muốn có sự liên lạc nên nhờ chàng chụp hình và tôi ghi địa chỉ cùng số điện thoại cho chàng và hỏi số điện thoại của chàng. Ngồi đợi ở phi trường chàng nói “ Về Sài Gòn nếu gặp quý vị thế nào cũng mời đi ăn kem, lúc đó chắc vui lắm”. Chàng nói chung cả đám nhưng tôi nghĩ là chàng muốn nói với tôi. Rồi chúng tôi chia tay để lên máy bay và không còn gặp nhau nữa. Hơn hai tuần lễ ở Việt Nam chúng tôi đi Vịnh Hạ Long, chùa Hương Tích, Nha Trang, Đà Lạt, thăm chợ hoa ngày Tết, chợ hoa trong công viên Tao Đàn, trên đại lộ Nguyễn Huệ… đi khắp nơi tôi đều mong gặp lại chàng, mong được gặp chàng trên phố Sài Gòn để được ăn kem như chàng hứa, nhưng tôi không thấy chàng đâu. Trong khi đó người dân trong nước tấp nập sửa soạn đón Xuân.  
     Thời gian ở Việt Nam trôi qua thật nhanh, mùa Xuân trên quê hương không còn như xưa nữa.
Tôi như lạc lõng giữa những ồn áo, náo nhiệt. Tôi trở về Hoa Kỳ và mong thư cùng điện thoại của chàng nhưng mãi không thấy. Đợi lâu nóng lòng tôi gọi điện thoại cho chàng nhưng điện thoại chỉ có máy trả lời bằng giọng người đàn bà nên tôi tắt máy. Tôi nôn nóng chờ đợi thư hoặc điện thoại của chàng thêm một thời gian nữa nhưng vẫn không có tin tức, tôi bèn gọi lại lần thứ hai rồi lần thứ ba. Cũng như trước, vẫn giọng người đàn bà nói trong máy ghi âm. Tôi e ngại không dám nói tiếng Việt, tôi nói tiếng Anh: “làm ơn gọi số điện thoại…”. Tôi hy vọng chàng nghe và nhận ra số điện thoại của tôi. Nhưng vẫn bặt vô âm tín. Tôi không hiểu được chàng, tại sao chàng lại vô tình với tôi như thế khiến tôi phải chờ tin chàng ngày này qua ngày khác. Có thể tôi tưởng tượng hơi nhiều chứ chàng không có tình ý gì với tôi cả vì chàng có hứa hẹn gì với tôi đâu ? Nếu thích tôi chàng đã gọi và gửi hình cho tôi ?.
     Rồi bất ngờ tôi ốm, lần đầu tiên trong bao nhiêu năm bây giờ tôi mới bị ốm. Tôi không đi làm được và phải nghỉ để dưỡng bệnh. Chồng tôi lo lắng và xin nghỉ hè để ở nhà săn sóc tôi. Chồng tôi lấy khăn nóng lau mặt cho tôi mỗi buổi sáng rồi nấu cháo cho tôi ăn. Tôi chợt bừng tỉnh. Chỉ có người đàn ông ngồi bên tôi bây giờ mới là người yêu tôi nhất. Trước giờ tôi vẫn nghĩ chồng tôi là người khờ khạo, ba phải và thờ ơ với tôi, nay tôi mới nhận thức được đâu là tinh yêu chân thật. Tôi bảo chồng tôi đưa cho tôi cuốn sách nhỏ trong đó có trang giấy ghi số điện thoại của người đàn ông xa lạ tôi đã gặp nơi Thái Lan và xé vụn ra rồi đưa chồng bỏ vào thùng rác. Tôi ngẫm nghĩ lại tuy chàng vô tình với tôi nhưng dù sao tôi cũng cám ơn chàng đã hiểu tính bồng bột và sôi nổi của tôi, nên đã ngăn chặn tôi lại và không dẫn tôi vào vũng lầy của tội lỗi nữa. Một đám mây đen đã bay qua khỏi cuộc đời tôi. Tôi mừng vô cùng. Chỉ trong đường tơ kẽ tóc tôi sẽ phạm một điều sai lầm lớn.
     Tôi cảm thấy khỏe hẳn lại, hình như tôi đã khỏi bệnh. Tôi kéo chồng tôi xuống bên tôi rồi đặt chiếc hôn lên trán chồng. Chồng tôi rất ngạc nhiên vì đã lâu lắm chúng tôi không hôn nhau, không nói với nhau những lời yêu đương nồng nàn. Tôi nói trong nghẹn ngào: “ Em cám ơn anh. Xin anh tha lỗi cho em. Em yêu anh, em mãi mãi là của anh...”. Chồng tôi không hiểu tại sao tôi lại có sự thay đổi như vậy nhưng cảm động nắm chặt tay tôi và nói: “ Anh yêu em. Anh mong em chóng khỏi bệnh và chúng mình sẽ không xa nhau nữa ”. Nước mắt tôi chảy ra, vài giọt lệ lăn trên má. Chồng tôi lấy khăn thấm nước mắt cho tôi.                               
     Trời đã vào đêm, ánh trăng rằm chiếu qua cửa sổ. Tôi đứng dậy và cảm thấy người khoẻ hẳn ra. Tôi giắt tay chồng đi lên sân thượng. Nhìn ánh trăng lấp lánh trên mặt biển chồng tôi rất vui mừng và nói sáng hôm sau sẽ gặp chuyên viên địa ốc để hủy bỏ hợp đồng không bán căn nhà này nữa. Tôi đứng tựa vai chồng nhìn ra xa, bên ngoài tiếng sóng vỗ rì rào như một điệu nhạc reo vui...  








                    
 SAU CUỘC CHIẾN

  Trích trong truyện dài “DẤU THỜI GIAN”
   của Hòang Nguyên Linh trang 270-280.
                                                 

     Nga và Phượng đang nói chuyện với Ngọc thì Khánh tới. Muốn Ngọc được tự nhiên với Khánh nên hai bạn chỉ nói một vài câu xã giao rồi đứng lên ra về. Khi hai bạn đã đi rồi, Ngọc hỏi Khánh:

-        Anh mới được về ?

-        Anh về ban trưa và đến em ngay. Em vẫn khỏe chứ ?

-        Cám ơn anh, em bình thường.

-        Có gì lạ không em ?

     Ngọc cười, lần nào Khánh cũng có câu đó:

-        Dạ không. À có anh.

     Khánh hơi hoảng:

-        Cái gì đó cho anh biết với ?

-        Bí mật !

-        Sao ghê gớm thế ? Em nhất định dấu anh à ?

-    Nói đùa anh đó. Tại anh hứa kể cho em nghe câu chuyện thương tâm ở đơn vị anh mà anh chưa kể.

-        Một lát nữa thế nào anh cũng kể em nghe

     Khánh xoa nhẹ vào má thằng bé mà Ngọc đang bế trên tay rồi hỏi:

-        Con cô bạn của em đây phải không ?

-        Vâng. Con chị Phượng đó. Anh xem ngày sau nó học có giỏi không ?

     Khánh vô tình nói:

-        Cháu bé đẹp quá, trông giống chú Vinh ghê, nhất là đôi mắt và cái miệng.

-        Vậy hở anh ? Chị ấy sắp đi lấy chồng nên cho em thằng bé này. Em yêu nó lắm và đã nhận nuôi.

     Khánh bế thằng bé và hỏi Ngọc:

-        Tên cháu là gi ?

-        Quang. Nguyễn Huy Quang.

-        Anh cũng định có con đặt tên là Quang.

     Ngọc nhí nhảnh:

-        Thế như anh ! Bao giờ lấy vợ nhớ cho Ngọc ăn cỗ với đấy nhá.

-        Tùy em quyết định, em muốn ăn cỗ lúc nào cũng được.

-        Ồ thích nhỉ.

      Khánh nhận xét:

-        Hôm nay em có vẻ vui nhiều và đẹp nữa.

     Ngọc làm nũng:

-        Tại lâu anh không về đó. Bao giờ anh phải trở lại đơn vị ?

-        Sáng mai anh đi sớm.

-        Còn cô An, em của anh có được khoẻ không ?

-        Cô ấy không được khoẻ lắm. Có lẽ mai mốt cũng vào Sài Gòn và đến Từ Dũ nhờ em.

     Ngọc nhớ lại ngày đi chơi với An và Khánh ngoài bãi biển Vũng Tàu rồi nói:

-        Chóng quá anh nhỉ. Mới ngày nào còn đi học bây giờ đã có chồng, có con rồi. Chỉ em là vẫn thế…

Khánh hạ thấp giọng:

-        Anh lúc nào cũng ở bên chờ đợi em, mong em đừng từ chối

-        Em chỉ sợ là không biết có xứng đáng với anh không thôi. Đây là ý nghĩ chân thành nhất xin anh hiểu cho em. Trước giờ em vẫn lẩn tránh anh cũng chỉ vì nghĩ như thế.

Khánh sung sướng vuốt lên mái tóc Ngọc:

-        Em ! Em đừng nói như vậy. Anh lúc nào cũng quý mến em

Ngọc nhìn Khánh thật đáng yêu và nói trong xúc động:

-        Em không cha, không mẹ, chỉ có một thân một mình. Em xin anh một điều thôi

-        Em cứ nói.

-        Cho em được nuôi và thương yêu thằng bé này như con đẻ cho đến khi nó lớn.

Khánh cười:

-        Tưởng cái gì chứ. Chắc em thấy nó giống chú Vinh nên qúy mến phải không?

-        Vâng. Anh phài cam đoan với em không rồi ngày sau hành hạ nó tội nghiệp.

-        Anh cam đoan với em. Anh vừa nhìn thấy đã thích rồi.

Khánh nói tiếp để đùa Ngọc:

-        Thế là chúng mình có con trước rồi đó. Em bắt nó gọi anh bằng “cậu” nũa nghe không ?

Ngọc cười chế Khánh:

-        Gọi bằng “thầy” chớ anh?

-        Em lại chế nhạo anh rồi. Ở quê ngoài Bắc thường gọi thế, nhưng thôi bây giờ gọi “ba, má” hay “bố, mẹ” cho tiện.

Ngọc hỏi lảng sang chuyện khác:

-    Nãy anh hứa sẽ kể em nghe chuyện ở đơn vị anh ?

-    Ngồi xuống đi anh kể đây:

     “Hai tháng trước tại vùng chiến thuật của anh, sau trận giao tranh khốc liệt, quân ta đã tòan thắng, không ai bị chết, chỉ có một số nhỏ bị thương nhẹ. Trong khi ấy quân địch bị thua nặng, Cả đại đội của địch bị tan rã hòan tòan. Tất cả đại đội anh đều reo mừng chiến thắng và chờ đợi một cuộc khao quân lớn. Tin vui vừa nở trên môi mọi người từ binh sĩ tới cấp chỉ huy thì bất ngờ tin buồn ập tới. Bên ta bắt được một số tù binh trong đó có hai bị thương, một người cụt tay, người kia cụt hai chân và mù một mắt. Sau khi xem xét giấy tờ vị Đại úy chỉ huy trận đánh mới nhận ra chính người thương binh cụt hai chân và mù một mắt là em trai út của ông ta mà hồi di cư còn kẹt lại ngoài Bắc không vào Nam được. Người em ở lại ngoàì Bắc đi lính cho phe bên kia, ngườì anh vào Nam đi lính cho phe bên này.  Hai bên đánh nhau, mỗi người ở một giới tuyến. Nhìn thấy em bị cụt hai chân và mù một mắt do chính đơn vị ông ta chỉ huy bắn vào nên vị Đại úy này đã ngất xỉu đi. Hiện giờ vị Đại úy đó như một người mất trí, lẩn thẩn không biết gì nữa…”

 Ngọc nghe Khánh kể xong, nàng thở dài:

-        Tội nghiệp ông ấy quá !

-     Đó chỉ là một trong nhiều trường hợp của người dân mình, một hậu quả của chiến tranh, không ai mong muốn mà vẫn phải làm.

Ngọc bảo Khánh:

-     Cuộc đời buồn thật anh nhỉ. Hình như trong mỗi con người đều có những nỗi khắc khoải khác nhau, nhưng chúng ta vẫn cứ phải kéo lê cuộc sống từ thế hệ này đến thế hệ khác. Đâu mấy ai có đủ can đảm lìa bỏ cuộc sống. Có lẽ đời nó phải có tất cả điều vui cũng như nỗi buồn mới tạo thành sức nhiệm mầu để lôi cuốn con người ở lại. Nếu giả sử cuộc đời này toàn màu hồng, chỗ nào cũng tốt đẹp hết, tất cả là thiên đường con người chưa chắc đã ham sống. Anh thấy chưa, trong món ăn lúc người ta thích ngọt bùi nhưng cũng có lúc thích cay với đắng để cho thêm hương vị. Nhiều lúc em nghĩ cay đắng ở đời có khi chỉ là hương vị gíup con người có hứng thú sống.

Khánh bảo Ngọc:

-        Em lại lẩm cẩm rồi

 -    Có lẽ em lẩm cẩm thật. Nhiều lúc em tự hỏi tại sao em không thù ghét đời, em không chán đời. Tự tử quyên sinh có hơn không, em lại tiếp tục kéo lê cuộc sống trong khi em chỉ còn cô độc một mình. Tất cả những người thân yêu nhất của em đã mất đi vì chiến tranh do chính con người tạo ra. Chiến tranh tàn ác đã cướp đi của em bao người thương yêu…

Khánh sợ nói chuyện chiến tranh mãi sẽ gợi thêm nỗi buồn nơi Ngọc, nên chàng hỏi sang chuyện khác:

-        Anh nghe cô An nói em ở trong hội “ Bạn người mù” phải không ?

-        Vâng. Gần những người tàn tật em thấy có nhiều bổn phận và cần phải sống hơn để giúp đỡ họ.

-        Em có tinh thần xã hội cao, như vậy nghề nữ hộ sinh rất hợp với em.

-    Anh thấy không, em mồ côi cha mẹ từ nhỏ nhưng em may mắn được những người chung quanh thương yêu. Ai cũng quý mến và tốt với em. Nhiều lúc em có cảm tưởng em sinh ra để đón nhận tình thương của mọi người, vì vậy em nghĩ mình phải có bổn phận đáp lại phần nào những tình thương đó. 

Khánh thấy ngồi đã lâu vội đưa thằng bé Quang cho Ngọc bế rồi nói:

-        Anh phải đi bây giờ, còn nhiều việc cần làm lắm.

-        Bao giờ anh mới được về?

Khánh có vẻ buồn, không muốn xa Ngọc  nhưng vì công vụ chàng không thể ngồi lâu được. Giọng chàng như chùng xuống:

-        Hai tháng nữa em.

-        Lâu quá anh nhỉ. Nhớ viết thư cho em.

Khánh hôn lên vừng trán của Ngọc:

-        Em ở lại anh đi.

-        Chúc anh đi được bình an

Ngọc tần ngần đứng tựa cửa nhìn theo chiếc xe chở Khánh khuất dần sau hàng me bên đường. Thằng bé Quang dụi tay lên mắt đòi ngủ. Ngọc bế con trở vào trong nhà, lòng buồn mênh mang…

     Nhìn thằng bé bắt đầu ngủ, Ngọc nghĩ tới Vinh rồi đặt chiếc hôn lên trán con, lòng nàng như thắt lại. Căn nhà từ nay trở nên vắng lạnh, buồn tênh. Nỗi cô đơn như phủ trùm lấy nàng.

     Ánh sáng mờ dần đưa ngày vào đêm. Kỷ niệm tuổi học trò đã qua đi, Ngọc nghĩ đến các bạn mới ngày nào còn vui chơi trong vùng trời tuổi dại, hôm nay đã lần lượt vào đời hoặc tản mát bốn phương trời đầy khói lửa điêu linh.  Bất giác Ngọc thở daì…

     Ngọc nghẹn nơi cổ và nước mắt nàng tự nhiên rơi xuống mặt con khiến nó thức dậy khóc. Thằng bé khóc cái miệng lại càng giống Vinh. Nàng ôm chặt lấy con như cố giữ gìn một báu vật và thêm nguồn can đảm sống rồi âu yếm nói: “ Con ngoan ngủ đi cho chóng lớn để ra mặt trận tiếp nối chiến tranh. Cha con chết nhưng nghiệp binh đao còn nặng, thanh bình chưa trở về với quê hương nên cha con đã gửi con lại trên cõi đời này. Con phải cố gắng làm cho xong món nợ của người”…



       









CÔ GIÁO NGA

  Hoàng Nguyên Linh




   Tôi là một cô giáo mới. Sau khi tốt nghiệp trường Quốc Gia Sư Phạm Sài Gòn tôi nhận được  sự vụ lệnh về dạy tại tỉnh Bình Tuy, một tỉnh nhỏ ở ven bờ biển, nằm giữa Phan Thiết và Bà Rịa.
      Tôi rời Sài Gòn vào một buổi sáng mùa Thu, thân nhân và bạn bè đều bận nên không ai đưa tiễn. Tôi mang một va li nhỏ đựng quần áo và một số vật dụng cần thiết không lấy gì là nặng lắm nhưng đôi chân lết bết như không nhấc lên được. Trời hôm đó không mưa to nhưng cũng đủ làm ướt áo và tạo thêm không khí u buồn, ảm đạm cho một chuyến đi dài.
     Xe đò chạy Sài Gòn - Bình Tuy một ngày chỉ có một chuyến. Chúng tôi 12 người mới tốt nghiệp hẹn nhau cùng đi một lượt. Xe khởi hành lúc 8 giờ sáng nhưng 7 giờ 30 mọi người đã đông đủ. Những khuôn mặt trẻ, tuổi 20, 21, mới rời bỏ ghế nhà trường hơn 3 tháng, mặt mày non nớt, mới ngày nào còn hồn nhiên, vui cười nhưng hôm nay nhìn ai cũng có vẻ đăm chiêu, tư lự. Lần đầu tiên bước chân vào đời, rời gia đình để đi đến một nơi xa lạ, có chiến tranh đêm ngày.  Chúng tôi sợ nhất là phải qua đoạn đường Rừng Lá khá dài, nằm giữa Long Khánh và Bình Tuy, nơi được nghe là sào huyệt của Việt Cộng, đầu óc chúng tôi càng thêm căng thẳng…
     Chiếc xe đò cũ kỹ, ì ạch chạy mấy tiếng đồng hồ rồi cũng đến Rừng Lá. Xe phải dừng lại nhiều lần cho mấy VC quá giang. Hai chị bạn trong nhóm mang theo radio được hỏi để cho “cách mạng mượn tạm”. Nhờ có được 2 chiếc radio, mấy VC rất mừng nên chúng tôi không bị làm khó dễ gì cả. Đi hết đoạn đường nguy hiểm, người tài xế cho biết  “các ảnh”  thích radio lắm vì sống ở trong rừng họ buồn, không được nghe cải lương và tin tức bên ngoài. Khi chúng tôi tới tỉnh Bình Tuy trời đã về chiều, ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm… Chúng tôi không biết ở đâu nên đến thẳng Ty Tiểu Học trình diện rồi tính sau. Ông Trưởng Ty già mang cặp kính cận khá dầy nhận tờ sự vụ lệnh rồi đưa chúng tôi danh sách của 8 trường trong tỉnh cần giáo viên. Tôi và Dung nhờ ra trường đỗ hạng cao hơn mấy người trong nhóm nên được chọn trước. Hai chúng tôi về Hàm Tân cách tỉnh lỵ gần 5 cây số. Một vài bạn khác phải đi thật xa như Tánh Linh, Võ Đắt. Chúng tôi được chia nhau đến ở nhà mấy đồng nghiệp trong tỉnh để sáng hôm sau về nhiệm sở mới.
      Tôi và Dung được giới thiệu đến thuê trên lầu của một gia đình thuộc loại giầu  trong quận. Nhà mái ngói đỏ, trên lầu có 2 phòng, mỗi người ở một phòng. Nhà có sân thượng nhìn ra biển rất đẹp và mát. Tuy giá thuê hơi cao so với đồng lương nhưng chúng tôi được yên tâm về an ninh vì ở trên lầu và hai người ở với nhau nên có thể giúp đỡ nhau khi cần.
     Thế là vì sinh kế tôi đã vào đời, đỡ gánh nặng cho bố tôi và tránh cho người dì ghẻ một cái gai trước mắt. Tôi trở thành cô giáo trẻ của đám học trò nhỏ dễ thương. Bao nhiêu hoài bão lúc còn ở trong trường tôi muốn đem ra thực hiện. Tôi nhìn đời với nhiều kỳ vọng là trau dồi kiến thức cho những trẻ em nghèo nơi thôn giã. Nhưng rồi đám học trò bé nhỏ đã đưa tôi vào thực tế của một xã hội chiến tranh, lầm than, nghèo khổ và chết chóc. Có đứa không có tình thương và sự ấp ủ của mẹ hiền, có đứa mới ra đời đã không có cha, có đứa cha mới chết vài ngày vì chiến tranh. Đứng bên chiếc bảng đen nhìn đám học trò ngây thơ, đôi mắt óng ánh ngơ ngác, tôi thấy thương học trò của tôi, và thương quê hương tôi, thương đám dân chài mỗi sáng ra khơi, thương bãi biển Hàm Tân thật đẹp với bãi cát phẳng lì như tráng xi măng và ngọn sóng hiền hoà, thương hàng dừa xanh, cành thông rũ bên đường. Tôi tự nguyện với lòng là sẽ cố gắng chu toàn bổn phận của một cô giáo…  
     Đoạn đường Rừng Lá luôn luôn bị VC đắp mô không lưu thông được. Quân đội giải tỏa hôm trước, hôm sau chúng đắp mô trở lại. Chúng đắp mô rất dễ dàng, chỉ cần viết lên chiếc nón hay một tấm bìa cứng và đề : “Hôm nay có đắp mô”  rồi cắm bên đường và để một khúc gỗ chắn ngang. Tất cả các tài xế phải tuân lệnh, nếu xe nào chạy qua sẽ bị du kích trong rừng bắn và tài xế sẽ bị dẫn vào trong để “kiểm thảo” nên tài xế nào cũng sợ, không dám đi qua. Tôi không về được Sài Gòn và kéo lê đời sống của một cô gíao tỉnh nhỏ ngày này qua ngày khác. Dung vì buồn nên chỉ một thời gian ngắn đã lập gia đình với một đồng nghiệp. Tôi hàng ngày đi dạy về là leo lên lầu, nghe radio và đọc sách. Tôi bắt đầu cảm thấy buồn. Tôi viết thư cho bạn ở Sài Gòn để tâm sự :

       Bình Tuy ngày 12 tháng 9 năm …  
      Ngọc thân,
      Hôm nay trời trở lạnh, gió biển thổi nhiều, ngồi một mình trong căn gác trọ, mình nhớ về Sài Gòn, nhớ đến “ bà”, đến Phượng, nhớ những người quen…
     Cũng ngày này năm trước, sau lần ra đi với bao nhiêu sầu nhớ, tâm sự ngổn ngang, thân xác  mệt mỏi vì cuộc hành trình quá nửa ngày trời với gió và cát bụi mình mới nhớ ra là không ghi địa chỉ người quen. Người quen mà không nhớ địa chỉ thế mới loạn. Đầu óc mình trống rỗng. Đến nhà bà cả cả mấy chục lần mà số nhà vẫn không nhớ phải đề thế nào. Nay mới nghĩ ra cách là mình viết về cho người anh họ để cầm đến cho bà.
     Ngày tháng qua đi, những ngày dài vô tận, không được biết Sài Gòn là gì, bạn bẻ ở nhà vui mạnh ra sao và Lê Lợi mỗi chiều thứ Bảy có vắng bóng giai nhân không ?
     Cuộc sống Bình Tuy có lẽ vẫn muôn đời buồn chán, vẫn lặng lẽ trôi như những con tàu ngoài khơi nhả khói tuần tiễu duyên hải từ ngày này qua ngày khác. Thanh niên ở đây thì đủ sắc thái, người vui hưởng hạnh phúc gia đình với vợ ngoan và đứa con đầu lòng xinh đẹp, kẻ vào trong trường những giờ ra chơi ngồi đọc và viết thư cho người yêu, có người đánh bài thâu đêm để lấp đi những khoảng trống tâm hồn. Bọn con gái vì buồn, vì xa nhà nên hóa ra liều lĩnh, sống bừa bãi, hùa theo nếp sống đàn ông, nhưng trái lại cũng có kẻ ngồi buồn cô độc, mơ về tình yêu ở tận phương trời xa xôi gần như tuyệt vọng. Họ đi lang thang trên những con đường mòn sỏi đá hay trên bãi biển trong những buổi chiều tà nhạt nắng. Gió lộng thổi, hơi lạnh len lỏi vào tận buồng phổi, con tim, lúc đó những kẻ xa nhà mới giật mình run sợ cho kiếp sống độc hành …
     Trường mình dạy ngay sát bờ biển. Xung quanh trường có hàng dừa xanh. Trước mặt trường  biển rộng bao la, sau lưng là núi đồi trùng điệp, rừng xanh bát ngát. Bình Tuy toàn rừng, ruộng vườn rất ít. Dân đa số sống bằng nghề chài lưới. Những ngày biển động người dân rất khổ sở vì họ không kiếm đủ miếng ăn…
     Mải nói chuyện quyên không hỏi thăm. Bà ở nhà lúc này ra sao ? Có nhận được thư từ của anh Khánh đều không ? Mình thì vẫn thế, vẫn giậm chân tại chỗ, nhưng mình không muốn trở thành cô giáo già nơi tỉnh lẻ, mình cũng lại sợ lấy chồng vì lấy chồng thời chiến tranh mình không muốn chít vành khăn trắng đi sau chiếc xe tang khi tuổi đời còn son trẻ, không muốn đứa con thơ ra đời không có cha… Nhưng số mệnh có lẽ đã an bài, mình cũng phải đi đến quyết định thôi, không lẽ “trơ cổ thụ” mãi, người ta sẽ gọi là “gái già”.Phải không Ngọc ? Mình mới quen một người tên Tuấn.  Anh Tuấn là biên tập viên cảnh sát, mới ra trường và được bổ về đây làm phó trưởng ty cảnh sát tỉnh này. Tất cả được kể là trung bình nhưng hợp với mình.  Nhưng thôi, chuyện còn mới lắm, có gì lạ sẽ cho bà biết sau.
     Ngọc thân mến,
     Thế là cuộc sống của mình trong chốc lát đã phải chuyển di từ thành đô về tỉnh lẻ. Lữ khách hôm nay phải tha phương cầu thực tận phương trời xa xôi, chân trời góc biển này. Nghĩ và nhớ  Sài Gòn nên viết thư về bà cùng cho gửi lời thăm đến những người thân.
     Đêm đã về khuya, trước khi dừng bút chúc bà gì bây giờ nhỉ ? Thôi thì cầu mong được vui mạnh luôn.
                                                 Thân mến,
                                                 Phương Nga    
        Vì buồn và cô đơn, tất cả bạn bè đều đã lập gia đình nên Tuấn đến với tôi không mấy khó khăn. Hai tâm hồn đang cô đơn nên dễ dàng kết hợp. Quen nhau được 3 tháng thì chúng tôi làm đám cưới. Tôi viết thư về xin phép bố cho đúng phép chứ thực ra tôi biết bố tôi cũng chẳng có ý kiến gì, tôi muốn lấy ai thì lấy. Ông là một Trung Tá bộ binh, thì giờ không có lại bị người vợ kế  kèm bên, biết tôi đi lấy chồng là ông mừng rồi.
     Ngày đám cưới của tôi với Tuấn rất đơn giản, chúng tôi tổ chức ngay tại tỉnh Bình Tuy. Vì chiến tranh và giao thông cách trở nên cả Tuấn và tôi không có thân nhân từ Sài Gòn ra tham dự. Ông Trưởng Ty Tiểu Học đại diện cho nhà gái và ông Trưởng Ty Cảnh Sát đại diện cho nhà trai. Hai ông Trưởng Ty đại diện đến nhà thuê của Tuấn chứng kiến chúng tôi trao nhẫn cho nhau. Một số ít bạn bè cùng tới dự. Ăn bánh và uống nước trà chừng 1 giờ sau chúng tôi đến nhà hàng trong tỉnh đẻ ăn mừng đám cưới với sự tham dự của hầu hết các giáo chức trong ty Tiểu học và nhân viên trong ty Cảnh sát. Chúng tôi được nghỉ một tuần rồi đi làm trở lại.
     Tôi hạnh phúc bên chồng và nghĩ rằng sẽ được sống những ngày êm đềm như bao cặp vợ chồng khác, chúng tôi sẽ có con và nuôi cho con khôn lớn. Tôi đang nhìn đời bằng một màu hồng rực rỡ thì bất ngờ tai ương xẩy đến. Chồng tôi đi công tác ở quận Tánh Linh bị VC phục kích bắt 4 người trong xe. Một tháng sau người tài xế là dân địa phương được thả về, chổng tôi và 2 cảnh sát khác bị mang vào trong rừng rồi không có tin tức gì nữa …
     Tôi quá đau buồn và không còn tâm trí nào có thể tiếp tục dạy học nữa. Tôi đã sợ đeo vành tang trắng thì nay tôi phải để tang trong lòng. Tuấn bị giết hay bị cầm tù ? Chết hay cầm tù cũng khổ như nhau. Tuấn ơi, em đâu ngờ có ngày hôm nay, em đâu ngờ đã phải xa anh quá sớm khi tình yêu còn đang mặn nồng. Tôi muốn về Sài Gòn rồi làm bất cứ việc gì chứ tôi không thể ở đây cho nỗi buồn gậm nhấm, nhưng không có cách nào có thể ra đi được. Cả tỉnh Bình Tuy coi như đã bị bao vây. Cuộc chiến mỗi ngày một khốc liệt, lần lượt các tỉnh phiá Bắc lọt vào tay VC. Mỗi tối tôi nghe đài BBC để biết tin tức. Sự thất thủ Sài Gòn theo đài này được tính từng ngày chứ không phải hàng tuần hay hàng tháng nữa. Ngày 27 tháng 4 năm 1975 ông cố vấn Mỹ (Smith) trong quận Hàm Tân bất ngờ đến tìm tôi. Ông Smith biết ơn tôi vì tôi đã giúp đỡ ông thông ngôn cho các viên chức trong quận không biết tiếng Anh khi người thông ngôn của ông vắng mặt, đôi khi ông còn nhờ tôi dịch lại mấy giấy tờ viết bằng tiếng Việt ra tiếng Anh. Ông đến chào tôi để từ biệt và nói ông được lệnh phải đi ngay, không bao giờ trở lại nữa. Ông cho biết khoảng hai giờ sau máy bay trực thăng đến đưa ông đi, nếu tôi muốn về Sài Gòn thì đi với ông. Tôi suy nghĩ giây lát rồi nhận lời. Tôi thấy rằng dù tôi có ở lại cũng không giúp ích gì cho việc thả chồng tôi, nếu mai mốt mất nước vào tay VC tôi chưa chắc đã yên thân vì tôi thông ngôn cho Mỹ, họ sẽ kết án tôi là làm CIA, còn việc dạy học thì tôi không có tâm trí nào để tiếp tục nữa. Tôi sang gặp ông Hiệu trưởng xin phép cho tôi về Sài Gòn nói là có việc bận và nhờ ông trông coi lớp cho tôi, nói xong tôi đi ngay cho ông không kịp giữ lại. Tôi về căn nhà mới thuê từ ngày chồng tôi bị bắt để lấy một số vật dụng cần thiết và trả tiền thuê trước cho chủ nhà rồi ra sân bay ngay bên cạnh nhà. Chiếc trực thăng đáp xuống, ông Smith và tôi vào trong máy bay.  Máy bay xuống phi trường Vũng Tàu lấy thêm nhiên liệu rồi về thẳng Sài Gòn. Ông Smith dẫn tôi vào căn cứ DAO của Mỹ ở Tân Sơn Nhất. Tại đây tôi nhìn thấy rất nhiều gia đình đang đợi để lên máy bay đi Mỹ, những người này phải có giấy giới thiệu đặc biệt mới vào được đây, ông Smith giải thích với tôi như vậy. Ông Smith ngỏ ý nếu tôi muốn đi Mỹ ông sẽ nói với trưởng cơ quan của Mỹ tại căn cứ này. Khoảng 10 phút sau ông trở ra  tôi sẽ trả lời cho ông biết dứt khoát. Tôi nghĩ ngợi, nếu về Sài Gòn tôi sẽ ở đâu ? Bố tôi đang  hành quân ngoài mặt trận còn người dì ghẻ thì tôi không thích và bà ta cũng không muốn gặp tôi. Tôi còn đang phân vân thì gặp gia đình chị bạn cùng lớp với tôi năm Đệ Nhất trường Trưng Vương đang đợi gọi tên để lên máy bay. Tôi nói chuyện và kể hoàn cảnh của tôi cho chị nghe, chị khuyên tôi nên đi vì biết bao nhiêu người muốn đi Mỹ mà không được. Ông Smith trở ra, tôi nghe lời khuyên của chị bạn nên nhận lời.  Ông Smith bắt tay tôi và nói : “Chúc may mắn, tạm biệt”. Tôi cám ơn ông rồi không biết ông đã nói gì với nhân viên trong căn cứ DAO và người này đích thân dẫn tôi đến cửa chiếc máy bay C130, đợi tôi vào trong rồi mới đi. Nửa giờ sau những người Việt khác đã lên ngồi kín máy bay để đi Mỹ. Mọi người ngồi xuống sàn máy bay chứ không có ghế và cũng không có giây an toàn, Tôi ngồi cách chỗ chị bạn không xa lắm. Chúng tôi xuống đảo Guam ở Thái Bình Dương trời đã tối. Các nhân viên Hồng Thập Tự đón tiếp chúng tôi rất niềm nở. Chúng tôi được ăn bánh và uống nước ngọt. Sau 5 ngày tôi đến trại Campleton. Ở đây một tuần tôi được đi định cư ở thành phố Rowland Heights thuộc tiểu bang California. Vì tôi có một mình và biết tiếng Anh nên việc định cư của tôi rất dễ dàng. Bà bác sĩ Marylin Rubin, một hội viên của nhà thờ và cũng là giáo sư của trường Đại học Y khoa đã săn sóc tôi. Tôi được ở căn chung cư một phòng ngủ với đầy đủ tiện nghi. Ba ngày sau Bà bác sĩ  Marylin Rubin dẫn tôi đi khám sức khỏe. Sau kết quả thử máu và nước tiểu cả bà bác sĩ và tôi đều giật mình vì tôi đã mang thai. Tôi lo lắng không có tiền đi bác sĩ và tiền nhà thương rất tốn kém. Bà Rubin trấn an tôi là đừng lo lắng nhiều vì là dân tị nạn chính phủ sẽ giúp, nhà thờ cũng như tôi không phải bỏ ra đồng nào cả. Tôi không hiểu gì nhưng cố gắng tin lời bà nói.
     Tôi được giới thiệu đến làm cho một trung tâm giữ trẻ vì nhà thờ biết ở Việt Nam tôi đã làm nghề dạy học. Tôi nghĩ công việc này cũng hợp với tôi vì sau này sinh con tôi có thể vừa đi làm vừa trông con được. Tôi nhận việc vào ngày thứ Hai đầu tuần. Nhìn đám trẻ con chơi đùa tôi chợt nhớ đến đám học trò bé nhỏ của tôi ở trường tiểu học Hàm Tân khi xưa. Trải qua bao biến đổi dồn dập tôi đã không có thời gian nghĩ ngợi, giờ đây tôi mới thấy nỗi buồn xa quê hương. Tôi thương chồng tôi sẽ bị tra khảo, đánh đập, đói khát trong gông cùm cộng sản. Liệu chồng tôi có đủ sức chịu đựng cảnh tra tấn không. Chồng tôi đâu biết tôi đã có thai và con tôi sau này ra đời không biết cha mình là ai. Nước mắt tự nhiên trào ra. Một đứa bé thấy tôi khóc đứng lại nhìn, tôi vội lau nước mắt rồi đến chơi đùa với đám trẻ nhỏ…
     Ngày đầu tiên đi làm đã qua mau, tôi đi bộ về nhà. Người bảo trợ đã khéo chọn lựa, chỗ làm cách nơi tôi ở đi bộ mất 15 phút, tôi không phải phiền người đón đưa. Tôi đi làm được mấy tuần lễ thì đến ngày lễ Độc Lập của Hoa Kỳ và được nghỉ lễ một ngày. Người ta rủ nhau đi coi đốt pháo bông gần chỗ tôi ở, nhưng tôi không muốn đi. Sao tôi thấy quá buồn. Tôi không còn tổ quốc để đón mừng ngày độc lập nữa. Nước tôi đã mất, tôi không biết quê hương tôi bây giờ họ tổ chức lễ độc lập vào ngày nào ? Tháng Tư đen hay tháng Tám, tháng Chín, tháng Mười ? Bây giờ được ”giải phóng”  nhưng người dân không có tự do, đời sống còn cơ cực hơn lúc chưa giải phóng thì dân tôi đâu cần giải phóng. Trước kia dân chúng tôi tụ họp 10, 20 người đâu cần xin phép, khi được giải phóng rồi tụ tập trên 3 người nếu không có phép của nhà nước là bị phạt. Tôi cũng không hiểu như vậy thì họ đã giải phóng dân tôi hay đã nô lệ hoá dân tôi ?. Càng nghĩ đến những người cai trị ở Việt Nam tôi càng lo cho chồng tôi không biết giờ này anh ra sao. Anh ơi em nghe người ta nói VC họ ghét cảnh sát công an lắm. Anh làm sao chịu đựng nổi những trận đòn thù, tra khảo. Anh mới ra trường chưa được một năm đã làm gì có tội với họ. Sống ở bên anh em biết anh chưa giết một người nào cũng như chưa hại một ai. Anh tốt quá và anh hiền quá sao anh lại vào nghề cảnh sát, sao anh không làm nghề dạy học như em để anh không bị bắt, không bị tù đày tra tấn và anh mãi mãi bên em. Tôi cố gắng liên lạc về Bình Tuy và Sài Gòn nhưng không được tin tức gì về chồng tôi. Trong khi đó bụng tôi mỗi ngày một lớn. Tôi thương đứa con sắp ra chào đời sẽ không có cha. Ngày xưa đi dạy học tôi đã thương những đứa học trò có cha bị chết vì chiến tranh, vì bom đạn. Nay con tôi cũng như những đứa trẻ đáng thương kia, chỉ khác một điều là đời sống vật chất của con tôi được đầy đủ hơn.
     Nghỉ ở nhà hết một ngày lễ độc lập tôi đi làm trở lại, nhìn những đứa trẻ nô đùa tôi bắt đầu cảm thấy vui. Tôi cố gắng xua đuổi những u buồn để không ảnh hưởng xấu cho thai nhi trong bụng. Tôi tìm mua những loại nhạc vui về nghe và cố gắng lập lại một cuộc đời mới. Rồi tôi hạ sinh đứa con gái đầu lòng. Nhìn nét mặt con rất giống chồng tôi, người ta nói: “Gái giống cha, giầu ba họ” không biết có đúng không nhưng tôi thấy vui vui. Ôm con vào lòng tôi tự nhủ sẽ không bao giờ tái giá nữa, tôi sẽ cố gắng nuôi con cho thành công trên trường đời, cố gắng giúp cho con được sung sướng. Tôi nhớ lại cuộc đời tôi, nếu mẹ tôi còn sống thì tôi được học Dược. Tôi đã có bằng Tú Tài và thi đậu vào trường Dược thì bất thình lình mẹ tôi qua đời. Cô gái bên cạnh nhà hơn tôi 8 tuổi đã tỉ tê tán tỉnh bố tôi. Cô khá đẹp  và có đôi mắt tình tứ, lẳng lơ, thân hình căng tròn thật hấp dẫn thế là bố tôi mê cô và ăn ở với cô. Cô đẹp và trẻ hơn mẹ tôi, nhìn cô rất lôi cuốn làm sao bố tôi không mê được. Bố tôi lại có tính bay bướm, lúc còn sống mẹ đã khổ sở vì ghen. Tôi không trách gì bố. Đàn ông gặp người đàn bà như thế làm sao tránh khỏi đam mê. Có thể lúc mẹ tôi còn sống hai người đã nhấm nháy với nhau nên khi mẹ tôi vừa mất họ mới đến với nhau nhanh như thế. Tôi không biết tại sao cô ở một mình, chồng cô chết hay ly dị ? Người đàn bà như cô mà ở một mình làm sao tránh khỏi con mắt tò mò của đàn ông. Bố tôi nghe lời cô xúi bẩy nên không cho tôi học Dược, bắt tôi học sư phạm 2 năm để chóng đi làm có tiền, đỡ ghánh nặng cho gia đình và có lẽ vì lòng ganh tị, cô không muốn tôi hơn cô nhiều quá.. Tôi trở thành cô giáo, rồi cuộc đời đẩy đưa nay tôi đã trở thành góa phụ trên đất nước Hoa Kỳ này.
     Tôi xin nghỉ hộ sản ở nhà gần 2 tháng rồi tiếp tục đi làm lại. Bà giám đốc trung tâm giữ trẻ cũng là hội viên nhà thờ nên đã dễ dàng với tôi. Tôi mang con đến trường vừa trông con vừa trông những đứa trẻ khác. Thời gian ba năm sau, một hôm hai mẹ con tôi vừa ở trường về thì nhận được điện thoại của ông Smith từ tiểu bang miền Đông gọi sang. Tôi rất ngạc nhiên không hiểu sao ông Smith biết được số điện thoại của tôi. Ông giải thích là ông đã nhờ hội Hồng Thập Tự tìm kiếm người bảo trợ, rồi từ đó biết được số điện thoại của tôi. Sau khi hỏi qua về tình trạng gia đình tôi ông Smith muốn đến thăm và mời tôi đi ăn tối. Tôi rất vui mừng vì gặp lại được ân nhân nên nhận lời. Khi gặp tôi ông mừng rỡ và tỏ vẻ săn sóc tôi một cách đặc biệt và yêu quý con gái tôi. Lúc ăn tối xong ông  đưa quà cho tôi và con tôi rồi tâm sự là ông đã ly dị vợ năm ngoái, ông rất thích đàn bà Việt Nam nên muốn lấy tôi làm vợ, tôi cảm thấy không vui khi nghe lời đề nghị này, mặt tôi đỏ lên rồi cố gắng trả lời ông Smith : “Tôi cần phải biết rõ tin tức của chồng tôi và nhất là phải nuôi con tôi cho khôn lớn, tôi chưa thể lấy chồng lúc này được…”. Ông Smith nói : “Con cô thì không trở ngại vì có thể đi theo mẹ và tôi cũng rất thìch con của cô”, ông hỏi lại tôi :  “Cô định đợi tin chồng cô tới bao giờ cho tôi biết tôi sẽ đợi ”, tôi trả lời tôi không biết nhưng khuyên ông đừng chờ đợi tôi. Tôi có đời sống riêng của tôi, tôi không muốn ràng buộc bởi lời hứa. Tôi cám ơn ông Smith về bữa ăn tối và món quà cho con tôi, còn chiếc nhẫn ông tặng, tôi trả lại. Tôi nói với ông là phong tục của nước tôi không cho phép tôi nhận chiếc nhẫn của người đàn ông khác mà không phải là người yêu hay chồng mình. Tôi không biết phong tục có như thế hay không nhưng tôi nói với ông như vậy cho dễ từ chối. Tôi từ chối cái ôm của ông Smith, chỉ bắt tay  rồi ra về.  Sau này ông Smith có gọi điện thoại cho tôi vài lần nhưng thấy tôi không vồn vã và lạnh nhạt nên ông hiểu ý và thôi không liên lạc nữa.      
         Thư từ giữa Mỹ và Việt Nam bắt đầu dễ dàng, tôi được tin từ người em họ cho biết bố tôi bị đưa ra ngoài Bắc và đã chết ở ngoài đó, không biết vì bị tra tấn, hành hạ hay trốn trại rồi bị bắn, còn người dì ghẻ thì đã bỏ đi lấy chồng 2 tháng sau khi mất Sài Gòn, bà  ta lấy một cán bộ cộng sản đã có vợ ở Hà Nội vào công tác. Tin tức của chồng tôi thì vẫn mù mịt không ai biết. Chúng tôi lại mới lấy nhau nên không biết nhiều về gia đình bên chồng. Có thể chồng tôi đã bị thủ tiêu ngay sau khi bị bắt. Vừa nghĩ tới bố rồi nghĩ tới chồng lòng tôi quặn đau. Tôi cầu nguyện chồng tôi được bình yên. Hàng đêm trong giấc mơ tôi vẫn thấy chồng tôi về, có khi đi chơi với tôi, có khi đứng chụp hình với con gái tôi…
     Tôi đi làm ở vườn trẻ được lãnh lương căn bản tối thiểu nên không đủ trả cho tiền ăn và ở.  Gía thuê nhà ở California lại rất cao, nhà thờ phải phụ giúp tôi một nửa. Các hội viên đều rất tốt nhưng tôi không muốn để họ cưu mang tôi mãi, tôi có danh dự của tôi. Tôi cần phải có một nghề vững chắc, có như thế tôi mới có thể tự túc được. Tôi muốn đi học Dược trở lại mà ngày xưa đã bị người dì ghẻ ngăn cản không cho học lên. Tôi gặp bà Rubin để hỏi thăm về chương trình học. Bà Rubin rất ái ngại, bà thấy một người đàn bà có con thơ như tôi làm sao có thể học ra Dược sĩ được, nhưng thấy tôi cương quyết bà đã chỉ cho tôi tên mấy trường Đại Học gần nhà như Mt. San Antonio college( Mt. Sac), Cal Poly Pomona, Cal State Fullerton và trường Western University Pomona trong đó có phân khoa Dược, tất cả các trường này đều cách chỗ tôi ở khoảng 10 miles. Bà Rubin nói về tài chính cũng không quan tâm lắm vì vừa xin học bổng vừa đi vay, khi ra trường có việc làm sẽ trả lại, vấn đề khó là đứa con ai trông coi để đi học.  Bà Rubin khuyên tôi nên học về ngành computer vì chương trình học ngành này rất linh động, tôi có thể học các lớp vào buổi sáng rồi chiều về nhà vừa trông con vừa học bài và ngành này tìm việc cũng dễ. Tôi cám ơn bà rồi xin nghỉ làm một ngày để đi tìm trường và hỏi thăm xem sao. Tôi đến gặp Counselor của trường Mt. Sac. Ông Counselor cũng nói như bà Rubin nhưng tôi biết thêm được một số chi tiết khác như tôi có thể xin thêm tiền trợ cấp của chính phủ và đặc biệt trường Mt. Sac có chương trình giữ trẻ cho người mẹ là sinh viên của trường nhưng khó xin vì rất đông phụ huynh muốn gửi con, ông khuyên tôi nên nộp đơn sớm. Tôi nghe lời khuyên của ông nộp đơn nhập học khóa mùa Thu và xin gửi con gái vào trung tâm giữ trẻ của trường. Trên đường về tôi ghé vào văn phòng xin tiền trợ cấp xã hội. Tôi rất vui mừng một ngày tôi đã làm được rất nhiều việc và chỉ còn đợi kết quả. Đêm hôm ấy tôi nằm mơ tôi tốt nghiệp văn bằng kỹ sư của trường Cal Poly và có cả chồng tôi và con gái tôi đến tham dự, tôi mơ thấy tôi đội mũ và mặc áo tốt nghiệp đứng chụp hình chung với chồng và con gái. Tỉnh dậy tôi thấy tiếc một giấc mơ thật đẹp mà đã lâu tôi không có. Nhưng tôi cũng vui, như vậy có thể chồng tôi chưa chết, tôi phải cố gắng đợi chồng tôi. Tôi cầu nguyện Trời Phật giúp tôi có đủ nghị lực để ra khỏi những cám giỗ ở đời. Tôi cũng là một con người, cũng có những đòi hỏi tự nhiên. Những lúc tắm để vòi nước chảy trên thân thể tròn trịa với bộ ngực căng đầy tôi cũng có những khao khát thèm muốn được vuốt ve bởi người khác phái, nhiều đêm lạnh nằm co ro trong chăn tôi thèm được ôm chồng như hồi mới cưới…  Nhưng tôi cầu nguyện để quên đi và hướng về hạnh phúc của con gái tôi. Con gái tôi phải được sung sướng trong vòng tay của mẹ để bù đắp cho lúc thiếu cha, khi đó tôi mới nghĩ đến việc đi lấy chồng cũng chưa muộn.                                     
     Hai tháng sau sở xã hội gửi giấy báo cho biết đơn xin trợ cấp xã hội của tôi đã được chấp thuận và cho biết số tiền tôi sẽ được lãnh, đồng thời tôi cũng nhận được giấy báo đến thi về toán và Anh Văn của trường Mt. Sac để họ biết trình độ và xếp lớp cho khóa học tmùa Thu. Khi có thời khoá biểu rồi trung tâm giữ trẻ sẽ ấn định những giờ tôi được gửi, nhưng không quá 15 giờ một tuần. Tôi đến vườn trẻ nơi tôi đã làm từ ngày đặt chân lên đất Mỹ chính thức xin nghỉ việc 2 tuần sau đó theo đúng quy định của nơi làm việc. Tôi gọi cho bà Rubin để báo cho bà biết quyết định đi học của tôi, bà trả lời : “Nếu tôi muốn thì tôi cứ làm… ”, đó là cách trả lời chung  khi bà không biết nói gì khác hơn.
     Ngày đầu tiên đi học tại Đại học Mỹ, tôi không có cảm giác như bài văn của Thanh Tịnh : “Hàng năm cứ vào cuối Thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nao nhớ lại buổi tựu trường….” vì nay tôi không còn thơ ấu, tôi đã có con, hàng ngày tôi đi vội vàng gần như chạy để gửi con trong trung tâm giữ trẻ rồi vào lớp cho kịp giờ. Con tôi rất ngoan, mấy ngày đầu nó khóc nhưng sau quen đi và biết tôi trở lại đón chứ không bỏ đi mất nên đã yên tâm chơi đùa với bạn bè. Tôi nhớ lại mấy năm còn ở Trung học Việt Nam, nhìn hình ảnh, sách báo những Đại học Mỹ thật đẹp, sinh viên nam nữ cắp sách đi bên bãi cỏ xanh mướt trong trường , tôi mong ước được đi du học  để vào một trong những trường như thế. Nay tôi đã được đi học ở đây nhưng tôi không có thì giờ để nhìn ngắm cảnh đẹp, không có thì giờ để mơ mộng và thả hồn theo gió mây nữa. Hết giờ là vội vàng đi đón con, tôi chưa bao giờ được cắp sách đi tản bộ một mình dưới tàn cây bóng mát, bên những vườn hoa hồng nở rộ hay ngồi một mình trên ghế đá để nhìn ngắm những cặp tình nhân dạo bước đi qua. Thư viện thật lớn với đầy đủ các sách nhưng tôi ít khi được vào ngồi trong đó. Một thoáng buồn hiện ra  rồi bước chân tôi đã đến trung tâm giữ trẻ. Con tôi vui mừng chạy ra ôm lấy tôi, tôi ký giấy nhận con và đi tìm chỗ học bài để đợi lớp học kế tiếp. Tôi muốn được vào thư viện nhưng họ không cho dẫn trẻ con vào nên đành phải ngồi ở những phòng trống chưa có lớp, nếu ngày nào hết giờ thì tôi về thẳng nhà. Cứ như thế ngày này qua ngày khác, hơn 2 năm qua đi, tôi lấy được bằng  Associate Degree của Đại học cộng đồng Mt. Sac với số điểm ra trường khá cao. Tôi lên tinh thần. Tôi nộp đơn và được nhận vào trường Cal Poly Pomona, ngành điện tử.
     Khi con tôi được 5 tuổi và sửa soạn đi học trường mẫu giáo, tôi sẽ nhập học trường Cal Poly. Một hôm tình cờ tôi dẫn con đi chợ  99 Ranch Market gần nhà, con tôi gặp một em bé Á Đông cỡ tuổi nó nên hai đứa nói chuyện làm quen, thấy vậy tôi đứng nhìn 2 đứa trẻ chơi với nhau, chúng nói chuyện rất vui vẻ, bất ngờ một người đàn bà trẻ cỡ tuổi tôi đi đến, tôi nhận ra người đó là Dung, bạn trong trường sư phạm với tôi và đã ở chung nhà với tôi trong thời gian mới đến Bình Tuy. Dung gặp tôi mừng rỡ, hai đứa tôi ôm chầm lấy nhau hỏi han và nói Dung ở đường Otterbein gần trường trung học, vậy là cách nhà tôi có một đoạn đường ngắn. Dung nói con Dung năm nay vào lớp mẫu giáo trường Killian, như thế là cùng trường với con tôi. Tôi lái xe theo Dung về nhà cho biết. Căn nhà 3 phòng ngủ, 2 phòng tắm Dung mới mua cách đây 2 tháng. Dung mở tiệm làm móng tay và hớt tóc, còn chồng Dung cũng là đồng nghiệp với tôi  ngày trước bây giờ là chuyên viên điện tử. Chồng của Dung về nhà lúc 2 giờ chiều nên vừa kịp đón con. Dung nói khi tôi đi khỏi Bình Tuy cả Ty Tiểu học họ nói tôi đã lấy ông cố vấn Mỹ (Smith) và theo chồng về Mỹ, bây giờ Dung mới hiểu tin đồn đó là không đúng. Khi tôi đi rồi mọi người xôn xao, có người chê là chồng tôi mới bị bắt đã vội lấy chồng khác, có người tỏ ra thèm muốn vì được đi ngoại quốc khi đất nước lâm nguy. Vợ chồng Dung và mấy người bạn rủ nhau mua chiếc thuyền ra khơi vì họ rất sợ cộng sản, cũng may khi ra đến hải phận quốc tế thì được tàu Mỹ cứu đưa về Phi Luật Tân, gần một năm sau được đến định cư ở California thuộc thành phố West Covina. Dung bảo tôi mang đồ mua ở chợ về nhà cất rồi sang ăn cơm với Dung vì chồng Dung bận đi dự tiệc cho buổi ra mắt sách của người bạn. Tôi để con ở lại chơi với con Dung và về nhà cất đồ rồi trở lại nhà Dung. Hai chúng tôi bây giờ mới lại có dịp nấu ăn chung với nhau. Sợ tôi quá xúc động nên đợi ăn cơm xong Dung mới cho tôi biết cách nay hơn một năm Dung có gặp Tuấn và mời đến nhà chơi, Tuấn cho biết khi bị bắt giam tưởng như không có ngày về. Những người làm nghề cảnh sát, công an như Tuấn bị canh chừng rất nghiêm ngặt. Ba năm sau ngày mất nước Tuấn bị đổi sang giam tại trại tù Hàm Tân. Một hôm Tuấn và mấy người tù đi chặt cây trong rừng bất ngờ gặp Trang dẫn học trò ra bãi biển cắm trại. Trang là chị bạn dạy học với tôi và Dung ngày xưa, chị là người địa phương, vì thiếu giáo viên nên được tuyển vào dạy ăn lương tháng chứ không phải giáo viên chính ngạch. Chị và Tuấn chỉ gật đầu chào nhau chứ không dám nói chuyện. Em gái của Trang đính hôn với người quản giáo trông coi các trại giam trong địa phận Bình Tuy. Trang nói em gái gọi người quản giáo trại giam đến nhà chơi và nhờ giúp đỡ cho Tuấn. Thế là Tuấn được đối xử tử tế. Người quản giáo cũng yêu cầu Tuấn khai lại hồ sơ của Tuấn ở đoạn là vợ Tuấn làm nghề dạy học và đã về Sài Gòn lấy người khác ngay khi Tuấn bị bắt nay không còn liên lạc gì với Tuấn nữa và bỏ đi chỗ vợ Tuấn cộng tác với CIA rồi trốn chạy đi Mỹ như đã ghi trong hồ sơ trước đó. Tuấn được báo cáo học tập tốt nên chỉ thời gian ngắn được thả ra. Tuấn đến thăm và cám ơn Trang rồi ngậm ngùi đứng nhìn ngôi trường tiểu học nơi tôi đã dạy ngày trước và ra đi về Sài Gòn. Tuấn cũng nói Tuấn có gửi tiền về tặng Trang, cùng em gái của Trang để cám ơn sự giúp đỡ của họ.  Em rể của Trang nay đã đổi về làm trưởng ty công an của tỉnh Bình Tuy chỗ Tuấn làm ngày xưa. Dung cũng nói Tuấn muốn cho tôi được hạnh phúc với chồng nên không muốn liên lạc với tôi nữa nhưng Tuấn vẫn yêu tôi và có lẽ không muốn gợi lại những kỷ niệm xưa nên không muốn liên lạc nhiều với vợ chồng Dung và nay không biết Tuấn ở đâu. Dung thấy tôi ngồi buồn nên lại ôm lấy tôi an ủi : “Mình sẽ cầu nguyện cho Nga, mong anh Tuấn sẽ hiểu Nga vẫn còn đợi chồng và hai người được đoàn tụ với nhau”. Để đánh tan không khí u buồn, Dung chỉ hai đứa trẻ chơi với nhau và đề nghị để con tôi về nhà Dung rồi tôi sẽ đến đón con sau. Được Dung san sẻ tôi cũng bớt buồn và như vậy là Tuấn còn sống như tôi đã từng cầu nguyện. Tôi cám ơn Dung nhưng nói lúc này tôi còn rảnh để tôi đón con của Dung về nhà tôi 3 ngày, còn 2 ngày kia tôi có lớp học nên nhờ chồng của Dung. Dung còn đề nghị cho tôi thuê một phòng nhưng tôi từ chối vì ngày xưa Dung chưa có gia đình ở  với nhau thì không  sao, nay hoàn cảnh đã khác, rồi lại xẩy ra sự ghen tuông mất tình bạn bè. Lúc ra về Dung nói nhỏ bên tai tôi : “Bà mải lo học nhưng nhìn vẫn tình tứ lắm chưa chịu lấy chồng cũng hay thật, nhìn bà tôi còn mê nữa là đàn ông…”, người ngoài nhìn tôi như vậy làm sao tôi dám đến ở chung nhà với ai được. Con tôi có bạn nên rất vui, tôi được yên tâm học hành, không còn phải lo lắng gì nữa. Hai đứa trẻ chơi chung với nhau rất hòa thuận càng tăng thêm tình bạn của tôi với vợ chồng Dung. Thời gian cứ thế qua đi tôi tiếp tục gặt hái được kết quả tốt đẹp cho việc học.
     Còn hơn tuần nữa tôi ra trường và sẽ dự lễ tốt nghiệp để nhận văn bằng kỹ sư điện tử. Tôi cũng nhận được giấy gọi đi làm cho một công ty điện tử ở Fullerton ngay khi tốt nghiệp.
     Tôi vừa ăn cơm tối xong và đang sửa soạn giấy mời những người đến dự lễ ra trường của tôi , sau đó mời đi nhà hàng ăn mừng tôi tốt nghiệp như bà bác sĩ Rubin, bà giám đốc vườn trẻ và vợ chồng Dung. Bất ngờ Dung gọi điện thoại cho tôi : “ Nga ơi ! Dung đây. Tối nay tắm rửa sạch sẽ và mai đi mua cái giường mới nghe chưa …”. Tôi ngạc nhiên, sao điện thoại gì lạ vậy, Dung nói tiếp: “ Khỏang 10 phút nữa vợ chồng mình tới, có cả người bạn ở Bình Tuy nữa”, tôi chưa kịp hỏi là ai thì Dung gác điện thoại. Tôi vội trang điểm qua loa vì có khách đến nhà. Nghe chuông điện thoại tôi ra mở cửa, Tuấn hiện ra trước mặt,  tôi kêu lên :   “Anh ! Có phải anh không !  Em không mơ chứ ! Em yêu anh quá ! Em nhớ anh quá !”. Chúng tôi ôm nhau mừng rỡ, nước mắt tôi trào ra rồi tôi gọi con gái. Tuấn ôm con vào lòng, con bé bén lẽn nhưng có lẽ nó nhìn hình bố đã quen nên không chống đối. Nga hỏi sao không thấy Dung vào nhà, Tuấn nói anh chị ấy có đến cửa nhưng đã về, chắc anh chị ấy muốn cho mình tự do yêu nhau… Tôi trách Tuấn sao không liên lạc với tôi, Tuấn nói khi được thả ra Tuấn đi tìm tôi nhưng mọi người đều nói tôi đã lấy ông cố vấn Mỹ nên chồng tôi tưởng thật. Chiều nay tình cờ đi hớt tóc ở tiệm của Dung,  Dung đã cho Tuấn biết tất cả. Tôi bị chồng hiểu lầm nên nức nở khóc. Con tôi chạy lại lấy giấy lau nước mắt cho tôi và hỏi : “Sao mẹ lại khóc ? Mẹ mong ba, nay ba đã về mẹ phải mừng chứ ?”. Tuấn xin lỗi vì đã hiểu lầm lòng chung thủy của tôi và dỗ dành tôi : “Em nín đi không con nó không hiểu rồi nó lại lo”. Tuy tủi thân khóc vậy nhưng tôi cũng biết chồng tôi hiểu lầm tôi là phải. Chồng tôi bị giam trong tù nên mang rất nhiều mặc cảm, khi nghe mọi người cùng nói như thế làm sao chồng tôi  không tin được. Rất may chồng tôi đã gặp  Dung nên chúng tôi mới được gần nhau như hôm nay. Tôi rất vui mừng trong danh sách tham dự lễ tốt nghiệp có thêm tên chồng nữa. Tôi ôm Tuấn chặt hơn và hôn Tuấn thật lâu để bù lại bao nhiêu năm nhớ nhung chờ đợi và thèm hơi thở của chồng. Hôm nay tôi đã tìm lại được nụ hôn nồng ấm của chồng như ngày nào...
 











ĐƯỜNG VỀ QUÊ CŨ
           Hoàng Nguyên Linh
                                                       


     Sau bao năm đắn đo và suy nghĩ, cuối cùng tôi đã về Việt Nam. Tôi về với một mục đích chính là thắp nén hương lên mộ mẹ, người mẹ mà trên 50 năm tôi không gặp.
     Phi cơ đáp xuống phi trường Nội Bài Hà Nội. Tôi không có một cảm giác gì cả. Không vui, không mừng. Có lẽ tại đi xa Việt Nam quá lâu hay tại chưa từng sống ở Hà Nội, hoặc có thể vì nơi đây là trung tâm quyền lực đã điều khiển cuộc chiến kéo dài bao nhiêu năm khiến cho hàng triệu người chết. Thành phố này tôi không có kỷ niệm như Sài Gòn nên đến Hà Nội tôi cảm thấy như mình là một du khách đến thăm một xứ lạ. Lúc chưa về Việt Nam  nghe người ta  nói muốn đi dễ dàng, không bị làm khó thì bỏ 10, 20 đô la vào cái sổ thông hành, lại có người nói nếu bỏ tiền vào đó coi chừng bị gài bẫy… cho nên đầu óc tôi khá căng thẳng, không biết nên  chọn lựa thế nào cho đúng…
     Trước kia nghe người ta tả cảnh thật đẹp của Hà Nội Ba Mươi Sáu Phố Phường, với Hồ Hoàn Kiếm, đền Quan Thánh, Hồ Tây, chùa Một Cột, Văn Miếu Quốc Tử Giám vân vân, nhưng nay đến Hà Nội những nơi này không có gì lôi cuốn. Tôi ở khách sạn nằm trên phố Hàng Đường, rất gần với chợ Đồng Xuân, ngôi chợ này không lớn như tôi tưởng, có lẽ nhỏ hơn chợ Bến Thành trong Sài Gòn, nhưng tôi nhớ nó và muốn biết nó vì lúc mới di cư vào Nam, bố tôi xin cho nhập học lớp Nhì trường tiểu học di chuyển Tôn Thọ Tường. Sáng và chiều là của trường chính, chúng tôi đi học nhờ nên chỉ được xếp vào buổi trưa. Trong giờ tập đọc cô giáo gọi  lên đọc bài, bài tập đọc nói về chợ Đồng Xuân, tôi không nhớ bài này trích từ đâu và tác gỉa là ai, nhưng khi đọc hết bài cô giáo hỏi:  “Chợ Đồng Xuân ở đâu ?”. Tôi sợ quá, lính quýnh trả lời liều: “ Thưa cô ở ngoài Bắc”, cô giáo hỏi vặn lại: “ Ngoài Bắc, nhưng ở tỉnh nào hay thành phố nào ?”, tôi không trả lời được. Có lẽ cô giáo thấy một thằng bé quê mùa, từ Thái Bình (người ta hay gọi đùa là Thái Lọ) vào thẳng Sài Gòn nên không biết Hà Nội, không biết chợ Đồng Xuân. Từ đó tôi nhớ mãi tên của ngôi chợ này.
     Sau khi đi thăm hết các nơi chính, chúng tôi hỏi người tài xế của hãng du lịch là ăn ở đâu ngon nhất, anh tài xế đề nghị nên đến quán chả cá Lã Vọng vì hầu hết khách du lịch Hà Nội mọi người đều ghé quán này nó vừa ngon, vừa rẻ. Đến cửa chúng tôi phải đứng đợi khỏang 15 phút. Mùi mắm tôm cùng với mùi cá nướng và lá rau thì là thơm phức càng lôi cuốn khách đứng đợi. Khi chảo cá nướng được mang lên, tôi tò mò hỏi người bồi: “Ở đây anh dùng mỡ gì để nướng cá?”, người bồi hãnh diện trả lời: “ Chúng tôi dùng mỡ lợn, ngon lắm”. Anh ta dùng danh từ “mỡ lợn” khiến tôi phát sợ, nếu dùng danh từ quen thuộc “mỡ heo” như trong Nam có lẽ bớt sợ hơn, và từ đó tôi không bao giờ vào quán này nữa dù quán cùng nằm trên phố Hàng Đường nơi tôi ở.  
     Sau 3 ngày ở Hà Nội không có gì lôi cuốn. Thành phố quá xô bồ, bụi bặm, mùi cống rãnh xông lên hôi thối, xe gắn máy chen chúc nhau trên phố, không theo một trật tự nào. Tôi về Hà Nội như một du khách, không cho thân nhân và bạn bè biết trước để khỏi có có sự đón đưa. Ngày thứ ba tôi gọi cho cô em gái và người em họ con ông chú để báo tin hôm sau về quê ở Thái Bình.  
     Thành phố Hà Nội những ngày gần Tết càng xô bồ, phố xá quá đông người. Chiếc xe chở tôi, Thế và Hằng khó khăn lắm mới ra khỏi thành phố. Xe phải mất hơn 2 giờ mới vào được thị xã Thái Bình. Phố xá khác lạ so với khi xưa. Hai bên đường có những dẫy nhà cao, khá đồ sộ nhưng tôi có cảm tưởng sự xây cất rất cẩu thả, nếu chẳng may có một trận động đất nhẹ, tất cả những ngôi nhà 3,4 tầng này sẽ sụp đổ dễ dàng.
     Rồi chúng tôi vào đến làng Kỷ, nơi tôi đã được sinh ra và lớn lên. Tên làng Kỷ đã có từ lâu lắm, về sau đổi lại là Hội Châu, và bây giờ gọi là làng Minh Châu, huyện Thanh Quan. Chồng bà Huyện Thanh Quan một thời đã làm tri huyện ở đây. Ngày xưa làng tôi được bao bọc bởi lũy tre xanh, con đường dẫn vào làng được trải những viên đá thật lớn. Nhưng nay dấu vết cũ không còn gì nữa. Thế cho biết chỗ ngày xưa gọi là Quán Cháy, miếu và lăng cụ Thượng Quốc, lăng cụ Hàn không thấy đâu. Tất cả còn sót lại là Mả Cả, nơi chôn cất của bao nhiêu đời dân trong làng và ngôi chùa rất linh thiêng của làng. Phía bắc làng tôi là làng Thượng Phú, thị xã Châu Giang, phía tây là làng Tầm Phương, Tống Thỏ và Trực Nội, phía đông là làng Tể, nơi ông Ngoại tôi ở, phía nam là sông Trà Lý, bên kia sông là huyện Kiến Xương. Tôi nhớ đến bài thơ của một thi sĩ người làng Kỷ đã làm bài “Về Làng Kỷ”  khi mẹ ông mất:
Làng Kỷ nhỏ nhoi bên sông Trà Lý
Tiếng chuông chùa khấp khểnh bước chân trâu
Sáo ai thổi bên cầu khuya khoắt thế
Ngọn đèn dầu thao thức đốt lòng nhau

Làng Kỷ buồn mong manh như nét vẽ
Khi gió mùa đông bắc lạnh tràn qua
Tần tảo mẹ đôi chân trần tím tái
Cầu đá buồn bữa bữa gập ghềnh mưa…

Làng Kỷ nghèo nuôi chúng tôi rau cháo
Lặn lội thân cò bãi chợ, bến sông
Câu ca dao mẹ ru sờn mép võng
Mẹ đi rồi ! Câu hát có còn không  ?

Làng Kỷ giờ không nghèo như xưa nữa
Nhưng cứ buồn xao xác cứ bâng khuâng
Lối cũ còn đây người xưa giờ đâu nhỉ
Có ai về Làng Kỷ với tôi không ? …
                                   
     Có, tôi đã về Làng Kỷ. Nhưng không như ý bài thơ, với tôi lối cũ không còn như xưa nữa, không còn lũy tre xanh, không còn cầu đá bắc qua con lạch nhỏ, không còn cây đa đầu làng, không còn mẹ tôi và người em con ông chú đã ra đi. Tôi đã thắp nén hương lên mộ mẹ. Đây là lần đầu sau 50 năm tôi rời xa quê huơng, bây giờ mới được về thăm mộ mẹ và cũng buồn không biết còn có dịp về quê lần nữa không. Cúng mộ mẹ xong, tôi đến nơi có mộ cụ tổ, cụ cố, ông bà và các cô chú cùng người em họ. Hoàng Hưng lúc tôi vào Nam em chưa biết đi, nhưng nay em đã lìa đời lúc tuổi ngoài 30. Hoàng Hưng chết tại miền Nam cùng một lúc với bố vợ. Sau chiến tranh phải khó khăn lắm mới tìm được mộ và mang hài cốt về. Mộ hai bố con chôn sát nhau. Rất may tôi đã không tham gia trận này, nếu không tôi đã cầm súng hăng say giết quân thù và biết đâu trong trong đó có em tôi. Hết chiến tranh bây giờ chỉ còn tình người, các người thân ở lại tôi không thấy họ như quân thù trong lúc chiến tranh nữa. Họ cũng như chúng tôi tất cả chỉ là nạn nhân và bị quay cuồng trong một guồng máy…
     Ngọc Lan năm nào cũng vậy, những ngày gần Tết đều về thắp hương cho bố và cho chồng. Còn gì đau khổ bằng có hai cái tang trong một ngày. Nhìn người thiếu phụ trẻ tuổi chừng chưa tới 50 tôi không khỏi ngậm ngùi. Tôi liên tưởng tới câu hát: “Ôm mồ cứ tưởng ôm vòng người yêu…”
     Ngọc Lan dáng người nhỏ nhắn, thanh cao, hiền dịu, chồng chết đã lâu nhưng vẫn còn thương chồng nên chưa tái giá. Nhìn Ngọc Lan tôi thấy có vẻ quen thuộc nên hỏi Thế và được biết Ngọc Lan là em bà Nết, con ông Thẩm, người làng kế bên. Nói đến bà Nết thì tôi nhớ rõ. Nết lớn hơn tôi hai tuổi. Lúc chưa vào Nam mẹ tôi nói đợi tôi đủ 13 tuổi, lúc đó Nết 15 sẽ đi hỏi Nết làm vợ cho tôi. Mẹ  bảo: “ Gái hơn 2, trai hơn 1 là đẹp đôi”. Tuy mới 12 tuổi nhưng tôi đã biết phân biệt được người con gái đẹp và người con gái xấu. Nết người thon và cao như Ngọc Lan bây giờ nhưng hình như đẹp hơn Ngọc Lan. Da nàng thật mịn và trắng hồng. Trong vùng Nết là người con gái đẹp nhất nên mẹ tôi mới chọn cho tôi. Mẹ hỏi: “ Con có bằng lòng lấy Nết làm vợ không?”, tôi trả lời : “ Con không biết”. Tuy không hiểu chuyện vợ chồng là gì nhưng vì Nết đẹp nên tôi cũng thấy vui vui, làm bạn với Nết chắc tôi cũng thích. Hình như Nết đã nghe có người nói bắn tin nên nàng rất thích vì gia đình tôi giầu hơn nhà nàng, tôi lại khá đẹp trai và cao lớn, tuy kém nàng 2 tuổi nhưng tôi cũng lớn bằng hoặc cao hơn. Đi đường gặp nhau nàng vui lắm, nhưng trái với Nết, tôi rất thẹn thùng mỗi khi găp, tôi thường giả vờ nhìn đi chỗ khác chứ không dám nhìn thẳng, nghĩ lại tôi thấy một thoáng tiếc thương…
     Rồi phong trào cải cách ruộng đất và đấu tố được phát động, chúng tôi bị học tập hình thức đấu tố cha ông. Từ lớp học đến đoàn thể thiếu nhi đều phải tự kiểm thảo. Tôi sợ nhất là buổi học tập kiểm thảo nơi lớp học của tôi. Anh Quỹ, tên người dạy lớp nhì. Anh bắt học trò gọi là “anh” chứ không được gọi là “thầy” cho có vẻ cách mạng, anh nói gọi “thầy” chứng tỏ hãy còn phong kiến, lạc hậu. Trong bản tự kiểm thảo chúng tôi phải ghi tất cả những tội lỗi, xấu xa từ bé tới lớn mà chúng tôi mắc phải. Anh Qũy đưa ra một tiền đề là từ trước tới giờ vì chưa được cách mạng giáo dục nên mọi người đều có tội lỗi, ai khai được nhiều tội của mình thì người đó là người thành thật nhất và đã giác ngộ, ai khai ít tội thì người đó không thành thật và chưa giác ngộ. Chúng tôi thi nhau khai tội của mình, không có tội cũng tạo ra để khai. Cuối cùng có một học sinh được các bạn bầu hạng nhất vì khai ra được nhiều tội. Tôi còn nhớ anh ta tên Nhuế, người gầy gò, nhỏ bé. Được bầu hạng nhất, Nhuế mừng lắm và được gọi lên đứng gần bảng đen, khoanh tay trước ngực và nhìn xuống cả lớp. Anh Quỹ đọc từng tội rồi bắt đầu chửi tới tấp suốt từ sáng đến trưa, lúc anh Quỹ đập bàn, lúc anh hét thật to như áp đảo “tội nhân”, cứ mỗi câu anh Quỹ lại gằn từng tiếng: “Em Nhuế ! em Nhuế !”, chúng tôi ngồi dưới sợ quá, trong khi đó Nhuế nước mắt chảy ròng ròng, độc ác hơn nữa là anh Qũy không cho lau nước mắt và cứ thế nước mắt, nước mũi chảy ra. Anh nói nếu lau đi thì tội hãy còn, phải để cho tội lỗi chảy đi. Nhuế phải khoanh tay đứng chịu sự xỉ vả nặng nề và liên tục trong gần 3 giờ đồng hồ nên đã té lăn ra nền lớp học, mấy người ngồi bàn trên phải lấy nước lạnh lau mặt cho Nhuế, mãi gần nửa giờ sau Nhuế mới tỉnh lại và buổi kiểm thảo chấm dứt. Anh Qũy mặt vẫn lạnh lùng và tuyên bố: “ Từ nay em Nhuế đã trở thành một thiếu nhi tháng Tám gương mẫu…”.  Đó là kỷ niệm sợ hãi nhất của tôi trong thời đi học trong vùng do Việt Minh kiểm soát. Rồi phong trào đấu tố bộc phát mạnh, chú của bố tôi bị bắt mang ra đấu tố trước, đoàn thiếu nhi chúng tôi được điều động đến để cổ võ cho phiên tòa, làm cho âm thanh của tiếng “đả đảo” thêm vang dậy, tiếng  “giết” người thêm lạnh lùng. Ông bị trói ở sân đình làng,  mấy người canh điền ngày trước đứng ra tố khổ và gọi loa: “Đả đảo tên địa chủ cường hào gian ác !” tức thì cả tập thể cùng hô: “Đả đả ! Đả đảo !”, rồi tiếng loa lại kêu lên: “Ai đồng ý giết!”  tức thì cả đán đông cùng hô: “Giết! giết !”.  Tiếp theo là gạch, đá ném ào ào vào đầu và người ông. Cứ như vậy lập đi lập lại nhiều lần, ông chú của bố tôi gục đầu xuống, máu chảy ròng ròng. Một người canh điền tên Tuệ Cụt, gọi hắn như vậy vì hắn không có ngón chân cái cho dễ phân biệt với Tuệ Lé trong làng, hắn đã làm việc cho chú của bố tôi trong nhiều năm, hắn đi đến bên ông, tay cầm viên gạch thật to đập mạnh vào đầu ông một lần nữa cho thỏa mãn lòng căm thù của hắn. Tiếng loa kêu lên: “ Tên địa chủ cường hào gian ác đã đền tội trước nhân dân !” . Xác ông được cởi trói và đem bó chiếu vùi xuống hố chứ không được bỏ trong hòm gỗ.  Một miếng  sắt được viết vội vàng bằng sơn để trên mộ : “Nấm mồ của tên địa chủ cường hào gian ác…”. Bố tôi thấy vậy sợ hãi ban đêm chạy trốn khỏi làng, tìm đường   vào Nam, tôi đi theo bố, thế là chuyện lấy vợ không xong và mãi gần 20 năm sau tôi mới lập gia đình. Nếu không có phong trào đấu tố và cải cách ruộng đất, tôi không vào Nam và đã lấy Nết rồi cuộc đời không biết sẽ thay đổi ra sao…
     Dù mới gặp Ngọc Lan lần đầu sao tôi thấy rất thân quen. Ngọc Lan ở Hà Nội, nhà không xa với phố Hàng Đường nơi khách sạn tôi ở. Ngọc Lan ngỏ ý mời đến nhà chơi. Tôi nhận lời và nói khoảng 10 giờ sáng  hôm sau sẽ tới. Ngọc Lan và Nết đón ở cửa. Ngọc Lan giới thiệu tôi với chị nàng:
     - Bác Văn, anh họ nhà em mới ở Mỹ về chơi.
     Ngọc Lan chỉ Nết:
     - Đây là chị ruột của em. Còn con trai em đi chơi với bạn chưa về.
     Nết cúi đầu chào và nói:
     - Mời bác vào trong nhà uống nước.
     Bây giờ tôi mới để ý, người vùng tôi họ hay gọi nhau là “bác” hay “ông” thay cho con cháu họ chứ không gọi anh hay chị dù là người nhà. Vào ghế ngồi rồi vừa hỏi chuyện vừa quan sát Nết. Người đàn bà này  đã một lần mẹ định hỏi làm vợ cho tôi. Tuy một vài nét của người con gái đẹp ngày xưa vẫn còn trên khuôn mặt nhưng nhìn tổng quát thì “nàng” nay đã già, đôi mắt hom hem, tóc bạc gần nửa đầu, làn da mịn màng ngày xưa nay không còn nữa và đã nhăn nheo, hai chiếc răng cửa đã rụng. Tôi nhớ đến lời nói của người bạn trong một hội cựu học sinh khi lên diễn đàn kể chuyện về Việt Nam và  khuyên mọi người là đừng bao giờ gặp lại người yêu cũ, sẽ vỡ mộng vì “nàng” nay không còn như xưa nữa và đã trở thành bà lão rồi. Nhưng đến thăm chị em Nết không phải trong ý nghĩ đó, tôi đến thăm vì tình thân thuộc và tình quê hương nơi tôi.
      Hình như Nết còn nhớ chuyện mẹ tôi định hỏi nàng mấy chục năm về trước nên thỉnh thoảng điểm nụ cười khiến cho hai chiếc răng rụng càng rõ thêm. Để xóa tan không khí im lặng, Ngọc Lan hỏi chị:
     - Ngày xưa chị có biết bác Văn trong làng không ?
     - Biết chứ sao không. Bác ấy con nhà giầu nhất trong vùng ai mà không biết. Nếu không có cuộc di cư…
     Nết bỏ lửng câu nói ở đó nhưng tôi biết nàng định nói gì. Hai chị em khẩn khoản mời ở lại ăn cơm trưa, tôi từ chối lấy lý do xe của hãng du lịch đến đón, tài xế xe không đợi được. Thấy trong nhà chỉ có hai chị em, tôi muốn hỏi nhưng rất khó nhập đề.  Sau khi hỏi thăm về gia đình tôi xong, nét mặt Nết có vẻ buồn buồn rồi kể:
     - Chồng em và đứa con trai lớn đã chết tại chiến trường miền Nam, không mang được xác về. Sau  chiến tranh tưởng thằng con trai út sẽ được gần mẹ, không ngờ lại có chiến tranh với Trung Quốc ở phương Bắc nên cháu cũng bị chết ngoài mặt trận, thằng cháu này mang được xác về chôn. Nhà đơn chiếc nên hai chị em ở với nhau. Na (tên cũ của Ngọc Lan) có nhiều người hỏi nhưng em nó ngại không muốn đi lấy chồng nữa…
     Nghe xong câu chuyện tôi cảm thấy thật buồn. Đi đâu cũng thấy hậu quả của chiến tranh, nhất là dân miền Bắc họ cực khổ hơn trong Nam rất nhiều nhưng họ vẫn tiếp tục chịu đựng.  
     Sau mấy tuần lễ đi từ Bắc vào Nam, mặc dù đi trong dịp Tết nhưng sao tôi không thấy điều gì vui, không thấy đâu là mùa Xuân quê hương, tất cả chỉ thấy cảnh lầm than, đói khổ. Hầu như nhà nào cũng có người chết vì chiến tranh, nhưng người dân vẫn âm thầm sống cho qua ngày.
     Về đến Hoa Kỳ đã lâu nhưng lúc nào tôi cũng nghĩ đến cảnh đáng thương của hai chị em Nết Na  cũng như bao nhiêu gia đình Việt Nam khác nơi quê hương cũ của tôi…